Sản lượng khai thác của Tập đoàn Gemadept (GMD) có thể vượt 18% công suất thiết kế năm nay

Chứng khoán Tiên Phong dự báo nhóm cảng biển miền Nam của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với giá khai thác bình quân/TEU tại cảng Gemalink có thể tăng bình quân 9% trong giai đoạn 2025 - 2026.

Sản lượng toàn hệ thống của Tập đoàn Gemadept trong năm 2024 tăng trưởng 47% so với năm 2023.

Sản lượng toàn hệ thống của Tập đoàn Gemadept trong năm 2024 tăng trưởng 47% so với năm 2023.

Năm 2024, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) ghi nhận sản lượng toàn hệ thống đạt 4,4 triệu TEU, tăng 47% so với năm 2023. Trong đó, nhóm cảng miền Nam ghi nhận sản lượng tăng tới 59% và nhóm cảng miền Bắc có mức tăng trưởng sản lượng đạt 26%.

Kết quả này chủ yếu đến từ việc tập đoàn đã hoàn thành việc nâng cấp luồng Hà Nam từ quý 3/2024, giúp cảng Nam Đình Vũ tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải lên đến 48.000 DWT đầy tải - cỡ tàu lớn nhất có thể vào khu vực Đình Vũ (Hải Phòng). Đồng thời, cả cảng Nam Đình Vũ lẫn cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept đều có thêm các tuyến dịch vụ mới, cũng như hưởng lợi trực tiếp từ tình trạng tắc nghẽn cảng tại Singapore.

Hiệu suất khai thác cao cùng với mặt bằng giá xếp dỡ container tăng thêm 10% (theo Thông tư số 39/TT-BGTVT) đã giúp Tập đoàn Gemadept ghi nhận 4.832 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024, tăng gần 26% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm khoảng 25%, đạt 1.905 tỷ đồng, do tập đoàn này không còn ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ thoái vốn cảng như trong năm 2023. Nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường này thì lợi nhuận từ các mảng kinh doanh cốt lói của Tập đoàn Gemadept trong năm 2024 vẫn tăng trưởng mạnh 35,4%.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Tiên Phong, tổng sản lượng khai thác năm nay của Tập đoàn Gemadept có thể giảm 2% so với mức thực hiện của năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng tắc nghẽn tại cảng Singapore đã được giải quyết và xu hướng “đẩy hàng sớm” (front-loading) đang giảm dần so với thời điểm cuối năm 2024. Tuy nhiên, mức sản lượng khai thác sẽ tiếp tục vượt công suất thiết kế của Tập đoàn Gemadept từ 9 - 18% trong năm nay.

Tăng trưởng (theo năm) các mảng kinh doanh chính của Tập đoàn Gemadept trong giai đoạn 2018 - 2024. (Nguồn: Tập đoàn Gemadept, Chứng khoán Tiên Phong)

Tăng trưởng (theo năm) các mảng kinh doanh chính của Tập đoàn Gemadept trong giai đoạn 2018 - 2024. (Nguồn: Tập đoàn Gemadept, Chứng khoán Tiên Phong)

Đồng thời, Chứng khoán Tiên Phong lưu ý sản lượng tại các nhóm cảng của Tập đoàn Gemadept sẽ có sự phân hóa. Cụ thể, sản lượng tại nhóm cảng biển phía Bắc sẽ chịu áp lực cạnh tranh đáng kế khi Giai đoạn 1 - Cảng nước sâu Lạch Huyện (các bến số 3, 4, 5 và 6) tại Hải Phòng dự kiến được đưa vào khai thác trong năm nay. Theo đó, Tập đoàn Gemadept có thể sẽ cần giữ ổn định giá khai thác dịch vụ tại cảng Nam Đình Vũ để giữ chân khách hàng và thu hút khách hàng mới.

Ngược lại, nhóm cảng biển miền Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với giá khai thác bình quân/TEU tại cảng Gemalink có thể đạt mức tăng bình quân 9% trong giai đoạn 2025 - 2026 khi chưa có nguồn cung công suất mới tại khu vực cảng này, Chứng khoán Tiên Phong nhận định.

Trong trung và dài hạn, với loạt dự án mở rộng, nâng cấp đang được triển khai, Chứng khoán Tiên Phong dự phóng công suất thiết kế của Tập đoàn Gemadept sẽ tăng thêm 2,15 triệu TEU trong giai đoạn 2026 - 2028, tương đương mức tăng gần 54% so với công suất hiện tại, đạt mức 6,15 triệu TEU/năm vào năm 2028. Điều này sẽ giúp Tập đoàn Gemadept củng cố vị thế trong ngành khai thác cảng và duy trì động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Tập đoàn Gemadept hiện đang quản lý & khai thác 06 cảng biển và điểm thông quan nội địa - cảng cạn (ICD), gồm: Cảng Nam Đình Vũ, ICD Nam Hải, Cảng quốc tế Dung Quất, Cảng Bình Dương, ICD Phước Long và đặc biệt là Cảng nước sâu Gemalink - Top 19 thương cảng của thế giới có thể đón thế hệ tàu Megaship lớn nhất hiện nay. Hoạt động khai thác cảng chiếm tỷ trọng từ 80% - 90% doanh thu và 90% lợi nhuận gộp của tập đoàn.

Bên cạnh mảng cảng biển, Chứng khoán Tiên Phong dự báo Tập đoàn Gemadept có thể ghi nhận kết quả từ việc thoái vốn mảng cao su trong năm nay. Tính đến quý 4/2024, tập đoàn này ghi nhận 1.324 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở các dự án trồng cao su tại Campuchia với quỹ đất lên đến 30.000 ha.

Trong buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh vào giữa tháng 2/2025, ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept nhấn mạnh mục tiêu của việc thoái vốn mảng cao su cố gắng hoàn thành vào năm 2025, nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết.

Cuối cùng, với mảng bất động sản, Tập đoàn Gemadept đang triển khai 02 dự án, gồm Dự án Saigon Gem tại Quận 1 - TP.Hồ Chí Minh và Dự án phức hợp hách sạn 5 sao tại Thủ đô Viêng Chăn - Lào thông qua các công ty liên kết. Công ty cho biết đang tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư tiềm năng cho các dự án này để hợp tác hoặc thoái vốn nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, theo Chứng khoán Tiên Phong.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/san-luong-khai-thac-cua-tap-doan-gemadept--gmd--co-the-vuot-18--cong-suat-thiet-ke-nam-nay-138992.htm