Sàn mua bán dữ liệu của Trung Quốc 'ế' khách
Hàng chục sàn mua bán dữ liệu được thành lập ở Trung Quốc kể từ năm 2020 nhưng hầu hết các giao dịch vẫn diễn ra trên thị trường chợ đen. Cho đến nay, các bên tham gia mua bán trên những sàn này chủ yếu là các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp nhà nước.
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đang nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của thị trường ngầm đối với dữ liệu kinh doanh trong bối cảnh các công ty tư nhân tránh xa các sàn giao dịch chính thức được thiết lập để thắt chặt kiểm soát hoạt động mua bán thông tin.
Các chính quyền địa phương trên cả nước đã thành lập 48 sàn giao dịch dữ liệu. Hầu hết các sàn này ra mắt sau khi năm 2020, Bắc Kinh xác định nền kinh tế dữ liệu là ưu tiên quốc gia, trở thành trụ cột thứ năm để phục vụ sản xuất bên cạnh đất đai, lao động, vốn và chuyên môn kinh doanh. Nền kinh tế dữ liệu được định nghĩa rộng rãi là một hệ sinh thái kỹ thuật số trong đó, mạng lưới các nhà cung cấp thu thập, sắp xếp và trao đổi dữ liệu với mục tiêu tạo ra giá trị từ thông tin tích lũy được.
Dưới sự giám sát theo quy định, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân có thể mua và bán dữ liệu về mọi thứ, từ mô hình thời tiết đến lưu lượng giao thông trong thành phố. Tuy nhiên, những người trong ngành và các chuyên gia cho biết, không có động cơ rõ ràng để các công ty tư nhân tham gia vào các thị trường non trẻ này. Họ nói rằng, hầu hết hoạt động mua bán dữ liệu vẫn diễn ra ngoài các sàn giao dịch chính thức.
“Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc thu hút người tham gia tham gia thị trường”, nhân viên tại một sàn giao dịch dữ liệu do nhà nước hậu thuẫn nói, đồng thời cho biết thêm, phần lớn hoạt động bán dữ liệu diễn ra ở nơi khác.
Một báo cáo, do Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải (SDE) công bố hồi tháng trước, dự báo đến năm 2025, chỉ 10% doanh số bán dữ liệu ở Trung Quốc được thực hiện trên các sàn giao dịch giao dịch chính thức.
Sáng kiến thúc đẩy mua bán dữ liệu qua các sàn giao dịch chứng thức là một phần của những cải cách rộng lớn hơn nhằm tăng cường khả năng kiểm soát dữ liệu của chính quyền sau hai thập niên khi các công ty internet như Tencent và Alibaba tạo ra các lãnh địa kinh tế nhờ kho dữ liệu tiêu dùng khổng lồ. Kể từ năm 2021, nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị phạt tiền vì các vi phạm liên quan đến dữ liệu. Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc cũng được trao quyền quản lý mạnh mẽ hơn về cách các công ty thu mua, quản lý và lưu trữ dữ liệu.
Theo Xiang Li, một chuyên gia về quản lý dữ liệu ở Hồng Kông, kể từ động thái vào năm 2020 nhằm biến dữ liệu thành một yếu tố sản xuất quan trọng, chính phủ Trung Quốc đã xem dữ liệu là loại hàng hóa có thể giao dịch. Mục đích của Bắc Kinh là giải phóng năng suất bằng cách cung cấp cho nhiều công ty hơn quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu, cho phép họ triển khai trí tuệ nhân tạo(AI) trong mọi thứ, từ sản xuất thông minh đến công nghệ tự lái.
Theo báo cáo của SDE, giá trị dữ liệu được mua và bán ở Trung Quốc dự kiến tăng từ 88 tỉ nhân dân tệ (12,3 tỉ đô la Mỹ) vào năm ngoái, lên 516 tỉ nhân nhân tệ (72,5 tỉ đô la Mỹ) vào cuối thập niên này, khi các ứng dụng liên quan đến AI ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Nhưng các chuyên gia nhận định, Bắc Kinh sẽ đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để thuyết phục các công ty tư nhân bán dữ liệu trên các sàn giao dịch tập trung, thay vì thông qua một nhà môi giới dữ liệu. Kendra Schaefer, người đứng đầu chính sách công nghệ của hãng tư vấn Trivium China, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, phần lớn dữ liệu hiện bán trên các nền tảng giao dịch chính thức đến từ các cơ quan chính quyền, bao gồm các cơ quan quản lý vận tải và dự báo thời tiết địa phương hoặc từ các doanh nghiệp nhà nước . Giới chức trách dễ dàng thuyết phục họ chuyển giao dữ liệu hơn so với các công ty tư nhân.
Theo phân tích của Financial Times, có khoảng 700 nhà giao dịch đang bán dữ liệu trên Sàn giao dịch dữ liệu lớn toàn cầu Quý Dương ở tỉnh Quý Châu. Tuy nhiên, phần lớn họ là các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Chính quyền tỉnh Quý Châu đã đưa ra dự thảo quy định yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước phải bàn giao dữ liệu của họ cho sàn giao dịch Quý Dương.
Theo các phương tiện truyền thông trong nước, các doanh nghiệp nhà nước như Công ty lưới điện miền nam Trung Quốc bán dữ liệu tiêu thụ điện của khách hàng trên sàn giao dịch Quý Dương cho các tổ chức tín dụng như một công cụ mới để giám sát điểm số tín dụng.
Các sàn mua bán dữ liệu chính thức cũng được thiết kế để cung cấp cho các chính quyền địa phương đang thiếu tiền mặt và các doanh nghiệp nhà nước cách thức kiếm tiền từ tài nguyên dữ liệu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại. Các sàn giao dịch dữ liệu chính thức ở Quý Dương, Thượng Hải và Bắc Kinh đang tung ra các khoản trợ cấp để khuyến khích các công ty tham gia.
Theo Schaefer của Trivium, ngay cả với những ưu đãi như vậy, các công ty tư nhân vẫn không hào hứng mua bán dữ liệu từ các sàn này do lo ngại vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, với các điều khoản hạn chế bán dữ liệu người tiêu dùng.
“Các công ty Trung Quốc đang mua và bán nguồn tài nguyên dữ liệu quan trọng, nhưng các luật về quản lý hoạt động của các sàn giao dịch dữ liệu nguồn vẫn chưa xuất hiện”, Schaefer nói.
Nhân viên của các sàn giao dịch thừa nhận, sự không chắc chắn về mặt pháp lý đã ngăn cản các sàn này tiếp nhận các bên mua bán mới. “Luật dữ liệu hiện tại không quy định cụ thể về tính hợp pháp của việc mua bán dữ liệu”, họ cho biết.
Theo Schaefer, nhiều công ty cũng bị cản trở do chi phí cao để làm sạch dữ liệu trước khi đưa lên bán trên một sàn giao dịch tập trung. Nhiều công ty có quy trình quản lý dữ liệu kém, nên họ cần phải làm sạch dữ liệu trước khi bán.
“Nhà nước muốn các công ty tư nhân tham gia bán dữ liệu để kiếm thêm doanh thu. Nhưng thực tế, việc các công ty đưa dữ liệu lên các sàn giao dịch là rất rủi ro và tốn kém. Lợi ích của các công ty tư nhân là không rõ ràng”, Schaefer nói.
Theo Financial Times
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/san-mua-ban-du-lieu-cua-trung-quoc-e-khach/