Sản phẩm công nghiệp nào của đường sắt được đề xuất ưu tiên phát triển?

Bộ GTVT đề xuất quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được xác định là công nghệ cao, ưu tiên đầu tư, phát triển.

Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất bổ sung nội dung quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển.

Cụ thể, xác định công nghiệp đường sắt bao gồm: Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.

Bộ GTVT đề xuất quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được xác định là công nghệ cao, ưu tiên đầu tư, phát triển. (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT đề xuất quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được xác định là công nghệ cao, ưu tiên đầu tư, phát triển. (Ảnh minh họa).

Trên cơ sở đó, quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt gồm: thiết bị thông tin, tín hiệu, đầu máy, toa xe, ray, phụ kiện liên kết ray và thiết bị có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại diện Cục Đường sắt VN, việc đề xuất nội dung này vì trong thời gian dài, việc đầu tư của Nhà nước cho phát triển công nghiệp đường sắt rất hạn chế. Mặt khác, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt rất ít. Do đó dây chuyền công nghệ sản xuất chủ yếu do các doanh nghiệp công nghiệp đường sắt tự đầu tư nên còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp như: sản xuất tà vẹt, lắp ráp đầu máy, sản xuất khung vỏ toa xe...

Trong khi, theo quy định hiện nay, việc đầu tư các dự án đường sắt phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Việc này dẫn đến các doanh nghiệp của Việt Nam khó có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng trang thiết bị đường sắt, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp đường sắt hiện đại do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài đã có sẵn công nghệ và kinh nghiệm.

"Nhằm từng bước tự chủ trong việc nghiên cứu sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị chủ yếu như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu điện, phương tiện đường sắt, đại diện Cục Đường sắt VN cho rằng, cần thiết có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được Nhà nước đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt.

Theo Quyết định 66/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển chưa có các sản phẩm công nghiệp đường sắt có tính đặc thù này. Vì vậy, cần thiết đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), để có chính sách ưu tiên phát triển.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/san-pham-cong-nghiep-nao-cua-duong-sat-duoc-de-xuat-uu-tien-phat-trien-192241015175242825.htm