Sản phẩm gỗ Việt Nam được ưa chuộng trên sàn Amazon

Trong vòng 3 năm trở lại đây, ngành hàng nhà cửa (nội thất) và nhà bếp liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam vui mừng khi Amazon Global Selling cho rằng sản phẩm gỗ của Việt Nam có doanh số bán hàng thuộc Top đầu trên sàn Amazon và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bắt đầu và gặt hái thành công khi xuất khẩu (XK) đồ gỗ, nội thất qua Amazon. Điều đó cho thấy sản phẩm gỗ Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ. Để được kết quả này, là sự nỗ lực của DN trong việc tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, DN đã nỗ lực rất nhiều để đầu tư cho chuyển đổi số, cải thiện thiết kế, mẫu mã, xây dựng thương hiệu.

Theo ông Trung Bùi, nhà sáng lập TIDITA, thương hiệu đồ gỗ nhà bếp và trang trí nhà cửa, Công ty TNHH TIDITA, việc tận dụng cơ hội các công cụ của Amazon để thực sự hiểu thị trường và hiểu khách hàng đã giúp TIDITA có được thành công. Năm 2022, 90% các sản phẩm của DN được đánh giá tốt trên Amazon, và DN liên tục đạt được tăng trưởng doanh số 300% trong vài năm trở lại đây.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, hiện 5 ngành hàng XK tốt nhất qua kênh thương mại điện tử, gồm: Nhà cửa (nội thất), nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Điển hình như với nhóm hàng nội thất và trang trí nhà cửa đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 2020-2022. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà cửa và nhà bếp cũng liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon. Một con số ấn tượng cho thấy 62,3% số lượng truy cập tìm kiếm online về nội thất sẽ chuyển đổi thành giao dịch trực tuyến. Theo Amazon, hiện các sản phẩm nội thất từ Việt Nam như kệ để giày, khung giường, tủ quần áo bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân hóa... đang bán rất tốt trên sàn Amazon.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, DN ngành hàng nội thất, đồ gỗ Việt Nam đã có 1 cách tiếp cận thị trường mang tính tiếp cận với nhu cầu của người tiêu dùng, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của từng thị trường để chinh phục và các DN có xu hướng mở rộng sản phẩm để cạnh tranh, chứ không cạnh tranh về giá để tiếp cận thị trường online và điều này đã mang lại thành công cho DN Việt. Theo đó, sản phẩm đồ gỗ nội thất, nhà bếp của Việt Nam như bàn ghế, đồ trang trí, sản phẩm gạch lát ở sân vườn, các loại bàn ghế có thể gập được… đã mang lại tiện ích cho người dùng nên được nhiều khách hàng lựa chọn.

Gợi ý cho việc XK sản phẩm đồ gỗ, nội thất trên thương mại điện tử xuyên biên giới, các chuyên gia cho rằng, các nhà sản xuất trong nước cần lưu ý ưu tiên các sản phẩm có thể tháo rời và lắp ráp dễ dàng; có kích thước nhỏ gọn, dễ đóng gói và vận chuyển... Cùng với đó, ông Hoài cho rằng, DN cần cải thiện thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm; thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trên toàn cầu, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của thị trường nhập để Việt Nam giữ được vị thế trung tâm chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ có trách nhiệm, bền vững và hợp pháp.

Dù là ngành hàng có mức tăng trưởng XK cao trên Amazon, song ông Ngô Sỹ Hoài cũng cho biết số lượng DN tham gia thương mại xuyên biên giới còn hạn chế. Ngành gỗ vẫn bộc lộ nhiều khó khăn yếu kém do đa số DN nhỏ và vừa, chủ yếu gia công từ các đơn hàng đặt từ bên ngoài. Công nghiệp gỗ vẫn phải dựa vào một số lợi thế so sánh đang cạn dần, như nguyên liệu từ vùng trồng của người nông dân nên giá tương đối rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao; năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại còn yếu kém… cùng với đó, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường XK chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái..., đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt với các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước. Gần đây nhất là Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đối với các sản phẩm gỗ cao su. Theo quy định này, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cao su vào châu Âu có thời gian 18 tháng (công ty lớn) hoặc 24 tháng (công ty nhỏ và vừa) để chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu của Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).

Do đó, để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đáng chú ý, thời gian qua nhiều DN ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công XK sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch XK mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/san-pham-go-viet-nam-duoc-ua-chuong-tren-san-amazon-i732171/