Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Đến thời điểm này các địa phương đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6. Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đang tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức thi tại một số địa phương.

Sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND TP.HCM cũng như đi khảo sát một số điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tránh sai sót trong quá trình in sao đề

Ông Đỗ Đình Đoàn, Trưởng điểm thi Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, cho biết điểm thi bố trí 20 phòng thi, hai phòng thi dự phòng, một phòng để vật dụng cho thí sinh và một phòng y tế.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 công bố ngày 26-3, Bộ GD&ĐT quy định cụ thể các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp gồm bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn địa lý.

Cũng theo ông Đoàn, năm nay quy chế thi ghi rõ những vật dụng được phép mang vào phòng thi thay cho quy định những vật dụng không được phép mang vào phòng thi như những năm trước nên thuận lợi hơn trong việc kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tổng số thí sinh tham dự kỳ thi là 85.453, trong đó có 9.985 thí sinh được miễn bài thi môn ngoại ngữ. Kỳ thi được tổ chức tại 156 điểm thi. Mỗi quận, huyện bố trí 1-3 điểm thi. Trong mỗi điểm thi có 1-3 phòng thi dự phòng.

Sở GD&ĐT TP huy động 790 người làm lãnh đạo điểm thi, 11.280 cán bộ coi thi, 2.370 nhân viên phục vụ điểm thi, 474 công an trực, 92 ban in sao đề thi và 204 người vận chuyển và bàn giao đề thi.

“TP.HCM có huyện Cần Giờ phải di chuyển qua phà. Sở GTVT cũng như Thanh niên xung phong đã bố trí một phà ưu tiên để chở đề thi” - ông Hiếu nói.

Đối với khu vực in sao đề thi, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND TP tổ chức một địa điểm rất an toàn, bố trí hơn 90 người làm công tác in sao đề thi. Những người in sao đề thi là những giáo viên có kinh nghiệm trong việc in sao đề thi ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Để đảm bảo chất lượng của đề thi, khi in sao từ 3.000 đề thi trở lên sẽ tổ chức kiểm tra tất cả mặt và độ rõ của đề thi để đảm bảo chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ ba từ trái qua) báo cáo công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa phải). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ ba từ trái qua) báo cáo công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa phải). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tại Bình Thuận, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp là 12.090. Tỉnh sẽ bố trí một hội đồng thi và 27 điểm thi đặt tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Thái, Sở GD&ĐT đã kết hợp với công an tỉnh bố trí khu vực in sao đề thi theo yêu cầu cách ly ba vòng độc lập và thành lập ban in sao đề thi theo đúng quy chế thi của bộ. Tại các điểm đã tiến hành bảo trì và lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ. Mọi công tác cho kỳ thi đã sẵn sàng.

Không để thí sinh nào phải bỏ thi

Trước đó, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về công tác chuẩn bị thi.

Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 9.820 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh có 414 phòng thi, tổ chức thành 17 điểm thi chính thức và hai điểm thi dự phòng. Tỉnh dự kiến điều động 1.650 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ trong hội đồng thi và các ban của hội đồng thi.

Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu hội đồng thi phải lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm để tham gia tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi, nhất là những khâu mang tính then chốt như in sao đề thi, coi thi, chấm thi.

Để đảm bảo không có thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện gia đình hoặc đi lại, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị báo cáo thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT đã cơ bản hoàn thành những công việc để tổ chức kỳ thi. Từ nay đến ngày 25-6, hội đồng thi sẽ tổ chức rà soát các khâu của công tác chuẩn bị ở 17 điểm thi để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Tại Gia Lai, báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cho biết có 14.861 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong đó có 3.183 thí sinh là người dân tộc thiểu số, 615 thí sinh tự do.

Sở đã kiểm tra, khảo sát và lựa chọn 41 điểm thi ở 17 huyện, thị xã, TP. Hiện tại, các trường học trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp tổ chức dạy học, ôn tập, xây dựng nội dung tài liệu ôn tập phù hợp với từng nhóm năng lực học sinh. Trong đó, chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT đối với các học sinh là người dân tộc thiểu số.

Không chủ quan trong công tác chuẩn bị

Một trong những việc quyết định cho sự thành công của kỳ thi là khâu chuẩn bị. TP.HCM là một trong những địa bàn có số lượng thí sinh, điểm thi lớn nhất cả nước do đó khâu chuẩn bị phải bài bản, chu đáo hơn.

TP.HCM cần chuẩn bị trang thiết bị tốt nhất cho công tác in sao đề thi, chấm thi, tránh trường hợp sơ suất. Sự cố đề thi môn toán ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội mắc lỗi in mờ là bài học kinh nghiệm. Trong quá trình này, yếu tố con người cũng quan trọng, phải cẩn trọng kiểm tra.

Trong thời gian chuẩn bị tổ chức thi, một số từ khóa cần lưu ý. Về cán bộ, đảm bảo phải thông thạo. Với thí sinh, phải thông tỏ quy định. Giao thông phải thông suốt. Truyền thông là chủ động. Việc liên lạc trong chỉ đạo từ ban chỉ đạo đến các điểm thi đảm bảo thông suốt.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-sang-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2023-post737786.html