Sẵn sàng cho ngày khai trường
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất. Hơn 900 trường học trên toàn tỉnh với trên 750 ngàn học sinh đã sẵn sàng cho ngày khai giảng để chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.
Năm học này, các địa phương có thêm nhiều ngôi trường mới, phòng học mới khang trang, đầy đủ thiết bị. Với việc đạt tiêu chí về trường lớp, cơ sở vật chất, số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia sẽ tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh có được môi trường học tập tốt hơn, góp phần đáp ứng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Chuẩn bị chu đáo
Theo thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 911 trường (721 trường công lập, 190 trường ngoài công lập). Trong đó có 369 trường mầm non (152 trường ngoài công lập), 280 trường tiểu học (TH) trong đó 6 trường ngoài công lập, 186 trường trung học cơ sở (THCS) trong đó 5 trường ngoài công lập và 76 trường trung học phổ thông (THPT), trong đó có 27 trường ngoài công lập.
Về học sinh, toàn tỉnh có hơn 750 ngàn học sinh, gồm hơn 156,5 ngàn học sinh mầm non, gần 296,8 ngàn học sinh TH, gần 210 ngàn học sinh THCS và trên 87,2 ngàn học sinh THPT.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 56 dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng với khoảng 917 phòng học, phòng bộ môn được đầu tư mới. Trong đó có 29 dự án kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng nhân dịp khai giảng năm học mới; 8 công trình trường học được khánh thành vào dịp khai giảng với khoảng 492 phòng học, phòng bộ môn được đầu tư mới; còn lại 27 dự án dự kiến hoàn thành trong năm học 2024-2025.
Ngành giáo dục cũng đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học như: máy vi tính, bàn ghế học sinh, dụng cụ, đồ chơi ngoài trời… với tổng kinh phí khoảng 21,3 tỷ đồng.
Nhiều trường học tiến hành sửa chữa, tôn tạo để tạo môi trường học tập khang trang, sạch đẹp cho học sinh. Ở những trường còn khó khăn về phòng học, cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị năm học mới cũng được thực hiện chu đáo.
Do công trình xây mới dãy phòng học chưa được triển khai nên năm học này, Trường THCS Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) tiếp tục phải cho học sinh đi học nhờ. Theo đó, trường đã mượn phòng học của Trường TH Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài) cho 10 lớp, mượn phòng học của Trường TH Tân Phong 2 (phường Tân Phong) cho 22 lớp. Trong điều kiện khó khăn đó, Trường THCS Trảng Dài vẫn tổ chức đón năm học mới với nhiều hoạt động sôi nổi.
Chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Một trong những hoạt động ý nghĩa được thực hiện mỗi đầu năm học là chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này có sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà trường, hội khuyến học, các mạnh thường quân.
Đến nay, về cơ bản các địa phương đã thực hiện tốt công tác đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong nhà trường năm học 2024-2025, không để tái diễn việc học ca ba trên địa bàn tỉnh.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (huyện Cẩm Mỹ) Ngô Văn Toàn, dịp khai giảng năm học này, trường có 27 học sinh được nhận các suất học bổng do Huyện ủy - UBND, Hội Khuyến học, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện kết nối, hỗ trợ (mỗi suất 1 triệu đồng). Cùng với đó, nhà trường vận động thêm mạnh thường quân và cựu học sinh trao 30 suất học bổng với tổng số tiền 38 triệu đồng. Ngoài ra, trường còn tặng sách vở, quần áo, trang thiết bị học tập cho 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (3,5 triệu đồng/em).
Sáng 22-8, Hội Khuyến học xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) đã tổ chức trao học bổng cho 56 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 4 học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cũng trong dịp đầu năm học, Hội Khuyến học xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) tổ chức Lễ trao học bổng Tiếp bước cho em đến trường. Theo đó, 101 học sinh đã được nhận học bổng với tổng số tiền 52,5 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền nuôi heo đất khuyến học là 13,4 triệu đồng. Số tiền này được các chi hội, ban khuyến học khui heo đất tại buổi lễ để trao học bổng.
Đây là chương trình học bổng được Hội Khuyến học xã Thạnh Phú phát động và duy trì từ năm 2015. Tính đến nay, đã có 596 suất học bổng được trao tặng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng 52 sinh viên đậu vào các trường đại học, cao đẳng, khen thưởng 59 học sinh đạt kết quả cao trong học tập và tặng xe đạp cho học sinh không có phương tiện đến trường.
Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngày 5-9, đồng loạt các trường học trong tỉnh sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Ngoài phần lễ, nhiều trường còn tổ chức phần hội cho học sinh tham gia. Trong đó chủ yếu là tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi vận động như: kéo co, truyền chanh, ô ăn quan, ném bóng…
Ở bậc THPT, các Đoàn trường và các câu lạc bộ đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, hấp dẫn nhằm thu hút các thành viên mới của trường và tạo sức hút cho hoạt động câu lạc bộ.
Sau lễ khai giảng, vào ngày 8-9, Đoàn Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành) sẽ tổ chức Chương trình NEWBEE 2024, chào đón học sinh lớp 10. Chương trình nhằm đem đến cho học sinh khóa mới cơ hội được trải nghiệm, thích nghi với môi trường học tập mới. Chương trình có nhiều hoạt động như: trò chơi; nhảy flashmob; workshop chia sẻ kinh nghiệm về cách thành lập câu lạc bộ, tầm quan trọng của hoạt động ngoại khóa, cách để trở thành một “thợ săn” học bổng…
Đây là năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018 ở các khối lớp 5, 9, 12. Theo lãnh đạo các trường, việc triển khai có nhiều thuận lợi do cả giáo viên và học sinh đều đã quen với chương trình mới. Cán bộ, giáo viên đều đã được tập huấn đầy đủ các module theo yêu cầu.
Năm học 2024-2025, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Ngành giáo dục đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, ngành giáo dục sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở các cấp học; tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Việc nâng tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia đã được các địa phương đề ra chỉ tiêu cụ thể.
Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Cửu Trần Anh Huy cho biết: “Năm học 2023-2024, huyện Vĩnh Cửu có 39/41 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 95,12%), 6/41 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (14,63%). Năm học này, huyện phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 97,5% và giữ vững tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đề ra trong năm học này. Theo đó, toàn ngành sẽ tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo. Sở Giáo dục và đào tạo tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện; sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai thực hiện học bạ số…
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/san-sang-cho-ngay-khai-truong-5c359c0/