Sàn thương mại điện tử ký cam kết không kinh doanh hàng giả: Sau cam kết, cần chế tài xử lý vi phạm

Theo chuyên gia kinh tế, việc 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả là mục tiêu được Chính phủ đặt ra rất cụ thể. Tuy nhiên, sau ký cam kết thì cần tổ chức thực hiện, có chế tài xử lý vi phạm cam kết để việc thực hiện đạt hiệu quả. (CLO) Theo chuyên gia kinh tế, việc 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả là mục tiêu được Chính phủ đặt ra rất cụ thể. Tuy nhiên, sau ký cam kết thì cần tổ chức thực hiện, có chế tài xử lý vi phạm cam kết để việc thực hiện đạt hiệu quả.

100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả

Theo báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của TMĐT Việt Nam là 29%.

Dự báo đến năm 2025, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

 Với dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh. Ảnh minh họa

Với dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh. Ảnh minh họa

Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; tranh chấp với đối tác trong TMĐT, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh,…

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến.

Mới đây, ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó, nội dung đáng chú ý của Đề án là: 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả...

 Người dân dễ dàng nhận được hàng hóa, tiết kiệm thời gian, công sức khi mua qua các sàn thương mại điện tử.

Người dân dễ dàng nhận được hàng hóa, tiết kiệm thời gian, công sức khi mua qua các sàn thương mại điện tử.

Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT (sàn giao dịch TMĐT, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử,...) và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cho cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Xây dựng cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Sau cam kết, cần chế tài xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thời gian qua, hoạt động của các sàn TMĐT tại Việt Nam có nhiều vấn đề mới, do đó còn khó khăn trong quá trình thực hiện quản lý. Thêm nữa, trước đây, việc công khai những người bán hàng trên sàn TMĐT cũng chưa được cập nhật cho nên việc theo dõi, quản lý cũng gặp khó khăn.

 Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Ông Đinh Trọng Thịnh phân tích, một người có thể tham gia hàng chục sàn TMĐT, mỗi sàn lại đứng tên một người khác, chưa nói đến hàng hóa. Đối với hàng hóa thì cũng là 1 mặt hàng như thuốc chữa bệnh, nếu cho một dấu chấm vào bất kỳ đâu trong tên thuốc thì thành một loại khác nhưng thực tế lại là 1 loại thuốc. Từ đó, việc quảng bá, giới thiệu sẽ theo mong muốn của người bán. Cho nên người mua dễ mua phải hàng giả, hàng không đúng phẩm cấp, chất lượng. Từ đó có thể thấy việc bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

“Việc người dân mua phải hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT có thể xuất phát từ nhiều khâu. Từ khâu đăng ký, cho đến quảng cáo về sản phẩm, về công dụng của sản phẩm không đúng…. Dẫn đến việc hàng giả, hàng nhái phát triển. Do đó, Chính phủ đưa ra Đề án này để nâng cao công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT theo tôi là việc làm cực kỳ cần thiết, tiết kiệm cho xã hội, không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người kinh doanh”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Về mục tiêu 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc ký cam kết phải trở thành một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, những cam kết mà không được cụ thể hóa, không kiểm tra giám sát một cách nghiêm minh, không có chế tài xử phạt thì không thể thực hiện hiệu quả được.

“Việc ký cam kết là đầu tiên trong Đề án nhưng tiếp đó phải có những quy định hết sức cụ thể, tỉ mỉ, đó là dùng biện pháp gì, thực hiện như thế nào để kiểm tra, giám sát? Nếu kiểm tra giám sát mà phát hiện vi phạm thì xử lý thế nào? Mức độ xử phạt lần thứ nhất, thứ hai… Nếu có những quy định cụ thể sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý”, ông Thịnh nêu rõ.

 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, trên các sàn TMĐT, người tiêu dùng như đi vào “ma trận hàng hóa”; trong khi đó, rất nhiều địa chỉ là nơi “trú ngụ” của hàng giả, hàng nhái được chỉ rõ nhưng lâu nay chưa được cơ quan chức năng tập trung xử lý dứt điểm như Thổ Tang (Vĩnh Phúc), La Phù (Hà Nội)…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, với mục tiêu 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả vào năm 2025 là mục tiêu khá cụ thể. Tuy nhiên, ông Phú băn khoăn, “sàn giao dịch TMĐT lớn” dựa trên tiêu chí nào? Thế nào được gọi là lớn? Bởi nhìn có vẻ nhỏ nhưng thực tế là lớn. Ví dụ như việc buôn bán ở chợ Đồng Xuân, chủ tiệm chỉ có 1 kiot nhỏ nhưng có kho hàng rộng hàng nghìn mét ở bãi sông. Do đó, ông Phú đặt vấn đề: Có chăng nên thí điểm việc ký cam kết và tổ chức thực hiện việc này? Vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, thời gian qua, việc ký cam kết nhiều nơi trở thành “phong trào” nhưng hiệu quả rất thấp như cam kết không buôn bán hàng giả, cam kết không hút thuốc lá nơi công cộng… Từ đó ông Phú nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện sau ký cam kết mới là điều cốt lõi. Bên cạnh đào tạo, trang bị kiến thức cho lực lượng công vụ thì điều quan trọng nhất là "xây dựng đạo đức công vụ" của những người đi giám sát, xử lý vi phạm nếu sàn TMĐT không thực hiện đúng cam kết.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng đồng tình với quan điểm của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh về việc: Cần có chế tài để xử lý việc vi phạm sau ký cam kết của các sàn TMĐT.

Về thực hiện Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong thời đại công nghệ số, việc cập nhật và lưu trữ những thông tin, số liệu rất đơn giản. Do vậy, việc thành lập các kho dữ liệu, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành là điều rất dễ.

“Trước đây, một người có thể tham gia hàng chục sàn TMĐT, họ có thể đứng tên khác nhau nhưng hiện nay nếu đăng ký kinh doanh, có người đại diện pháp luật thì lập tức quy về một mối. Với công nghệ số, dù có một chục tên khác nhau nhưng căn cước công dân chỉ có 1, đăng ký sàn nào cũng vậy nhưng quan trọng nhất phải có đăng ký kinh doanh. Quản lý số cực kỳ quan trọng là vì thế, trước đây, tưởng chừng khó không làm được nhưng với công nghệ số thì rất đơn giản”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc bảo mật dữ liệu, thông tin của người tham gia sàn TMĐT cần đặc biệt coi trọng.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-thuong-mai-dien-tu-ky-cam-ket-khong-kinh-doanh-hang-gia-sau-cam-ket-can-che-tai-xu-ly-vi-pham-post241588.html