Sản xuất điện tử và công nghệ đang bùng nổ tại Việt Nam

Các ngành sản xuất điện tử và công nghệ đang bùng nổ tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô bao gồm xe điện, điện tử tiêu dùng và viễn thông đang thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn.

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ xác định, mục tiêu từ năm 2024 - 2030 Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về nguồn nhân lực bán dẫn và thiết lập năng lực cơ bản trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm. Giai đoạn này, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến vượt 25 tỷ USD mỗi năm, với giá trị gia tăng đạt 10% - 15%.

Định vị chiến lược trong chuỗi cung ứng khu vực

Khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam để từng bước tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, một lãnh đạo Bộ Tài chính mới đây cho biết, tất cả các đối tác, các chủ thể trong hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, đến các Viện nghiên cứu, trường Đại học, quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau hợp tác chặt chẽ, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn, trí tuệ nhân tạo toàn cầu.

Đầu tư nghiên cứu, sản xuất dây chuyền công nghệ sản xuất bán dẫn là hướng đi mới phù hợp Ảnh minh họa: Reuters

Đầu tư nghiên cứu, sản xuất dây chuyền công nghệ sản xuất bán dẫn là hướng đi mới phù hợp Ảnh minh họa: Reuters

Kết quả đánh giá từ Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Singapore (SSIA) cũng cho thấy, hiện nay, điện tử và bán dẫn đã trở thành trụ cột trong chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp của nhiều quốc gia. Chính phủ các nước sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển, xây dựng các trung tâm công nghệ cùng các nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D), bao gồm nguồn tài trợ của chính phủ và các đối tác tài chính và công nghiệp chủ chốt, đa dạng hóa các công ty công nghiệp, phát triển các công ty khởi nghiệp.

Giám đốc điều hành SSIA - ông Ang Wee Seng cho biết, hệ sinh thái bán dẫn Singapore hiện đóng góp gần 12% thị trường bán dẫn toàn cầu và chiếm khoảng 8% GDP của Singapore. “Sự hợp tác vượt biên giới sẽ là chìa khóa để mở ra những cơ hội tăng trưởng tiếp theo. Việt Nam là quốc gia mới nổi trong ngành bán dẫn với quy mô thị trường bán dẫn đạt hơn 18 tỷ USD năm 2024, dự kiến sẽ tăng lên hơn 31 tỷ USD vào năm 2029”, ông Ang Wee Seng nhận định.

Nhận rõ tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này, ông Ang Wee Seng cho rằng, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến quan trọng cho các khoản đầu tư vào đổi mới sản xuất bán dẫn khi được hỗ trợ bởi các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về môi trường kinh doanh được cải thiện, cũng như định vị chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực. Việt Nam đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng trong toàn bộ chuỗi giá trị bán dẫn, từ thiết kế đến lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói…

“Các ngành sản xuất điện tử và công nghệ đang bùng nổ tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô bao gồm xe điện, điện tử tiêu dùng và viễn thông đang thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn. Những xu hướng này phù hợp với lĩnh vực trọng tâm của Singapore, mang lại tiềm năng hợp tác to lớn. Một yếu tố quan trọng nữa thúc đẩy sự tăng trưởng này đó là nhân tài, việc phát triển lực lượng lao động lành nghề và lãnh đạo có tầm nhìn xa là điều rất cần thiết”, ông Ang Wee Seng nói.

Từ học hỏi kinh nghiệm đến chuyển giao công nghệ

Định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các giải pháp cụ thể, như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật bán dẫn, tập trung nghiên cứu phát triển thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp các chip chuyên dụng, chip AI. Doanh nghiệp cần sớm đầu tư vào xây dựng chuỗi cung ứng, xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp nguyên liệu, linh kiện và thiết bị.

“Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư từ các tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới, qua đó học hỏi kinh nghiệm phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư hạ tầng công nghệ để đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển ngành, từng bước xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nội địa”, ông Thắng nêu phương hướng và cho biết, Thương vụ Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức một đoàn các nhà đầu tư và các đối tác ngành công nghiệp bán dẫn tại Singapore sang Việt Nam trong thời gian tới để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực này.

Các ngành sản xuất điện tử và công nghệ đang bùng nổ tại Việt Nam - Ảnh minh họa: KT

Các ngành sản xuất điện tử và công nghệ đang bùng nổ tại Việt Nam - Ảnh minh họa: KT

Trong kế hoạch thúc đẩy thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn vào Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Singapore - ông Trần Phước Anh cho biết, Singapore là quốc gia có kinh nghiệm và tiên tiến trong ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn. Hai nước còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn. “Các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam có thể xây dựng các chương trình hợp tác hiệu quả, phù hợp với khả năng cũng như nhu cầu của cả hai bên”, ông Trần Phước Anh đề cập.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ số bùng nổ, Việt Nam đặt mục tiêu chủ động phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo kịp thời nắm bắt xu hướng công nghệ của thế giới. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới, từng bước tự chủ công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến tiềm năng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-xuat-dien-tu-va-cong-nghe-dang-bung-no-tai-viet-nam-post1191049.vov