Sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 8 nhà máy, 1 khu công nghiệp, cùng nhiều cơ sở chăn nuôi, sơ chế nông sản. Các nhà máy, cơ sở chế biến đã và đang được đầu tư trang thiết bị theo dây chuyền, công nghệ hiện đại, đảm bảo sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường.

Công nhân Công ty TNHH Công nghệ và Môi trường ECO bảo dưỡng các bể chứa nước thải tại Nhà máy chế biến cà phê Sơn La.

Công nhân Công ty TNHH Công nghệ và Môi trường ECO bảo dưỡng các bể chứa nước thải tại Nhà máy chế biến cà phê Sơn La.

Ông Lê Duy Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, cho biết: Hằng năm, phòng đã tham mưu với UBND huyện thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy xi măng Mai Sơn, thuộc Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn, xã Nà Bó, có công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, được đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất tiên tiến, với hệ thống điều khiển tự động của châu Âu. Từ lò nung clanke, tháp trao đổi nhiệt, cấp liệu cho lò nung, xưởng sản xuất xi măng... mỗi điểm chỉ có 1-2 công nhân trực giám sát dây chuyền.

Anh Bùi Quang Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn, cho biết: Hầu hết các công đoạn sản xuất đều tự động hóa, quy trình sản xuất được điều khiển trên bảng điện tử thông qua hệ thống máy tính. Quá trình sản xuất được giám sát, theo dõi qua hệ thống camera truyền dẫn về phòng điều khiển trung tâm. Sau 11 năm hoạt động, quá trình vận hành an toàn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng được đăng ký, kiểm nghiệm, không gây ô nhiễm đến môi trường.

Năm qua, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt trên 526.000 tấn, doanh thu đạt hơn 547 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho người lao động với mức lương bình quân 8,7 triệu đồng/người/tháng. Ông Quách Hữu Toàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn, cho biết: Việc vận chuyển nguyên liệu cung cấp cho nhà máy được Công ty thực hiện theo dây chuyền sản xuất khép kín, không để đất, đá, khói bụi gây ô nhiễm đến môi trường. Về các chỉ tiêu môi trường, Chi cục quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đã tổ chức 2 lần quan trắc, kết quả đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn về môi trường.

Còn tại Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, xã Mường Bon, được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm, tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, có quy mô đầu tư lớn, hiện đại, đồng bộ giữa dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn, dây chuyền xát khô kín không phát bụi.

Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, kiêm Giám đốc Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, cho biết: Nhà máy hoạt động theo quy trình sản xuất tuần hoàn, toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc. Bên cạnh đó, nhà máy có khu xử lý nước thải riêng, do Công ty TNHH Công nghệ và Môi trường ECO đảm nhận, với hệ thống xử lý nước thải công suất 500 m3/ngày, đêm, cùng với hồ chứa nước thải gần 1 triệu m3, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt.

Giải quyết những thách thức, bất cập về ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mai Sơn đang từng bước đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh, không phát thải gây ô nhiễm môi trường, chuẩn hóa theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/san-xuat-kinh-doanh-gan-voi-bao-ve-moi-truong-IeDW660IR.html