Sáng 7/7: Giá vàng giao ngay nhích nhẹ
Tính đến 8h sáng nay (7/7), giá vàng giao ngay tăng 0,460 USD lên 3.325,220 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.333,22 USD/oz, giảm 13,28 USD so với đầu phiên.

Dù phục hồi lên trên 3.300 USD/oz, giá vàng vẫn rời khỏi vùng đỉnh gần đây, khi số liệu việc làm tích cực trong tháng 6 làm giảm phần nào đà tăng của thị trường.
Giá vàng đã giảm khoảng 1% sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ tạo thêm 147.000 việc làm trong tháng trước, vượt xa dự báo 111.000 của giới phân tích. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%.
Số liệu việc làm tốt hơn kỳ vọng gần như xóa tan hy vọng thị trường về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này. Trước đó, thị trường chỉ còn định giá xác suất hạ lãi suất ở mức 25%.
Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank, nhận định đợt bán tháo vàng không quá bất ngờ trong bối cảnh thị trường điều chỉnh kỳ vọng về lãi suất. Dù vậy, ông nhấn mạnh xu hướng tăng dài hạn của vàng vẫn chưa bị phá vỡ, dù giá tiếp tục dao động đi ngang.
“Vàng có lẽ cần một triển vọng cắt giảm lãi suất rõ ràng hơn để bứt phá. Còn cho đến khi đó, thị trường sẽ vẫn mắc kẹt”, ông nói và thêm rằng: “Trong vài tuần giao dịch kém thanh khoản sắp tới, vàng cần giữ trên 3.245 USD/oz để tránh một đợt điều chỉnh sâu hơn do yếu tố kỹ thuật. Tôi vẫn giữ quan điểm tích cực, vì các yếu tố hỗ trợ vàng vẫn còn nguyên và sẽ tiếp tục duy trì”.
Chuyên gia chiến lược cấp cao James Stanley tại Forex.com cũng giữ quan điểm lạc quan, coi những đợt điều chỉnh là cơ hội mua vào.
“Nhà đầu tư dễ bị cuốn vào biến động ngắn hạn và quên mất bức tranh toàn cảnh. Các chính phủ sẽ tiếp tục chi tiêu, và việc phá giá các đồng tiền pháp định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho vàng”, ông nói.
Giới chuyên gia lưu ý việc chính phủ Mỹ chi tiêu thâm hụt kéo dài sẽ tiếp tục gây áp lực lên đồng USD, vốn đang kết thúc tuần ở mức thấp nhất trong nhiều năm, quanh mốc 97 điểm trên chỉ số USD Index.
Ngoài yếu tố nợ công, USD còn đối mặt thêm thách thức khi cuộc chiến thương mại toàn cầu của Tổng thống Donald Trump trở lại tâm điểm.
Lệnh tạm hoãn áp thuế diện rộng trong 90 ngày của Tổng thống Trump sẽ hết hiệu lực vào ngày 9/7. Dù Nhà Trắng tuyên bố đã có tiến triển, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào với các đối tác thương mại lớn.
Chuyên gia phân tích cấp cao Michael Brown tại Pepperstone cho rằng kỳ vọng lãi suất có thể hỗ trợ USD trong ngắn hạn, nhưng xu hướng giảm dài hạn vẫn chiếm ưu thế, qua đó củng cố triển vọng tăng giá của vàng.
“Tôi vẫn cho rằng dòng vốn là yếu tố dẫn dắt chính, khi các nhà quản lý dự trữ ngoại hối đang dần giảm tỷ trọng USD để chuyển sang các tài sản thay thế như vàng. Điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng tăng của vàng. Với bối cảnh hiện tại, tôi coi đây là cơ hội mua khi điều chỉnh, và xu hướng chủ đạo vẫn là đi lên, nhiều khả năng sẽ hướng lại vùng đỉnh lịch sử quanh 3.500 USD/oz vào cuối năm nay”, ông nhận định
Tuần này, trong số 14 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Kitco, có 5 chuyên gia, tương ứng 36% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 chuyên gia, tương ứng với 28%, dự đoán kim loại quý sẽ giảm, trong khi 5 người còn lại, tương ứng với 36%, dự đoán giá vàng sẽ đi ngang tuần tới.
Trong khi đó, với 243 nhà đầu tư cá nhân tham gia khảo sát trực tuyến, 143 người, tương ứng với 59% kỳ vọng giá tăng, 49 người, tương ứng với 20% dự đoán giá giảm xuống, trong khi 51 nhà đầu tư còn lại, tương ứng 21% tin rằng giá sẽ củng cố một lần nữa trong tuần tới.
Sau một tuần tập trung vào các số liệu về việc làm, thị trường vàng sẽ có thể "nghỉ ngơi" sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ.
Vào thứ Ba, Ngân hàng trung ương Úc (RBA) sẽ công bố quyết định về chính sách tiền tệ của mình. Vào thứ Tư, thị trường vàng sẽ đón nhận biên bản cuộc họp FOMC tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Và sáng thứ Năm sẽ chứng kiến việc công bố số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sang-77-gia-vang-giao-ngay-nhich-nhe-166892.html