Sáng mãi ngọn nến tri ân

Trong những ngày tháng 7 này, nhân dân Thủ đô và du khách bốn phương lại ngược dòng ký ức, sống với những kỷ niệm của một thời binh lửa hào hùng của những chiến sĩ cách mạng năm xưa thông qua việc thưởng lãm Trưng bày chuyên đề 'Thắp ngọn lửa hồng' (diễn ra tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, từ ngày 9/7 đến ngày 15/8). Sự kiện là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).

Trưng bày thu hút đông đảo công chúng Thủ đô và du khách tham quan. Ảnh: Thủy Lê

Trưng bày thu hút đông đảo công chúng Thủ đô và du khách tham quan. Ảnh: Thủy Lê

Thước phim quay chậm về những anh hùng cách mạng

Trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, để có được hòa bình, độc lập của ngày hôm nay, đã có biết bao người chiến sĩ cách mạng tự nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân, những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ để dấn thân cho sự nghiệp cách mạng và rồi hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Bị giam cầm, đọa đày nơi lao tù tối tăm, đối mặt với cái chết cận kề, nhưng họ không hề nao núng, luôn vững tin, bền chí, một lòng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng” chính là thước phim quay chậm, với lát cắt là những câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam cầm trong các nhà tù. Trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng” gồm 3 nội dung: “Tiếng súng mở đầu”, “Trọn một lời thề” và “Dấu xưa vang mãi”.

Phần 1: “Tiếng súng mở đầu” khẳng định, sau khi thành lập (2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp đông đảo quần chúng làm nên phong trào cách mạng (1930 – 1931) với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ (1936 – 1939). Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 22/9/1940, quân Nhật tiến công Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ vào Đồ Sơn, quân Pháp chống cự yếu ớt, đã nhanh chóng đầu hàng. Không khuất phục trước kẻ thù, ba cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở ba miền Bắc, Trung, Nam là khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), binh biến Đô Lương (1/1941). Đây chính là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc.

Phần 2: “Trọn một lời thề” cho thấy, sau thất bại của những cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp người dân, dựng trường bắn và xử tử hình nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai... Dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, những người con ưu tú vẫn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh kiên cường. Ở nơi trường bắn, các đồng chí vẫn hiên ngang, bất khuất, nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Phần 3: “Dấu xưa vang mãi” thể hiện, những địa danh lịch sử, nơi kẻ địch từng dựng trường bắn và nhà lưu niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của Đảng giờ đây đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ. Nhiệt huyết cách mạng, khí phách hiên ngang của những người chiến sĩ vẫn âm vang qua những lời nói, câu thơ và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Tham quan Trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng”, người xem còn thấy được câu chuyện tình yêu bất tử của các chiến sĩ cách mạng, trong đó có vợ chồng Tổng Bí thư Lê Hồng Phong-Nguyễn Thị Minh Khai. Họ đã dành cả cuộc đời để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, đem lại tự do, độc lập cho dân tộc. Trên hành trình ấy, họ đã gặp và chia sẻ cho nhau tình yêu, sự gắn bó của hai tâm hồn cùng chung một nhịp, hai ý chí có cùng một quyết tâm. Ngày 28/8/1941, bà Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định, cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần... Trước ngày ra pháp trường, bà viết thư vĩnh biệt chồng: "Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy".

Ký ức xưa còn mãi

Tại trưng bày, bên cạnh các tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý, các khách mời và du khách còn thực hiện nghi lễ dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Ngoài ra, còn được xem hoạt cảnh tái hiện cuộc gặp gỡ cuối cùng trong Nhà tù Hỏa Lò của gia đình đồng chí Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn năm 1933, sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn bị lưu đày đi Nhà tù Côn Đảo. Năm 1943, đồng chí hy sinh do chế độ tù đày khắc nghiệt. Người xem cũng được trải nghiệm sự cùm kẹp tại hai gian xà lim (phục dựng) dùng giam tù nhân bị kết án tử hình, để cảm nhận một phần gian khổ, khắc nghiệt mà thế hệ cha ông đã trải qua khi bị địch bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò.

Hoạt cảnh tái hiện cuộc gặp gỡ cuối cùng trong Nhà tù Hỏa Lò của gia đình đồng chí Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn năm 1933. Ảnh: Thủy Lê

Hoạt cảnh tái hiện cuộc gặp gỡ cuối cùng trong Nhà tù Hỏa Lò của gia đình đồng chí Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn năm 1933. Ảnh: Thủy Lê

Có mặt tại buổi khai mạc, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cảm nhận, đây là trưng bày rất quy mô, nội dung được lựa chọn kỹ lưỡng, cách trình bày khoa học, có tính nghệ thuật, mỹ thuật đan xen, thể hiện sâu sắc, lan tỏa tinh thần yêu nước, những cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng và những người đã tham gia chiến đấu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Trong những ngày tháng 7 đầy ắp các hoạt động tri ân này, thì đây là một hoạt động tiêu biểu và vô cùng ý nghĩa, hòa cùng cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Nhiều bạn trẻ ở các tỉnh, thành phố khi đến với Thủ đô Hà Nội, tham dự trưng bày đã bày tỏ niềm xúc động, xen lẫn tự hào, trong đó có em Dương Tuấn Phúc (Tây Ninh): “Lần đầu tiên em được xem các hình ảnh, hiện vật sống động, đọc các tư liệu vô cùng chân thực tại Trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng”. Em vô cùng cảm phục sự gan dạ, dũng cảm của thế hệ cha ông và tự hứa với lòng mình, sẽ cố gắng học tập tốt, lao động tốt, góp sức xây dựng quê hương, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”.

Có mặt tại trưng bày, ông Trần Nguyên Bính, một chiến sĩ cách mạng Hà Nội năm xưa, bồi hồi với những dòng ký ức hiện về. Ông xúc động cho biết, năm nay mình đã 90 tuổi, nhưng vẫn không bao giờ nguôi quên những ký ức chiến tranh, ký ức về một thời hoa lửa của ông và các đồng đội, thời kỳ đấu tranh cách mạng lại ùa về trong tâm trí. “Những lần tra tấn, những trận đòn roi thừa sống, thiếu chết của thực dân Pháp ngày đó không thể nào làm hao mòn ý chí, quyết tâm của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có tôi” - ông Trần Nguyên Bính cho hay.

Còn ông Hoàng Trọng Bảo, cựu tù Hỏa Lò chia sẻ, sau bấy nhiêu năm trôi qua, ông và rất nhiều cựu tù binh vẫn thường đến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò và coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Hôm nay, khi đến xem Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng”, ông lại hồi tưởng về thời trai trẻ từng thanh niên sôi nổi, tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội và bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, chịu đựng nhiều đòn roi nhưng không bao giờ khuất phục, nao núng trước kẻ thù.

Là du khách tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, anh Ian Swanson, đến từ Thụy Điển cho biết, đây là lần đầu tiên anh cùng gia đình du lịch Hà Nội và thật có duyên khi đến tham quan Nhà tù Hỏa Lò, xem một triển lãm ý nghĩa về lịch sử Việt Nam. “Tôi rất ấn tượng về trưng bày. Nhiều nội dung khiến tôi xúc động về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, trong đó có những thanh niên ưu tú, quả cảm” - anh Ian Swanson chia sẻ.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sang-mai-ngon-nen-tri-an-post478154.html