Sáng nay (mồng 6 tháng giêng) diễn ra các hoạt động của Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình
Sáng 27/1 (tức mồng 6 tháng giêng) diễn ra một số hoạt động trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023.
Lễ hội Khai hạ là lễ hội truyền thống của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, buổi sáng có các hoạt động: Thầy Mo cúng thần thổ công tại sân vận động xã Phong Phú. Trưng bày gian hàng chợ đêm tại chợ Lồ, chuẩn bị trưng bày gian hàng tại sân vận động xã Phong Phú. Tổ chức thi đấu vòng loại các trò chơi dân gian (bắn nỏ, đẩy gậy); thi séc bùa tại sân vận động xã Phong Phú. Buổi chiều, tiếp tục tổ chức thi đấu vòng loại các trò chơi gian gian (bắn nỏ, đẩy gậy); thi séc bùa. Buổi tối, khai mạc phiên chợ đêm Mường Bi.
Theo kịch bản đã được phê duyệt, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh, năm 2023 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 27 – 29/1) với các hoạt động chính như: Trưng bày các sản phẩm nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm văn hóa dân tộc. Tổ chức giải bóng chuyền Cúp Khai hạ Mường Bi; thi đấu môn kéo co, tổ chức các trò chơi dân gian (đánh đu, bắn nỏ, ném còn, đi cầu trên dây, đánh cù, đánh mảng …). Thi hát đối, bản âm, hát đúm, thường đang - bộ mẹng; trình diễn trang phục dân tộc. Tổ chức tư vấn việc làm, đào tạo nghề. Trưng bày Hội Báo xuân tỉnh Hòa Bình, năm 2023.
Đặc biệt, ngày 29/1 (mồng 8 tháng Giêng) sẽ diễn ra lễ khai mạc Lễ hội với sự tham dự của các đại biểu khách Trung ương, tỉnh bạn; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các ban, sở, ngành của tỉnh, huyện, thành phố và du khách trong, ngoài tỉnh.
Trong lễ khai mạc sẽ có các nội dung: Nghi lễ thờ cúng mời Quốc Mẫu Hoàng Bà và các vị thần được thờ về tại miếu thờ xóm Lũy Ải; rước kiệu từ miếu thờ xóm Lũy Ải ra lễ đài sân vận động xã Phong Phú để khai mạc. Trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình cho các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi. Dấng chiêng và biểu diễn màn hòa tấu chiêng Mường của 500 diễn viên, nghệ nhân chiêng Mường đến từ 16 xã, thị trấn huyện Tân Lạc và các đội chiêng của các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn. Màn nghệ thuật chào mừng đặc sắc với 3 chương và nghi thức xuống đồng đi cày, cấy đầu xuân tại cánh đồng Nà Trùng.