Sáng tạo cùng 'Cuộc đua số'

Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) là đơn vị có bề dày thành tích tại các cuộc thi dành cho sinh viên, như Olympic toàn quốc các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Ngoại ngữ, hoặc trên các 'sân chơi' như Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon Việt Nam)… Mới đây, học viên của trường tiếp tục tỏa sáng trên một sân chơi mới: Cuộc thi lập trình xe tự hành (Cuộc đua số) do FPT và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

 Lãnh đạo và cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự chia vui, chúc mừng đội MTA_R4F giành ngôi vô địch Cuộc đua số 2018-2019. Ảnh: PHI LINH

Lãnh đạo và cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự chia vui, chúc mừng đội MTA_R4F giành ngôi vô địch Cuộc đua số 2018-2019. Ảnh: PHI LINH

Chiến thắng của trí tuệ, bản lĩnh

Đã gần một tuần trôi qua kể từ đêm chung kết Cuộc đua số 2018-2019 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ (Hà Nội), nhưng khi gặp chúng tôi, cả 4 thành viên của đội MTA_R4F, Học viện KTQS và thầy hướng dẫn là Thiếu tá, TS Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật điều khiển, Học viện KTQS) vẫn lâng lâng niềm vui chiến thắng.

Đêm chung kết với sự có mặt của 10 đội, trong đó có 4 đội thuộc các trường đại học khu vực miền Bắc, 4 đại diện của miền Nam và 2 đội quốc tế đến từ Đại học Greenwich (Anh) và Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga). Các đội đấu loại trực tiếp để chọn 2 đội vào chung kết. Tại trận chung kết, MTA_R4F của Học viện KTQS chỉ mất 52 giây để giành chiến thắng thuyết phục, mang về ngôi vô địch lần thứ hai cho học viện trong 3 lần cuộc thi được tổ chức.

“Nhìn các đội thi đấu, nhiều khán giả có cảm tưởng cuộc thi cũng khá dễ dàng?”-tôi hỏi Thượng sĩ Lại Tiến Đệ, Đội trưởng của MTA_R4F. Chàng học viên năm thứ tư có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, cười hiền và nói:

- Không hề đơn giản anh ạ, vì từ một chiếc xe vô tri vô giác, các đội phải lập trình điều khiển, nôm na là tạo ra “bộ óc” giúp xe đủ “thông minh” để tự “hiểu” yêu cầu (đề thi) và hoàn toàn tự động trong việc nhận biết đường đi; nhận biết, vượt qua các chướng ngại vật; vị trí tạm dừng; tính toán, lựa chọn đường đi… sao cho phải qua đủ các điểm “checkpoint” theo yêu cầu, rồi cơ động về đích trong thời gian sớm nhất (không quá 3 phút). Hàng loạt vấn đề về kỹ thuật, công nghệ cần giải quyết, như: Xử lý ảnh khi đi qua hầm, qua đường tối để xe có thể “nhìn” rõ đường; xây dựng thuật toán để tính toán đường đi tối ưu…

Theo Thiếu tá, TS Nguyễn Ngọc Tuấn, qua mỗi năm yêu cầu của cuộc thi lại càng cao, nội dung ngày càng phức tạp. Bên cạnh các giải pháp về công nghệ, để giành được chiến thắng cần phải có bản lĩnh, có chiến thuật hợp lý thông qua việc lựa chọn tốc độ xe phù hợp. Đó cũng là điều mà các thành viên của đội MTA_R4F đã làm được.

Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cho rằng: “Xe không người lái là một sân chơi mang tính toàn cầu mà các kỹ sư hàng đầu thế giới của Google, Tesla… đang nghiên cứu. Hy vọng từ cuộc thi này, các bạn sẽ sớm bước ra sân chơi thế giới”. Đồng tình với quan điểm trên, Đại tá, PGS, TS Lê Minh Thái, Phó giám đốc Học viện KTQS khẳng định, đây là cuộc thi rất thiết thực, bổ ích. Tham dự “Cuộc đua số”, học viên của Học viện KTQS luôn mang theo những khát khao sáng tạo. Cuộc thi đòi hỏi kiến thức tổng hợp gắn với các lĩnh vực khoa học công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý ảnh, công nghệ phần mềm, kỹ thuật số… Bởi vậy, qua cuộc thi, học viên có cơ hội học tập, nghiên cứu, tạo cơ sở để từng bước tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên cương vị những nhà khoa học, các kỹ sư quân sự tương lai, góp phần xây dựng quân đội chính quy, từng bước hiện đại.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện thành công Đề án xây dựng và phát triển Học viện KTQS thành trường đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của quân đội và Nhà nước, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện KTQS xác định, quá trình đào tạo phải luôn gắn với nghiên cứu khoa học; phải tạo ra được phong trào nghiên cứu, sáng tạo rộng rãi trong học viên, sinh viên. Xuất phát từ chủ trương này, thời gian qua, học viện luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học viên, sinh viên tham gia đầy đủ các cuộc thi Olympic sinh viên toàn quốc, các sân chơi sáng tạo do Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc các hội nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị khác tổ chức... Học viện cũng định kỳ tổ chức các cuộc thi cấp trường, như Olympic tiếng Anh, tiếng Nga; cuộc thi minirobocon, máy bay mô hình… thu hút đông đảo học viên, sinh viên. “Các cuộc thi này góp phần quan trọng phát huy tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học; rèn luyện tác phong, phương pháp làm việc theo nhóm… cho học viên, sinh viên, phù hợp với định hướng xây dựng Học viện KTQS thành trường đại học nghiên cứu có uy tín”, Đại tá, PGS, TS Lê Minh Thái nhấn mạnh.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-tao-cung-cuoc-dua-so-576456