Sáng tạo triển khai hiệu quả hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp

Theo Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp là môn học chính thức, có chủ đề, tài liệu hướng dẫn và số tiết quy định.

Chương trình giao lưu với hình thức sân khấu hóa của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) trong hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Ảnh: Hồ Lài.

Chương trình giao lưu với hình thức sân khấu hóa của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) trong hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Ảnh: Hồ Lài.

Môn học tạo hứng thú cho học sinh

Ban hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phối hợp với Tổ Văn – Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) vừa tổ chức buổi giao lưu “Tham gia xây dựng cộng đồng” với Diễn đàn “Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Chủ đề buổi giao lưu được định hướng bằng việc trả lời các câu hỏi: Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, sách sẽ mở ra trước mắt ta những chân trời mới. Nhưng như thế nào là chân trời mới? Làm thế nào để tiếp thu được hết tinh hoa từ những trang sách? Chương trình giao lưu do tập thể lớp 11D1 và 10D2 phụ trách đã được các bạn học sinh thể hiện qua 3 phần.“Táo Quân - Ngày hội đọc sách”; Giao lưu, chia sẻ về phương pháp đọc sách hiệu quả và cách triển khai hoạt động đọc sách.

Ba phần thể hiện của các lớp 10D2, 11D1 cùng CLB Sách LIBRO, đã tạo một diễn đàn trao đổi, chia sẻ giữa học sinh toàn trường về tầm quan trọng của sách; Đồng thời, truyền cảm hứng đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong lớp, trong trường và lan tỏa ra cộng đồng. Văn hóa đọc cần bám sâu gốc rễ để trở thành một phần quan trọng của đời sống, góp phần phát triển nhân cách cá nhân. Diễn đàn giao lưu đã góp tiếng nói, lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay; mong muốn tuổi trẻ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hãy đọc, yêu, trân quý sách, tự hào, gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Thầy trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng quyên góp ủng hộ học sinh khó khăn, vùng cao trong Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp chủ đề: "Tham gia xây dựng cộng đồng". Ảnh: Hồ Lài.

Thầy trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng quyên góp ủng hộ học sinh khó khăn, vùng cao trong Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp chủ đề: "Tham gia xây dựng cộng đồng". Ảnh: Hồ Lài.

Chương trình trên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nằm trong hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp theo chương trình GDPT 2018. Nhà trường đã thành lập ban Ban hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để trải khai các chủ đề theo hướng dẫn; Đồng thời định hướng, giao nhiệm vụ để học sinh chủ động tham gia trong các chủ đề hoạt động.

Trải qua 1 học kỳ, Ban hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp của trường đã tổ chức nhiều tiết học sôi nổi, lồng ghép trong giờ chào cờ, sinh hoạt tập thể. Cụ thể như phối hợp với nhóm Địa lí tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Rèn luyện bản thân”. Trong đó đưa ra nội dung thảo luận là “Sử dụng điện thoại trên lớp – nên hay không nên” với 2 đội nhà Táo và nhà Sung có quan điểm khác nhau. Một bên đồng tình còn bên kia lại cho rằng hoàn toàn không nên cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Hai bên tranh luận rất sôi nổi với nhiều lý lẽ, dẫn chứng bảo vệ quan điểm của mình, để lại những suy ngẫm sâu sắc cho mỗi học sinh. Qua đó xây dựng ý thức sử dụng điện thoại một cách hợp lý, hiệu quả.

Hay buổi giao lưu với chủ đề “Thần tượng tuổi học trò” thu hút sự quan tâm, nêu ý kiến của học sinh. Qua đó, giúp học sinh có hiểu biết, hành động phù hợp để thần tượng trở thành động lực cho nỗ lực, cố gắng, là cái đích của sự hoàn hảo để hoàn thiện nhân cách và tài năng cho các bạn trẻ.

Hoạt động trải nghiệm chủ đề "Người lính trong mắt em" tại Trường THCS Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Hoạt động trải nghiệm chủ đề "Người lính trong mắt em" tại Trường THCS Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Năm học này là năm đầu tiên hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 được triển khai cho học sinh lớp 10. Theo lãnh đạo các trường THPT, trong chương trình hiện hành, hoạt động trải nghiệm thường được tổ chức thành chương trình ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, trong đó lồng ghép chủ đề giáo dục phẩm chất, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, trong chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm trở thành môn bắt buộc, có tài liệu dạy học, thiết kế bài giảng và hướng dẫn thực hiện với thời lượng 105 tiết/năm (3 tiết/tuần).

Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) xây dựng thời khóa biểu mỗi tuần học sinh lớp 10 có 3 tiết trải nghiệm, hướng nghiệp. Trong đó có 1 tiết lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần, 1 tiết lồng ghép vào giờ sinh hoạt lớp và tiết còn lại giáo viên sẽ dạy theo chủ đề ở sách giáo khoa. Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù là môn học mới, nhưng nhà trường không gặp nhiều bỡ ngỡ mà nhanh chóng đi vào ổn định, tạo sự hứng thú cho học sinh. Quá trình thực hiện, giáo viên có thể sáng tạo điều chỉnh nội dung, hình thức các hoạt động để phù hợp với thực tế nhà trường, chủ đề bài học, học sinh cũng như điều kiện của thầy cô, cán bộ phụ trách”.

Thúc đẩy đổi mới giáo dục trong toàn trường

Ngoài lồng ghép trong giờ chào cờ, môn hoạt động trải nghiệm cũng được tích hợp trong tiết sinh hoạt lớp. Trong các cuộc thi giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học, THCS tỉnh Nghệ An, thầy cô giáo đã thể hiện sự sáng tạo và đổi mới tiết sinh hoạt khi đưa ra nhiều chủ đề thu hút học sinh thảo luận, trao đổi.

Cô Nguyễn Thị Như Hoa (giáo viên Trường THCS Thanh An, huyện Thanh Chương) trao đổi thêm: Trải qua công tác chủ nhiệm nhiều lớp, cô dạy hoạt động trải nghiệm như một môn học đối với cả học sinh chương trình mới lẫn hiện hành. Ví dụ chủ đề hỗ trợ học sinh trầm cảm đối với trường vùng nông thôn vẫn còn mới mẻ. Nhưng đây là vấn đề thực tế xảy ra âm thầm với nhiều học sinh, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều em có bố mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ ly hôn, sống với ông bà hoặc áp lực vì kỳ vọng của gia đình…

“Qua việc trao đổi, thảo luận các em mạnh dạn chia sẻ hơn với thầy cô và có phương hướng giải quyết vấn đề gặp phải trong cuộc sống, học tập. Về phía giáo viên cũng thay đổi phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh toàn diện hơn, nhìn nhận cả quá trình chứ không riêng điểm số học tập”, cô Như Hoa nói.

Tiết sinh hoạt lớp tại Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Tiết sinh hoạt lớp tại Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) khi mới bắt đầu triển khai, giáo viên khá lúng túng vì đây là một môn học mới, cách dạy mở và gắn nhiều với thực tiễn. Bộ môn chưa có giáo viên chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm nên nội dung, phương pháp dạy như thế nào cũng gặp khó khăn nhất định. Vì thế, nhà trường họp tổ chuyên môn, bàn bạc thảo luận từng chủ điểm, tổ chức các tiết dạy mẫu để giáo viên rút kinh nghiệm. Môn học này vì vậy là sản phẩm của cả tập thể. Qua thời gian triển khai, chính giáo viên cũng có nhiều trải nghiệm để đổi mới trong tư duy, phương pháp giáo dục.

Cô Lưu Thị Thanh Trà, phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) nêu quan điểm: "Khi xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm, mỗi tiết học thực sự chính là một trải nghiệm khác nhau và đem đến nhiều cảm xúc khác biệt cho cả học sinh, giáo viên. Vì vậy, để có một tiết học thành công, giáo viên cần có sự chuẩn bị kĩ trước khi tổ chức. Trong đó phải lấy học sinh làm trung tâm và linh hoạt, sáng tạo theo từng chủ đề đảm bảo tính thiết thực, phù hợp nhận thức lứa tuổi, giai đoạn trưởng thành của các em”.

Tiết chào cờ lồng ghép hoạt động trải nghiệm chủ đề Quân đội nhân dân Việt Nam tại Trường THCS Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tiết chào cờ lồng ghép hoạt động trải nghiệm chủ đề Quân đội nhân dân Việt Nam tại Trường THCS Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Theo phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là môn trong chương trình GDPT 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 10 từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhà trường triển khai các chủ đề với sự tham gia của học sinh toàn trường. Vì vậy, không chỉ là học sinh khối 10, mà các khối lớp khác cũng được tiếp nhận kiến thức, kỹ năng từ hoạt động này.

Tuy nhiên, để môn học đạt hiệu quả hơn nữa, cần có cơ sở vật chất đảm bảo để hỗ trợ quá trình dạy học (như tivi, mạng internet); có kinh phí để tổ chức các hoạt động sân khấu hóa, hoặc tổ chức đi thực tế ngoài nhà trường. Đối với trường ở vùng trung tâm, thành phố cơ bản vẫn nhiều thuận lợi song ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn nhất định.

“Chúng tôi đang tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với điều kiện phụ huynh, học sinh và của cả nhà trường. Đồng thời khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, tự xây dựng kế hoạch dạy học theo mô đun của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chủ động hơn trong triển khai”, cô Lưu Thị Thanh Trà cho hay.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sang-tao-trien-khai-hieu-qua-hoat-dong-trai-nghiem-huong-nghiep-post624090.html