Sắp diễn ra hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản
Bộ Giao thông Vận tải và Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản trong tháng 12 tới.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến tháng 12 tới, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Bộ Giao thông Vận tải và Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản.
Hội thảo sẽ tập trung vào các lĩnh vực đường sắt, cảng biển và cảng hàng không. Đặc biệt, tại hội thảo, Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế sẽ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư, phát triển đường sắt tốc độ cao, nhất là làm sao để tạo được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Chia sẻ về công nghệ đường sắt tốc độ cao, ông Masafumi Shukuri - Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI), Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế (IHRA) cho biết, việc chọn lựa công nghệ phụ thuộc vào tốc độ khai thác và phương án chỉ khai thác chạy tàu khách hay khai thác chung tàu khách, tàu hàng.
Từ kinh nghiệm phát triển hệ thống Shinkansen từ năm 1964 chưa xảy ra sự cố đe dọa mất an toàn, kể cả trường hợp không người lái, ông Masafumi Shukuri cho rằng nên đầu tư đường sắt tốc độ cao chuyên khai thác chạy tàu khách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và thống nhất phối hợp tổ chức Hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, đề nghị phía Nhật Bản cử các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt tốc độ cao tham gia hội thảo để thông qua đó truyền thông đến nhân dân, các bộ ngành hữu quan hiểu về đầu tư lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.545km, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 60 tỷ USD và mong muốn hoàn thành trước năm 2050.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị dự án, gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là vấn đề lựa chọn phương án tốc độ khai thác, phương án khai thác chung cho cả hành khách và hàng hóa hoặc riêng hành khách và các phương án huy động tài chính.
Dự kiến dự án sẽ huy động từ 3 nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và huy động vốn các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn, Nhật Bản xem xét hỗ trợ Việt Nam trong triển khai dự án.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 420/TB-VPCP ngày 18/10/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (đề án).
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thể hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu liên quan đến phát triển đường sắt tốc độ cao trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị (về định hướng phát triển giao thông đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) vào đề án. Cùng đó, huy động các chuyên gia (kể cả chuyên gia quốc tế nếu cần thiết) về kỹ thuật, kinh tế; tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp ý hoàn thiện đề án…/.