Sắp khánh thành nhà máy nước 1.170 tỷ đồng; Đề xuất tăng vốn đầu tư cao tốc Cao Lãnh-An Hữu
Đà Nẵng chuẩn bị khánh thành nhà máy nước trị giá 1.170 tỷ đồng; Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu lên 7.458 tỷ đồng…
Đó là hai trong số những thống tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Quảng Nam điều chỉnh đầu tư Đường vành đai phía Bắc
Ngày 21/3, HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa X) đã tổ chức Kỳ họp thứ 13. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã có tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam.
Dự án Đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam được HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 với tổng mức đầu tư là 490 tỷ đồng. Sau đó, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư là 498 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 398 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Quảng Nam là 100 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên kết giữa vùng Đông, vùng Tây khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, trong quá trình khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xét thấy cần thiết phải thay đổi hướng tuyến so với chủ trương đầu tư được duyệt, nhằm mang lại hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật, rút ngắn được thời gian lưu thông cho các phương tiện, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông do yếu tố kỹ thuật ít nút giao cắt, xóa bỏ được đường ngang đường sắt tại Km 808+370.
Ngoài ra hướng tuyến thay đổi chủ yếu đi qua khu vực đất trống, đồng ruộng, không ảnh hưởng đất quy hoạch đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ nên khả năng giải phóng mặt bằng nhanh, đồng thời có thể tạo quỹ đất lớn hai bên đường…
Việc điều chỉnh hướng tuyến Dự án đã làm giảm chiều dài tuyến từ 5,8 km xuống còn 4,63 km, tuy nhiên phát sinh thêm hạng mục cầu vượt cao tốc. Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất về nguyên tắc việc xây dựng nút giao khác mức giữa tuyến đường này với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án không làm tăng tổng mức đầu tư theo chủ trương đầu tư đã được duyệt…
Trước đó, thành phố Đà Nẵng gửi công văn cho tỉnh Quảng Nam lấy ý kiến hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu. Dự án nằm trong Chương trình hợp tác, phát triển giữa UBND TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam
Dự án cầu Quảng Đà sẽ kết nối với điểm cuối của Dự án Đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam (thuộc địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Kinh phí đầu tư hơn 274 tỷ đồng từ ngân sách TP. Đà Nẵng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa phận Quảng Nam do tỉnh này bố trí, không tính vào tổng mức đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2026.
Cần thêm cơ chế đặc thù để gỡ “nút thắt” vật liệu xây cao tốc Bắc - Nam
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ Dự án cao tốc Bắc – Nam.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị đối với các mỏ được cấp để xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo Nghị quyết số 60/NQ – CP ngày 16/6/2021 (sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 133/NQ – CP ngày 19/10/2021) của Chính phủ về về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công) đã hết hạn khai thác, nhưng còn trữ lượng, UBND tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có Dự án đi qua căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại các nghị quyết nêu trên để cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác các mỏ vật liệu theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp.
Sau khi kết thúc khai thác, yêu cầu các nhà thầu thực hiện chủ trương đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.
Nghị quyết này thay thế cho điểm 25 mục I Nghị quyết số 31/NQ – CP ngày 7/3/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.
Liên quan đến thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế đặc thù, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết là tại Khoản 1 Điều 80 Luật Khoáng sản năm 2010 về trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoảng sản của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ có quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về khoáng sản”. Do vậy, Chính phủ có quyền cho phép tiếp tục khai thác để cung cấp cho dự án quan trọng quốc gia.
Trước đó, được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tại Nghị quyết số 31/NQ-CP, Chính phủ đã đồng ý: “Đối với 6 mỏ đất đắp đã được cấp cho các nhà thầu thực hiện dự án hiện đã hết hạn giấy phép, không đủ điều kiện gia hạn: đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường). Yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép”.
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh Bình Thuận để triển khai các thủ tục nhằm tiếp tục khai thác các mỏ đất đã cấp cho Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Tuy nhiên, qua các buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến theo Nghị quyết thủ tục cấp lại như cấp mới và phải thực hiện đủ 11 bước, thành phần hồ sơ phải có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, trong khi hiện nay trữ lượng khoáng sản còn lại chưa được phê duyệt (Nghị quyết số 31/NQ-CP chỉ cho phép không phải lập lại dự án đầu tư và không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường). Theo đó, nếu thực hiện đúng quy định nêu trên, thời gian nhanh nhất cho đến khi được cấp phép khoảng 5 đến 6 tháng và không thể đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, Dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết là công trình quan trọng Quốc gia, đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào ngày 30/4/2023 và được áp dụng các cơ chế đặc thù.
Để giải quyết dứt điểm vướng mắc nói trên, các đơn vị thi công và chủ đầu tư đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép các nhà thầu tiếp tục được khai thác ngay vật liệu đất đắp trong phạm vi trữ lượng các mỏ đã được cấp phép để thi công các gói thầu đến khi hoàn thành dự án; giao UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện đảm bảo không gián đoạn việc khai thác vật liệu đất đắp tại các mỏ đã được cấp.
Theo Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư Dự án), hiện các đơn vị thi công đang huy động tổng lực nhân lực, thiết bị, tài chính để quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết bởi đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế các địa phương khu vực tuyến đi qua, giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, phát huy ngay hiệu quả dự án.
“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm cho phép tái khai thác các mỏ vật liệu đất đắp ngay trong tháng 3/2023 để kịp hoàn thành toàn bộ Dự án vào cuối tháng 4/2023 như chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”, một lãnh đạo Ban quản lý dự án 7 kiến nghị.
Quảng Nam: Vốn FDI chủ yếu rót vào khu kinh tế, khu du lịch ven biển
Ông Nguyễn Tấn Văn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút, quản lý vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2022.
Theo đó, trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 76 Dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 603,56 triệu USD, điều chỉnh 191 dự án (trong đó có 52 dự án điều chỉnh vốn). Ngoài ra, địa phương này đã chấm dứt hoạt động đối với 20 dự án; thông báo chấp thuận 166 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Một số dự án quy mô lớn được cấp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018-2022, như Nhà máy Sản xuất vải mành tại KCN Tam Thăng của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 410 triệu USD; Dự án Nam châm từ tính SGI tại KCN Bắc Chu Lai của nhà đầu tư Star Group Ind.Co., Ltd (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 39,3 triệu USD; Dự án Nhà máy Dệt may quần áo không đường may tại KCN Tam Thăng của Công ty TNHH Celebrity Fashion Vina (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD;...
Lũy kế đến nay, tỉnh Quảng Nam có 194 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 6,06 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch...
Về đối tác đầu tư, các dự án FDI đầu tư vào Quảng Nam đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc là đối tác có số lượng dự án FDI nhiều nhất với 57 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 824,12 triệu USD; Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 10 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,09 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh Quảng Nam đã cho các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất với tổng diện tích 158,8 ha
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hầu hết các dự án FDI đầu tư vào Quảng Nam đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2018- 2020, tổng doanh thu các doanh nghiệp FDI là 4.575,47 triệu USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 8.482 triệu USD, đóng góp nguồn thu vào ngân sách tỉnh hơn 355 triệu USD, giải quyết khoảng 56.000 lao động trên toàn tỉnh.
Trong các dự án đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (nhà đầu tư Singapore) với quy mô tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, diện tích đất 985,3 ha là một trong những dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về tình hình sử dụng lao động, các doanh nghiệp FDI đã góp phần giải quyết việc làm cho 56.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, doanh nghiệp FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI. Tốc độ tăng lao động của khu vực này bình quân 12%/năm trong giai đoạn từ 2018-2022, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày…
TP.HCM xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài
Trong văn bản mới đây của UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của việc huy động nguồn lực xã hội phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện của công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2023 – 2030.
Từ đó, UBND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nghiên cứu điều chỉnh tên gọi của hai đề án gồm Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, Sở KHĐT cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Sở, ban, ngành nhằm hoàn thiện nội dung của đề án, đảm bảo nội dung của đề án theo sát tình hình thực tế, có tính khả thi, dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện.
Trong quá trình nghiên cứu, Sở KHĐT cần tập trung làm rõ một số nội dung như đặt vấn đề rõ ràng, ngắn gọn, xác định được tổng số vốn cần huy động để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2023 - 2030.
Đồng thời, thực hiện phân tích, đánh giá thực trạng và xu hướng huy động nguồn lực xã hội để phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2017 - 2022 và dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2030. Thông qua đó, phân tích số liệu nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và tư ngoài ngân sách nhà nước, xác định cơ hội và thách thức của việc huy động nguồn lực xã hội, đề xuất các giải pháp thực hiện.
Các giải pháp được đề ra cần phải ngắn gọn, thực thi, Theo hướng tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp lý và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động tối đa được nguồn lực tài chính tiềm năng.
Về đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn 2030 cũng cần Sở KHĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Trong đó, cần xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, ngắn gọn, tập trung, phù hợp, thiết thực, theo hướng nâng cao tỷ trọng FDI có giá trị gia tăng cao, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa FDI tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2023 - 2025.
Xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy mô 4 làn xe, vốn 5.750 tỷ đồng
Bộ GTVT vừa có công văn số 2646/BGTVT - KHĐT gửi Ban quản lý Dự án 2 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.
Theo đó, Bộ GTVT đồng ý chủ trương triển khai lập điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy mô 4 làn xe như đề nghị của Ban quản lý dự án 2.
Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án 2 tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu trước đây của Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn và triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định; tiến hành cập nhật quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có liên quan (công nghiệp, đô thị, du lịch...).
Ban quản lý dự án 2 cũng sẽ phải rà soát dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; tính toán phân lưu với các tuyến đường bộ khác để xác định sự cần thiết, quy mô đầu tư, phương án đầu tư; có luận chứng đầy đủ, chặt chẽ về tốc độ thiết kế, số làn xe của dự án.
Bộ GTVT lưu ý, việc xem xét dự án xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn cần phải được đặt trong bài toán tổng thể của quy hoạch, đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và phải hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong tháng 4/2023.
Trước đó, Ban quản lý dự án 2 đã có báo cáo gửi Bộ GTVT kết quả rà soát phương án triển khai các nội dung liên quan Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.
Sau khi phối hợp với liên danh tư vấn lập dự án là TEDI - Tư vấn Trường Sơn phân tích các phương án đầu tư, rà soát số liệu, trình tự thực hiện, Ban quản lý dự án 2 đã kiến nghị Bộ GTVT đầu tư tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy mô cao tốc 4 làn xe.
Cụ thể, đơn vị này đề xuất tiến hành đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn với chiều dài 28,7 km theo quy mô cao tốc 4 làn xe, cấp 80-100 theo TCVN 5729- 2012 theo quy hoạch.
Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 5.750 tỷ đồng, thời gian khởi công dự kiến tháng 2/2024, hoàn thành năm 2026. Đây được cho là phương án tối ưu bởi tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy hoạch là cao tốc 4 làn xe có bề rộng nền đường tương đối nhỏ; điều kiện địa hình chia cắt mạnh, khối lượng đào sâu, đắp cao lớn; chênh lệch về tổng mức giữa đầu tư cao tốc hạn chế và hoàn thiện rất nhỏ (khoảng 8% tổng mức đầu tư).
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn có điểm đầu tại Km0+000 (khu công nghiệp Thanh Bình), huyện Chợ Mới; điểm cuối tại Km28+807.5, (giao cắt với Quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể), TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Theo Quyết định số 988/QĐ-BGTVT ngày 25/7/2022 về phê duyệt chủ trương đầu tư của Bộ GTVT, Dự án có quy mô giai đoạn hoàn thiện là cao tốc cấp 80, 4 làn xe với nền đường 22 m, mặt đường 20,5 m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư 1/2 quy mô hoàn thiện với nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m (khai thác như đường cấp III).
Trong giai đoạn 2021-2025, Dự án được đầu tư xây dựng đoạn Nút giao Quốc lộ 3 (Km 9+400) - cuối tuyến (Km28+807). Sau khi thu xếp được nguồn vốn sẽ đầu tư xây dựng đoạn Đầu tuyến (km0+00) - Nút giao Quốc lộ 3 (Km9+700).
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ chiều rộng mặt cắt ngang nền đường 12m là 2.844 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 2.017 tỷ đồng; sau khi thu xếp được nguồn là 827 tỷ đồng.
Đà Nẵng yêu cầu khởi công 26 công trình mới trong năm 2023
Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch Thành phố Lê Trung Chinh đã có kết luận Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Theo đó, để hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, TP. Đà Nẵng đã giao tỷ lệ, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cụ thể cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý Dự án.
Cụ thể, yêu cầu đến ngày 30/4 giải ngân đạt 10% kế hoạch vốn; đến ngày 30/6 giải ngân đạt 30% kế hoạch vốn; đến ngày 30/9 giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn.
Đến ngày 31/12 phải giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn và đến ngày 31/1/2024, thành phố Đà Nẵng sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2023.
Ngoài ra, Chủ tịch TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng 38 công trình và khởi công 26 công trình mới. Lưu ý lập kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng dự án.
Chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trình HĐND Thành phố phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch còn lại của năm 2023 là 1.659 tỷ đồng cho các công trình, dự án bảo đảm điều kiện bố trí kế hoạch vốn trước ngày 30/6/2023.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được giao kế hoạch vốn năm 2023, UBND Thành phố yêu cầu tập trung xử lý các vướng mắc, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư, sớm lựa chọn nhà thầu triển khai thực hiện theo quy định để giải ngân hết 100% số vốn Trung ương đã bố trí năm 2023 là 163 tỷ đồng. Ngoài ra, xử lý dứt điểm hơn 50% các dự án tồn đọng lâu năm, kéo dài.
UBND Thành phố cũng yêu cầu các sở, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị để xác định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì tham mưu, có chính kiến cụ thể của đơn vị chủ trì thực hiện trách nhiệm tham mưu, thẩm tra, thẩm định.
Chủ tịch TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, rà soát từng dự án ngay từ đầu năm, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong từng khâu công việc, giao nhiệm vụ cụ thể…
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố Đà Nẵng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND và UBND thành phố giao là hơn 7.947 tỷ đồng.
Số vốn đã được bố trí thanh toán cho 30 công trình, dự án động lực, trọng điểm với tổng quy mô là 2.407 tỷ đồng, bằng 30,3% tổng kế hoạch vốn và bằng 40,2% kế hoạch vốn XDCB đã phân bổ, trong đó vốn xây lắp là 2.257,02 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.
Đến hết ngày 31/01/2023, các chủ đầu tư, quản lý dự án và các đơn vị được giao kế hoạch vốn xây dựng cơ bản đã phân bổ chi tiết 5.824,323 tỷ đồng.
Phát triển TP. Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp của ÐBSCL
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 681/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, Cần Thơ xác định chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ ưu tiên để phân bổ hợp lý các nguồn lực theo thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Phát triển TP. Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng ÐBSCL. Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng dần cơ cấu các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành công nghiệp đem lại giá trị gia tăng cao nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại, làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến của các địa phương khác theo phân khu chức năng của vùng...
Mục tiêu của Ðề án là thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp nhằm phát triển các ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực (chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; sản xuất hóa chất (dược phẩm, phân bón, cao su, nhựa); công nghiệp công nghệ cao (điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...); cơ khí chế tạo, vật liệu mới; năng lượng mới và năng lượng tái tạo và nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025: tập trung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 75.000-80.000 tỷ đồng.
Từ năm 2026-2030, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này từ 90.000-100.000 tỷ đồng.
Khánh Hòa có hơn 600 dự án ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký 480.000 tỷ đồng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Châu Ngô Anh Nhân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cho biết, tính đến hiện tại, Khánh Hòa có hơn 600 Dự án đầu tư ngoài ngân sách trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 480.000 tỷ đồng.
Theo ông Nhân, Khánh Hòa đã thiết lập được mối quan hệ lâu dài với nhiều nhà đầu tư trên thế giới với 117 Dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% về số vốn trong vùng Nam Trung Bộ đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo, và dịch vụ. Đây là kết quả được đánh giá rất tích cực.
Tuy nhiên, so tiềm năng thế mạnh, lợi thế vị trí, thì việc thu hút các dự án FDI của tỉnh vẫn chưa như triển vọng, do những lý do khách quan và cả chủ quan.
Do đó, sau khi công tác lập quy hoạch hoàn thiện, tỉnh sẽ tập trung thu hút dòng vốn FDI ở các thị trường truyền thống cũng như các thì trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước EU, Ấn Độ, Israel…
“Khánh Hòa sẽ ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội”, ông Nhân cho hay.
Hiện nay, để thu hút được các dự án đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục hoàn thiện các nền tảng hiện có, dựa trên tiền năng thế mạnh của tỉnh.
Trong đó, Khánh Hòa tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng của tỉnh gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Đồng thời, địa phương này sẽ hoàn thiện các quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch chung được duyệt làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện các dự án...
Chuyên gia khẳng định hợp đồng EC mang lại lợi ích lớn cho dự án giao thông
TS. Phạm Văn Khánh, nguyên Cục trưởng Cục kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng cho biết, EC là viết tắt của hợp đồng thiết kế và xây dựng. Mô hình này đã được áp dụng rất phố biến trên thế giới.
Ở Việt Nam cũng có nhiều dự án xây dựng đã áp dụng. Theo quy định của Luật Xây dựng, khâu thiết kế của một công trình xây dựng ở Việt Nam gồm thiết kế cơ sở (nằm trong FS), thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
Ở hợp đồng EC, khâu thiết kế là thiết kế được triển khai sau bước thiết kế cơ sở, tức là sau khi dự án được phê duyệt đầu tư. nhà thầu EC sẽ thực hiện các công việc thiết kế và thi công xây dựng công trình. Áp dụng mô hình này giảm thiểu được khối lượng công việc lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng khảo sát phục vụ thiết kế, thiết kế và thẩm tra, thẩm định thiết kế và dự toán nên rút ngắn thời gian thực hiện dự án so với phương thức truyền thống.
Ngoài ra, việc áp dụng hợp đồng EC sẽ khai thác được trí tuệ và kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thiết kế thi công phù hợp với thực tiễn, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Có nhiều dự án xây dựng áp dụng EC ví dụ như các dự án ngành dầu khí, ngành công thương, các dự án nhà máy nhiệt điện…
Ông Khánh khẳng định, hợp đồng EC mang lại nhiều hiệu quả hơn khi áp dụng công nghệ mới trong dự án. Trong hoạt động xây dựng hiện nay đang triển khai áp dụng BIM - mô hình thông tin công trình trong ngành xây dựng, kết hợp số hóa, mô phỏng thiết kế và thi công công trình hoàn toàn trên máy tính trước khi triển khai ngoài thực tế, trong đó tích hợp các thuật toán tự động.
Nhờ đó, người làm có thể nhìn thấy tất cả những bất cập của thiết kế, giúp tăng chất lượng công trình, chủ động trong thi công nên đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí thực hiện. Các nước áp dụng mô hình này đã đưa ra tổng kết trung bình một dự án rút ngắn thời gian tới 30%, chi phí tiết kiệm được nhiều. Do đó, trong tương lai, chúng ta nên áp dụng rộng mô hình EC đồng thời với việc áp dụng BIM.
Vị chuyên gia này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng việc áp dụng mô hình EC trong các dự án xây dựng khi vừa thiết kế vừa thi công là một hình thức “vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Cụ thể, theo quy định của Việt Nam, quá trình đầu tư xây dựng theo truyền thống được chia làm ba giai đoạn, đầu tiên là chuẩn bị dự án, tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với những dự án lớn, báo cáo khả thi với hầu hết các dự án. Giai đoạn thiết kế sau khi phê duyệt dự án (FS) bao gồm thiết kế kỹ thuật đối với thiết kế 3 bước hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với thiết kế 2 bước và theo quy định phải phù hợp với thiết kế trước đó là thiết kế cơ sở trong dự án được phê duyệt.
Việc thiết kế và thi công trong EC được thực hiện bởi nhà thầu, là 1 của chủ thể của hợp đồng, còn một bên hợp đồng là chủ đầu tư, họ giám sát việc thực hiện nên không thể nào có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Hơn nữa hợp đồng EC triển khai sau khi dự án được phê duyệt, mà trong dự án có thiết kế cơ sở, đã được cố định về kiến trúc, kết cấu, phương án thi công, loại vật liệu chủ yếu, công nghệ. Giai đoạn sau nhà thầu EC bắt buộc thiết kế và thi công phù hợp với giai đoạn trước (thiết kế cơ sở và thuyết minh dự án). Nếu nhà thầu có trí tuệ, biết vận dụng những sáng kiến, kinh nghiệm để làm tốt thì rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí thì được hưởng lợi, làm không tốt chính họ sẽ bị thua lỗ. Khi thực hiện tốt thì cả nhà thầu lẫn Nhà nước, chủ đầu tư, xã hội đều sẽ được hưởng lợi từ việc triển khai thực hiện loại hợp đồng này.
“Việc hiểu mô hình này theo dạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là chưa đúng. Bởi không chỉ có nhà thầu làm mà còn có bên chủ đầu tư, kèm theo tư vấn giám sát nếu có, tất cả đều có thước đo tiêu chuẩn trong dự án và theo quy định”, TS. Phạm Văn Khánh cho biết.
Để nhân rộng việc áp dụng hợp đồng EC tại các dự án xây dựng, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông cần điều chỉnh quyền nghĩa vụ của các chủ thể để có cách quản lý dự án phù hợp với phương thức hợp đồng, cụ thể là dự án thực hiện theo phương thức EC thì quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm các chủ thể và phạm vi can thiệp của Nhà nước đến đâu. Có vậy thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, về công tác thanh tra kiểm toán, cần xác định rõ ràng nếu hợp đồng theo phương thức điều chỉnh giá thì thực hiện thanh tra, kiểm toán tuân thủ phương thức này, nếu hợp đồng theo đơn giá cố định thì cũng phải thẩm tra, thẩm định hợp đồng, thanh tra kiểm toán cũng phải theo quy định của hợp đồng đơn giá cố định, nếu theo phương thức trọn gói cũng sẽ tuân theo các bước quy định về phương thức trọn gói.
“Cần phổ biến rộng rãi các quy định để các chủ thể tham gia (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, cơ quan thanh tra, kiểm toán) phải có sự thống nhất nhằm thúc đẩy và tăng hiệu quả thực hiện dự án xây dựng theo mô hình hợp đồng EC”, TS. Phạm Văn Khánh kiến nghị.
Các doanh nghiệp Mỹ đề xuất ý tưởng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Chiều 22/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn hơn 50 doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đến tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Trong đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam lần này, có các tên tuổi lớn như Boeing, Tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Tập đoàn công nghệ SpaceX, Boeing, Netflix, Apple....
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp thiết thực, hiệu quả của USABC và các doanh nghiệp thành viên đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ, nhất là đoàn hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ (2013-2023).
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó doanh nghiệp Mỹ đã là một phần không thể thiếu nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua.
"Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Mỹ giải quyết khó khăn, vướng mắc và thực hiện các Dự án đầu tư thành công, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"", Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2022, thương mại song phương Việt - Mỹ đạt mức kỷ lục hơn 123 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, và Mỹ xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ.
Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Ted Osius, dù chịu tác động mạnh từ những biến động toàn cầu, nhưng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Ông cho biết, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…
Các doanh nghiệp Mỹ đã đề xuất những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, du lịch, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, năng lượng, ngân hàng... đồng thời nêu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng gắn kết, thực chất và thành công.
Đại diện tập đoàn năng lượng AES cho biết năng lượng tiếp tục là một trong những chủ đề thảo luận chính của các nhà đầu tư với mục tiêu thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam.
Tập đoàn AES là nhà đầu Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và đang đóng vai trò tích cực trong hợp tác về năng lượng hai nước, với các dự án bao gồm dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ và nhà máy điện Sơn Mỹ 2. Những tiến triển trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Trao đổi thêm về một số ngành, lĩnh vực cụ thể, Thủ tướng cho biết, trong kinh tế số và công nghiệp sáng tạo, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia; Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế và xã hội số.
Hiện Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung các Dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Viễn thông sửa đổi. Thủ tướng ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp Mỹ, giao các cơ quan nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện các dự thảo Luật này.
Trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất hợp tác của các Tập đoàn Mỹ để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, phù hợp với định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam. Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng và phát triển theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia; giảm dần sự phụ thuộc nhiệt điện than.
Trong lĩnh vực hàng không, Chính phủ đang nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc. Trong năm 2023, bên cạnh các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về dự án sân bay Long Thành và quan tâm, tham gia dự án trong vai trò là nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.
Các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các vấn đề liên quan đến visa, giấy phép lao động… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên USABC tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và doanh nghiệp của USABC có thế mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, góp phần giúp doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, phối hợp với Việt Nam trong nghiên cứu, xây dựng chính sách để có thể tiếp cận và thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia của Mỹ theo hướng thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao; tạo điều kiện để các tập đoàn xây dựng các trung tâm R&D, vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại…
Tăng cường hợp tác, mua sắm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Mỹ nhằm cải thiện cán cân thương mại, đồng thời mong muốn Mỹ có chính sách phù hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới thương mại và đầu tư giữa hai bên một cách thỏa đáng", Thủ tướng nêu.
Ninh Thuận thành lập 3 tổ công tác kiểm tra các dự án đầu tư
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, 3 tổ công tác lần lượt do các Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận làm tổ trưởng gồm Tổ Công tác kiểm tra các dự án lĩnh vực dịch vụ du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục thể thao (ông Nguyễn Long Biên); Tổ Công tác kiểm tra các dự án lĩnh vực đô thị, công nghiệp, năng lượng, chợ và nghĩa trang (ông Phan Tấn Cảnh); Tổ Công tác kiểm tra các dự án lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sản (ông Lê Huyền).
Về nhiệm vụ, tổ công tác có trách nhiệm định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra tình hình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành dự án.
Ngoài ra, các thành viên tổ công tác có trách nhiệm chủ động nắm bắt, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo quy định…
Theo ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, đơn vị này đã tham mưu UBND tỉnh về thành lập các tổ công tác để kiểm tra các dự án trên địa bàn vào ngày 1/3/2023 (tại Công văn số 661).
Đà Nẵng chuẩn bị khánh thành nhà máy nước trị giá 1.170 tỷ đồng
Thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình Nhà máy nước Hòa Liên nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2023).
Dự án Nhà máy nước Hòa Liên được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: đập dâng, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô và nhà máy xử lý. Dự án do Liên danh Công ty CP xây dựng số 5 - Công ty CP Sông Đà 9 - Công ty CP nước và xây dựng Đường Thành - Viện Thủy Công thiết kế và thi công.
Dự án có công suất 120.000 m3/ngày, khi đưa vào sử dụng sẽ cung cấp, bổ sung nguồn nước sạch đang còn thiếu hụt cho các nhu cầu dùng nước của thành phố, phạm vi phục vụ là khu vực Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và huyện Hòa Vang, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo đời sống dân sinh và phát triển mở rộng thành phố.
Trước đó, Thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương giao tài sản Nhà máy nước Hòa Liên cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng quản lý, vận hành Nhà máy nước Hòa Liên.
Theo ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, trên cơ sở các ý kiến của cơ quan liên quan về phương án giao tài sản Nhà máy nước Hòa Liên, đơn vị đã xây dựng dự thảo quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo quy định.
Cụ thể, đối tượng giao là Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng.
Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được giao theo hình thức ghi tăng tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập. Việc giao tài sản này phù hợp với quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP và Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 của HĐND thành phố.
Giá trị tài sản giao là giá trị dự toán được thống kê theo quy định (sẽ được rà soát, điều chỉnh sau khi các bên ký biên bản bàn giao và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Dự ánhoàn thành).
Ngoài ra, các phương thức khai thác cụ thể chỉ được quyết định sau khi UBND thành phố phê duyệt phương án giao tài sản cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị.
Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu lên 7.458 tỷ đồng
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có Tờ trình số 99/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Cụ thể, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 lên 7.458 tỷ đồng, trong đó Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản là 3.640 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản là 3.818 tỷ đồng.
Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Như vậy toàn bộ chi phát sinh tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 nằm ở Dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư. Cụ thể, Dự án thành phần 2 được kiến nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.246 tỷ đồng lên 3.818 tỷ đồng (tăng 1.572 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 2 là do tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi số liệu giải phóng mặt bằng là dự kiến trên bản đồ, bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi diện tính đất nông nghiệp tăng, đất ở tăng do được tính chính xác theo hồ sơ khảo sát, thiết kế và phối hợp với địa phương rà soát diện tích từng loại đất, cây cối, vật kiến trúc.
Bên cạnh đó, tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tạm tính theo Quyết định ban hành giá đất, giá cây trồng và kiến trúc do tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp ban hành; bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tính theo đơn giá đất cụ thể tại thời điểm lập dự án do các địa phương phối hợp cung cấp sau khi tiến hành khảo sát giá đất bồi thường thực tế.
Với hai yếu tố nói trên, chi phí giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2 đã tăng lên từ 398 tỷ đồng lên 1.255 tỷ đồng.
Cũng theo giải thích của UBND tỉnh Tiền Giang, trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, suất đầu tư Dự án thành phần 2 khoảng 158 tỷ đồng/km (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và dự phòng), trong đó: phần tuyến tham khảo theo suất đầu tư của tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và phần cầu tham khảo suất đầu tư theo Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, tại bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chi phí xây dựng được xác định dựa trên khối lượng hồ sơ thiết kế cơ sở (được tính toán chi tiết, cụ thể và phù hợp với quy mô, cấp hạng của tuyến đường, phù hợp với điều kiện địa hình, thủy văn) và đơn giá tại thời điểm lập dự án.
Cụ thể, chiều dài cầu tăng khoảng 419m do phải kéo dài cầu để xử lý nền đất yếu phạm vi đầu cầu và đảm bảo tĩnh không các đường chui dưới cầu; chiều dài đường gom tăng khoảng 5,95km để đảm bảo giao thông trong khu vực theo yêu cầu của các địa phương.
Việc tính suất đầu tư hạng mục nền đường bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khoảng 75,39 tỷ đồng/km (bao gồm cả xử lý nền đất yếu) thấp hơn nhiều so thực tế bước Báo cáo nghiên cứu khả thi là 113,54 tỷ đồng/km (giá trị sau khi hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Cục Quản lý đầu tư xây dựng) do chiều sâu tầng đất yếu lớn và gần như suốt tuyến, đồng thời giá vật liệu tăng do nguồn cung của các vật liệu đáp ứng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đang khan hiếm.
Theo Quyết định số 769/QĐ-TTg, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43 km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km.
Trong giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, có chiều rộng mặt cắt ngang 17 m. Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 5.886 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Khánh Hòa sắp khánh thành nhiều dự án “khủng”
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Hội nghị được tổ chức vào ngày 2/4/2023, với mục đích công bố Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch chung được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định đồng thời xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.
Tại hội nghị này, tỉnh Khánh Hòa sẽ giới thiệu đến các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệptrong nước, quốc tế và các đối tác chiến lược nội dung các quy hoạch quan trọng được phê duyệt, định hướng phát triển của tỉnh và danh mục dự án, lĩnh vực định hướng thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, phổ biến thông tin, trình tự thủ tục đầu tư.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hoàcho biết, Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư là cơ hội để tỉnh giới thiệu về định hướng phát triển đã được cụ thế hóa qua công tác lập quy hoạch qua đó mời gọi nhà đầu tư cùng tham gia phát triển tỉnh Khánh Hòa.
“Tỉnh cũng tập trung thu hút các dự án FDI một cách hiệu quả, đặc biệt thu hút vào Khu kinh tế Vân Phong để phát triển kinh tế biển, thông qua các kênh ngoại giao để tiếp cận các nhà đầu tư mới tiềm năng nhằm thu hút các ngành nghề theo định hướng phát triển”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, tại hội nghị sẽ diễn ra lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư; ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại tỉnh.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, trước hội nghị diễn ra, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức khánh thành đối với nhiều Dự án lớn của tỉnh, như: Nhà hát biểu diễn Đó của Dự án Vega City, giai đoạn 1; Đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn với chiều dài khoảng 14,3 km, có tổng vốn hơn 998 tỷ; Bệnh viện Ung bướu tỉnh Khánh Hòa.
Được biết, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích 3,2 ha, trong đó diện tích xây dựng 18.200 m2. Bệnh viện được khởi công xây dựng năm 2017, gồm 7 khối nhà, quy mô 200 giường bệnh, tổng mức đầu tư 560 tỷ đồng.
Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao trong những tháng đầu năm 2023
Theo Báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, tính đến hết ngày 13/3/2023, tổng số vốn thực hiện Dự án đầu tư công đã bố trí theo các Quyết định của UBND Thành phố là 6.516,756 tỷ đồng/tổng số các nguồn vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, HĐND Thành phố giao năm 2023 là 7.875,185 tỷ đồng; giá trị giải ngân là 946,821 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,53%. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân đạt gấp 2,84 lần về giá trị và cao hơn 9,47% về tỷ lệ.
Trong đó, đối với cấp thành phố, kế hoạch vốn giao năm 2023 là 4.749,882 tỷ đồng, giá trị giải ngân 493,780 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,4% kế hoạch vốn. So với cùng kỳ, cao hơn 2,69 lần về giá trị và cao hơn 6,65% về tỷ lệ.
Đối với cấp quận, huyện, kế hoạch vốn giao năm 2023 là 1.766,874 tỷ đồng, giá trị giải ngân 453,041 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25,64% kế hoạch vốn. So với cùng kỳ, cao hơn 3 lần về giá trị và cao hơn 16,83% về tỷ lệ.
Về kết quả giải ngân theo phân cấp quản lý, cấp thành phố có 28 sở, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư 91 dự án, trong đó có 8 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn; 8 chủ đầu tư giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn; 4 chủ đầu tư giải ngân từ 10% đến 20% kế hoạch vốn; 8 chủ đầu tư giải ngân trên 20%.
Ở cấp quận, huyện, quận Thốt Nốt gải ngân đạt tỷ lệ 42,32%, huyện Cờ Đỏ đạt 38,39%, huyện Thới Lai đạt 27,72%, quận Ninh Kiều đạt 25,01%, quận Ô Môn đạt 24,83%, huyện Vĩnh Thạnh đạt 20,63%, quận Bình Thủy đạt 20,28%, quận Cái Răng đạt 13,6% và huyện Phong Điền đạt 9,35%.
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2023 của Thành phố cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, theo UBND TP. Cần Thơ, việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, khả năng huy động nguồn vốn đầu tư công năm 2023 chưa đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư. Nhiều dự án tăng chi phí giải phóng mặt bằng, phải thực hiện điều chỉnh chủ trương/dự án đầu tư. Từ đó, khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn bố trí cho dự án.
Giá vật liệu xây dựng tăng nhanh và có lúc khan hiếm nên việc huy động nguồn vốn cũng như vật tư của nhà thầu có lúc gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Vận động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư theo các hình thức đối tác công tư còn khó khăn; việc tạo vốn đầu tư từ quỹ đất chuyển biến chậm.
Công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thiếu nền tái định cư, biến động giá đất của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tính chủ động, kiên quyết trong giải quyết các trường hợp vi phạm tiến độ thi công của các chủ đầu tư chưa thật sự tạo tính răn đe đối với các nhà thầu.
Để đảm bảo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 theo kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ tưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân của đơn vị mình trước Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các đơn vị kịp thời phản ánh, gửi các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, thì tham mưu đề xuất trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.