Sáp nhập tạo ra một trung tâm kinh tế - đô thị mới có sức cạnh tranh mạnh mẽ

TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trình Chính phủ. Theo lộ trình, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/9 và TP. Hồ Chí Minh mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/9.

Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành "siêu đô thị" của cả nước

Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành "siêu đô thị" của cả nước

Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X đã chính thức thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất ba địa phương: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới vẫn mang tên TP. Hồ Chí Minh, trở thành siêu đô thị của vùng Đông Nam Bộ. Trung tâm chính trị - hành chính của Thành phố sau sáp nhập sẽ đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hai trung tâm hành chính phụ sẽ được duy trì tại địa điểm hiện hữu của hai tỉnh còn lại hiện nay.

Theo đánh giá, việc sáp nhập sẽ tạo ra một trung tâm kinh tế - đô thị mới có sức cạnh tranh mạnh mẽ, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, địa lý và cơ sở hạ tầng của ba địa phương.

Vị trí liền kề và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa ba địa phương giúp việc quy hoạch không gian kinh tế, đô thị thuận lợi và hiệu quả hơn. Quỹ đất mở rộng tạo điều kiện cho các chiến lược giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng các khu đô thị mới hiện đại. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dự kiến được đồng bộ hóa, đặc biệt là hệ thống đường bộ, đường thủy và cảng biển, sẽ tăng cường khả năng liên kết vùng và nâng cao năng lực logistics.

Trước vấn đề này, bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP. Hồ Chí Minh phân tích, để quá trình sáp nhập hành chính đạt hiệu quả bền vững và tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất đô thị, cần đồng bộ giải quyết bốn yếu tố chính.

Trước tiên là thủ tục hành chính và đất đai để rà soát và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hành chính và đất đai.

Thứ hai là quy hoạch tổng thể thông qua việc xây dựng quy hoạch thống nhất cho cả đất đai và cơ sở hạ tầng.

Thứ ba là cơ chế tài chính đến từ việc thiết lập cơ chế giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả cho hạ tầng.

Cuối cùng là có một chiến lược phát triển chung rõ ràng.

“Việc quy hoạch trên một diện tích đất lớn hơn sau sáp nhập sẽ tạo dư địa để đưa ra các quyết định quy hoạch mới, định hình hạ tầng và các khu dân cư trong tương lai. Điều này giúp giải quyết bài toán giãn dân, khơi thông nguồn cung nhà ở mới. Tuy nhiên, các khu vực này cần đảm bảo khả năng tiếp cận tốt đến trung tâm thành phố để thu hút người dân có nhu cầu ở thực sự di dời. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng mới và thu hút nhà đầu tư vào các khu vực này”, vị chuyên gia nói thêm.

Xét về thế mạnh riêng của từng khu vực, các chuyên gia nhận định TP. Hồ Chí Minh hiện là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ lưu trú và nhà ở với dân số lớn nhất. Tuy nhiên, hạ tầng tại đây đang chịu áp lực lớn do sự tập trung hóa cao, dẫn đến tình trạng giao thông ngày càng tắc nghẽn. Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp, đồng thời tốc độ đô thị hóa cao. Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về cả du lịch và công nghiệp.

“Việc sáp nhập ba khu vực này sẽ tạo ra một vùng kinh tế lớn mạnh, đa dạng các lĩnh vực như công nghiệp, nhà ở, thương mại dịch vụ và du lịch. Để phát huy hết tiềm năng này, việc triển khai chiến lược quy hoạch đồng bộ và thủ tục hành chính hiệu quả là vô cùng quan trọng”, chuyên gia Savills nói.

Hiện tại, kết nối hạ tầng giữa TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều hạn chế. Mặc dù có các tuyến quốc lộ chính và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (sắp tới là TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một; Biên Hòa - Vũng Tàu), nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt tại các nút giao quan trọng như vòng xoay An Phú và có nguy cơ lan rộng ra các khu vực lân cận như Long Thành.

Việc hoàn thiện đúng tiến độ các tuyến hạ tầng trọng điểm như vành đai 3, các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một; Biên Hòa - Vũng Tàu là rất quan trọng để giảm tải hạ tầng hiện hữu và khai thông các khu vực vùng ven đang chờ đợi hạ tầng để bứt phá. Ngoài ra, trong tương lai, cần có những quy hoạch hạ tầng mới, đặc biệt là các giải pháp kết nối hiệu quả hơn giữa TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như các khu vực lân cận khác như Đồng Nai.

Tuyết Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sap-nhap-tao-ra-mot-trung-tam-kinh-te-do-thi-moi-co-suc-canh-tranh-manh-me-163857.html