Sáp nhập tỉnh, xã: Rất khó chọn ai làm trưởng, ai làm phó
Khi 2-3 tỉnh sáp nhập lại còn 1 tỉnh, 3-4 xã nhập lại còn 1 xã thì số lượng người đứng đầu hiện nay sẽ dôi ra vì chỉ được chọn 1. Chọn ai để đúng vị trí chức năng, đúng vị trí làm việc, đúng sở trường… là cực kỳ quan trọng.
Trong cuộc thảo luận tại Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói: “Sáp nhập thì dễ nhưng chọn cán bộ mới khó”.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng việc bố trí cán bộ "sẽ khiến nhiều người tâm tư".

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) Ảnh: Hoàng Hà
Trưởng thành phó, phó thành chuyên viên
Chia sẻ với PV VietNamNet, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận chủ trương sáp nhập tỉnh, thành, sắp xếp lại cấp xã đã được nhân dân cả nước ủng hộ. Tuy nhiên, việc này sẽ làm dôi dư ra một lượng nhân sự không nhỏ.
“Đó là một vấn đề rất lớn mà tới đây, cấp thẩm quyền và các cơ quan quản lý nhà nước phải có sự tính toán kỹ càng, khách quan, công tâm, vô tư để chọn được người có đức, có tài, có trách nhiệm với dân, bố trí vào những vị trí cần thiết. Khi mà trưởng phòng có thể xuống phó phòng, phó phòng có thể xuống làm chuyên viên thì không ít cán bộ sẽ có tâm tư” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, khi 2-3 tỉnh nhập lại còn 1 tỉnh, 3-4 xã nhập lại còn 1 xã thì số lượng người đứng đầu hiện nay sẽ dôi ra. Người đứng đầu thì chỉ được chọn 1.
"Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội - nhập thì dễ rồi, nhưng sắp xếp, bố trí con người thì khó. Chọn ai để đúng vị trí chức năng, đúng vị trí làm việc, đúng sở trường… là cực kỳ quan trọng. Cho nên, tôi nghĩ cấp thẩm quyền phải bàn bạc, thảo luận rất kỹ, chọn ai làm cấp trưởng, ai làm cấp phó. Việc này phải để làm sao khi bố trí, guồng máy hoạt động có hiệu quả, có năng lực và trách nhiệm với dân trên tinh thần gần dân, sát dân, hạn chế tình trạng tâm tư" - ông Hòa chia sẻ.
Ngoài ra, với nhiều cán bộ, công chức, việc di chuyển đến trung tâm hành chính mới sẽ xa hơn sau khi sáp nhập tỉnh, thành. Vì những vấn đề trên, theo vị đại biểu Quốc hội này, việc ổn định tư tưởng cho anh em cán bộ là cực kỳ quan trọng, cần cấp thẩm quyền quan tâm.
Tuyển người tài phải có tiêu chí, không đại trà
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cán bộ, công chức cấp xã sẽ không được tuyển dụng theo phương án tiếp nhận, mà phải thi tuyển hoặc xét tuyển.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết ông ủng hộ phương án thi tuyển hơn xét tuyển.
“Xét tuyển có thể có khả năng không công bằng, nên tôi rất ủng hộ thi tuyển vào các vị trí việc làm, kể cả các chức danh lãnh đạo như cấp phòng, cấp sở. Thực ra trước đây, chúng ta từng tổ chức thi tuyển rồi sau đó bỏ, chỉ xét tuyển và bổ nhiệm thông qua ý kiến của cấp thẩm quyền.
Tôi nghĩ, sau sáp nhập, cần tổ chức thi tuyển vào các chức danh. Việc này rất cần thiết để tạo ra một sự công bằng, hợp lý và chọn được người người có kinh nghiệm, năng lực và đạo đức.
Theo ông Hòa, cần đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn với người đăng ký thi tuyển, ai đạt mới được tham gia thi. Dù là 1, 2 hay nhiều người đăng ký thì vẫn nên tổ chức thi để chọn được người có tài có đức.
Về nội dung bài thi, ông cho rằng cần kiểm tra kiến thức chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, có bằng cấp phù hợp chuyên môn, ví dụ như cán bộ tư pháp thì phải có bằng luật…
Ngoài ra, nếu tuyển cán bộ, công chức thì phải có kinh nghiệm, “không phải tập sự hay chờ thời gian thử thách gì cả”.
Về chính sách tuyển người tài năng, ông Hòa góp ý dự thảo phải "giải thích từ ngữ ai là người tài năng, phải đề ra tiêu chí về người tài năng, ví dụ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, có học hàm, học vị nào đó…".
“Bởi vì nếu là người cũ, mình còn có thể đánh giá được về chuyên môn, đạo đức, lối sống. Tuyển người mới hoàn toàn, mình chưa biết họ là ai nên cần phải đặt ra tiêu chí.
Tôi rất đồng tình với việc tuyển chọn người tài năng vào làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng phải có tiêu chí cụ thể để đảm bảo công bằng, hợp lý, không tuyển đại trà”.
Về chính sách đãi ngộ, theo vị đại biểu của Đồng Tháp, cũng phải có quy định và phải vượt trội so với cán bộ công chức thông thường đang được hưởng. Có làm được vậy thì mới thu hút được nhân tài.
"Nếu chỉ lương thôi thì không đủ, người tài năng còn phải được tạo điều kiện về nhà ở, phương tiện, các phụ cấp khác kèm theo... Họ phải đảm bảo được cuộc sống, chăm lo được cho gia đình và phải dư ra thì mới phấn khởi, mới mong muốn vào Nhà nước làm việc. Tôi nghĩ đó là điều kiện cần và đủ” - ông Hòa nêu ý kiến.