Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 1- Định hình không gian để chuyển mình, bứt phá

Những lợi thế về kinh tế, văn hóa, sự liên kết vùng miền… sau khi được hợp nhất tạo lực đẩy để tỉnh Phú Thọ mới chuyển mình, bứt phá.

Một “siêu tỉnh” trung du miền Bắc

Nằm trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chủ trương sáp nhập cấp tỉnh đang bước sang một giai đoạn mới: Sâu sắc hơn, chiến lược hơn và mang tính kiến tạo lâu dài. Việc 3 tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ – Hòa Bình được đề xuất sáp nhập thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Phú Thọ là một bước ngoặt lớn trong lịch sử, đánh dấu sự đột phá trong tư duy phát triển mới.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ thông qua Đề án Sắp xếp các tỉnh Phú Thọ với Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Ảnh: Thương - Thanh

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ thông qua Đề án Sắp xếp các tỉnh Phú Thọ với Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Ảnh: Thương - Thanh

Khác với các đợt sáp nhập trước đây nhằm xử lý những đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, dân số ít, lần này, việc tổ chức lại 3 tỉnh đều đã đạt chuẩn, thậm chí có địa phương dẫn đầu cả nước về thu nội địa như Vĩnh Phúc, cho thấy tầm nhìn của Trung ương không chỉ dừng lại ở cải cách bộ máy mà là thiết kế lại không gian phát triển vùng theo hướng tích hợp, linh hoạt, đồng bộ và thông minh.

Trên bản đồ hành chính mới, tỉnh Phú Thọ mới sẽ trở thành một đơn vị hành chính với dân số hơn 4 triệu người, diện tích hơn 9.300 km², kết nối trực tiếp với vùng Thủ đô, vùng Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và tam giác kinh tế phía Bắc. Đây là không gian phát triển mới chưa từng có, mở ra khả năng hợp thành, phát triển đa ngành – đa vùng – đa trụ cột.

Sáp nhập không còn là câu chuyện gộp tên, ghép cơ quan, mà là hành trình tạo ra một “thực thể hành chính mới” – nơi hội tụ nguồn lực, phân bổ hợp lý sức mạnh vùng, đồng thời tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hội nhập toàn diện và cạnh tranh toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng từng nhấn mạnh tại buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV tại trụ sở Chính phủ vào sáng 17/3: “Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế. Đồng thời, cần phải đánh giá lại quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch và định hướng phát triển các tỉnh, thành phố. Sáp nhập không phải chỉ là cho gọn lại để tiết kiệm được tiền chi tiêu, đó là một phần nhưng động lực để phát triển, dư địa để phát triển mới là quan trọng”.

Kiến tạo không gian phát triển mới

Với vị trí, lịch sử, đặc điểm phát triển khác nhau, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình từ lâu đã mang trong mình những đường nét về bức tranh kinh tế rất riêng biệt. Sự sáp nhập sẽ không làm phai nhạt những đặc thù đó, mà ngược lại, sẽ tạo nên một cấu trúc phát triển đa dạng bổ sung, hài hòa, giao thoa và cộng hưởng.

Vĩnh Phúc hiện là trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô. Ảnh: Khánh Linh

Vĩnh Phúc hiện là trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô. Ảnh: Khánh Linh

Vĩnh Phúc hiện là trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, với 17 khu công nghiệp, trong đó có 9 khu công nghiệp hiện đại, hạ tầng đồng bộ đã hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao, có sự hiện diện của các tập đoàn hàng đầu thế giới như: TOYOTA, HONDA, PIAGGIO, SAMSUNG, SUMITOMO… Giai đoạn 2020–2023, tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 8%, thu ngân sách nội địa đạt hơn 40.000 tỷ đồng – đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Hà Nội. Vĩnh Phúc sẽ là “động cơ tăng trưởng” đầu tàu phía Đông tỉnh mới, với trụ cột công nghiệp – đô thị hóa – dịch vụ công nghệ cao.

Phú Thọ - vùng “đất Tổ”, là đầu mối kết nối giữa vùng đồng bằng và vùng núi, có mạng lưới giao thông đồng bộ: Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường sắt xuyên Á, Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, đường Hồ Chí Minh. Phú Thọ là một phần quan trọng của hành lang kinh tế Kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, một trung tâm giao thông quan trọng. Với vai trò là trung tâm hành chính mới, Phú Thọ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế logistics, dịch vụ – thương mại, giáo dục – đào tạo và điều phối phát triển vùng trung tâm.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ của vùng Tây Bắc, là giao điểm giao thông với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và cả phía Nam thông qua hệ thống đường bộ tương đối đồng bộ; việc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội tạo điều kiện cho tỉnh có thể thu hút và tiệm cận được các nguồn vốn đầu tư, khoa học công nghệ và lao động chất lượng cao, đồng thời tác động lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Hòa Bình còn là vùng đất giàu tiềm năng sinh thái và văn hóa bản địa, sẽ là một cực phát triển du lịch – nông nghiệp hữu cơ – năng lượng tái tạo. Với Hồ Hòa Bình, Mai Châu, suối khoáng Kim Bôi, bản Mường cổ… nơi đây sẽ là trung tâm du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng xanh và văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc. Việc đưa Hòa Bình vào không gian tỉnh mới còn tạo thêm chiều sâu bản sắc văn hóa, đắp đổi cho sự hiện đại hóa nhanh chóng ở các đô thị phía Đông.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội: Chủ trương sáp nhập một số tỉnh, thành ở phạm vi toàn quốc để có không gian phát triển, đồng thời, phát huy thế mạnh của các địa phương hợp lại để đảm bảo, đáp ứng không gian phát triển mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ là mở rộng không gian, cụ thể sẽ thấy rõ những lợi thế: Có rừng núi, có thành phố, nông nghiệp, công nghiệp… có sông Hồng, sông Lô, sông Đà… Đặc biệt, Vĩnh Phúc và Phú Thọ từng là 1 tỉnh, có chung nôi văn hóa nên thuận lợi cho phát triển. Phú Thọ là vùng đất Tổ, Vĩnh Phúc là đất Mẫu – ven đô xưa. Hòa Bình có văn hóa Mường đặc sắc. Ở đây là sự kết tinh đặc sắc vùng miền để tạo ra sức mạnh mềm cho tiến trình phát triển.

Tỉnh Phú Thọ mới hội tụ ba trụ cột phát triển: Vĩnh Phúc: Công nghiệp – Đô thị– Công nghệ cao; Phú Thọ: Logistics – Dịch vụ – Trung tâm hành chính – Văn hóa tâm linh; Hòa Bình: Du lịch sinh thái – Nông nghiệp sạch – Năng lượng tái tạo sẽ là bức tranh hoàn hảo với sự bổ sung, giao thoa, cộng hưởng thế mạnh. Khi 3 trụ cột được gắn kết sẽ tạo ra không gian mới cho phát triển liên vùng.

(Còn nữa)

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-nhap-vinh-phuc-phu-tho-hoa-binh-bai-1-dinh-hinh-khong-gian-de-chuyen-minh-but-pha-384543.html