Sắp trình HĐND TP.HCM Nghị quyết về sắp xếp 80 phường

Trong giai đoạn 2023-2030, TP.HCM thực hiện sắp xếp 80 phường, trong đó có 77 phường thuộc diện sắp xếp và ba phường liền kề.

Sở Nội vụ TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP xây dựng nghị quyết của HĐND TP về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM.

Theo đó, giai đoạn 2023-2030, TP.HCM thực hiện sắp xếp 80 phường. Trong đó có 77 phường thuộc diện sắp xếp và ba phường liền kề.

Ngoài ra có 58 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp (57 phường, 1 thị trấn) nhưng TP.HCM đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù (bao gồm 6 phường đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021).

Dự kiến sau sắp xếp 80 phường thì TP.HCM giảm 39 phường.

 Theo đánh giá của Sở Nội vụ, sau khi sắp xếp 80 phường, đời sống người dân sẽ sớm ổn định lại. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, sau khi sắp xếp 80 phường, đời sống người dân sẽ sớm ổn định lại. Ảnh: THUẬN VĂN

Sở Nội vụ nhìn nhận số lượng ĐVHC thuộc diện sắp xếp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2030 là rất lớn, nhất là trong giai đoạn 2023-2025.

Do đó, TP.HCM sẽ tiến hành rà soát xây dựng phương án cho cả hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 thực hiện sắp xếp chung một lần trong giai đoạn hiện nay.

Theo tờ trình của Sở Nội vụ, UBND TP trình HĐND TP thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP là rất cần thiết.

Bởi việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sau khi sắp xếp ĐVHC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Giúp hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương được kết nối đồng bộ, không gian quy hoạch không còn bị chia cắt, manh mún, các vấn đề về môi trường được quan tâm triển khai thực hiện tích cực hơn, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, các thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa, giúp giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó sẽ giảm đáng kể chi phí cho việc chi trả lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng như xây dựng, sửa chữa trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các ĐVHC sau sắp xếp.

Bên cạnh đó còn đảm bảo đúng quy định, yêu cầu về trình tự, thủ tục sắp xếp ĐVHC theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, sau khi sắp xếp, các ĐVHC có liên quan đều đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, giao dịch hành chính của công dân, ổn định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, quản lý của chính quyền, bố trí cán bộ, công chức, viên chức.

“Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP tuy có làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương nên đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới” - Sở Nội vụ khẳng định.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/sap-trinh-hdnd-tphcm-nghi-quyet-ve-sap-xep-80-phuong-post795783.html