Sắp xếp khu phố, ấp ở TP HCM: Nhiều việc cần làm ngay

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình hoạt động của các khu phố, ấp cũng đối diện không ít khó khăn. TP HCM đang có những tính toán để công tác này ngày càng tốt hơn

Từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, sau khi thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, thành phố hiện có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới. Qua đó, nhân sự từ trên 64.000 người đã tinh giản còn gần 43.800 người.

Thuận lợi đan xen khó khăn

Khảo sát trực tiếp từ cơ sở của Ủy ban MTTQ TP HCM, Ủy ban MTTQ các quận, huyện và TP Thủ Đức vừa qua cho thấy cùng với mặt thuận lợi, việc sắp xếp khu phố, ấp mới còn đối diện nhiều khó khăn.

Hội nghị tiếp xúc, lắng nghe công tác triển khai việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức vừa qua là kênh thông tin quan trọng để thành phố có những giải pháp hiệu quả .Ảnh: LÊ VĨNH

Hội nghị tiếp xúc, lắng nghe công tác triển khai việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức vừa qua là kênh thông tin quan trọng để thành phố có những giải pháp hiệu quả .Ảnh: LÊ VĨNH

Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết trong quá trình thực hiện, các địa phương chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố để bảo đảm công tác này được triển khai đồng bộ, chặt chẽ.

Việc sắp xếp có sự hỗ trợ của các đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú và cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn được phân công phụ trách tại các khu phố, ấp. Trưởng khu phố, ấp trực tiếp nắm bắt tình hình của người dân và lắng nghe, giải quyết các khó khăn mà không phải thông qua khâu trung gian là tổ dân phố, tổ nhân dân như trước đây.

Đánh giá từ Ủy ban MTTQ TP HCM cho thấy dù công tác sắp xếp, vận hành còn một số trở ngại nhưng điều đáng quý là những cá nhân trong ban điều hành các khu phố, ấp mới đều nhiệt tình, có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ban điều hành khu phố, ấp mới chủ động xây dựng các group Zalo, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với người dân.

Về trở ngại, theo ông Nghĩa, gồm nhiều vấn đề. Cụ thể, hầu hết khu phố, ấp không có văn phòng; chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung hoặc có điểm sinh hoạt nhưng quy mô chưa bảo đảm; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động còn thiếu.

Ngoài ra, TP HCM vẫn chưa ban hành quy chế hoạt động khu phố, ấp. Một số khu phố, ấp chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hằng tháng theo quy định.

Ủy ban MTTQ TP HCM khảo sát về việc sắp xếp khu phố, ấp .Ảnh: LÊ VĨNH

Ủy ban MTTQ TP HCM khảo sát về việc sắp xếp khu phố, ấp .Ảnh: LÊ VĨNH

"Kinh phí phụ cấp hỗ trợ chưa thật sự hợp lý để thu hút nhân sự tham gia ban điều hành của khu phố. Chức danh có phụ cấp phải san sẻ kinh phí cho những chức danh không có phụ cấp để cùng hoạt động chung cho khu phố" - ông Nghĩa phản ánh.

Ông Nghĩa nhìn nhận mức kinh phí hỗ trợ chưa thật sự tương xứng với chất lượng hoạt động của đội ngũ phụ trách tại khu phố. Ông kiến nghị Sở Tài chính sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/2024 của HĐND TP HCM, quy định mức khoán quỹ phụ cấp, phụ cấp của các chức danh khu phố, ấp căn cứ theo quy mô số hộ dân.

Nhiều trưởng khu phố cũng đã nêu những vấn đề nan giải tại địa phương. Ông Trần Văn Thập - Trưởng khu phố 12, phường 4, quận Tân Bình - cho hay việc phổ biến quy định hay thu các loại phí, các khoản vận động gặp khó khăn khi thiếu lực lượng. Bên cạnh đó, do không có nơi sinh hoạt riêng, khu phố 12 phải mượn sảnh một trường mầm non, trong khi kinh phí hoạt động của khu phố không có phần chi cho mục này.

Theo ông Trần Văn Thuận - Trưởng khu phố 33, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - khu phố này cũng gặp khó khăn tương tự. Ông dẫn chứng ở cấp phường, chủ tịch UBND được cấp phó hỗ trợ, có thêm công chức phụ việc; còn khu phố chỉ có mỗi trưởng khu phố nhận, phổ biến tất cả công văn. Từ đó, ông mong muốn sớm bổ sung chức danh phó khu phố, phó Ban Công tác Mặt trận để giảm áp lực công việc cho trưởng khu phố.

Hướng tới sự hiệu quả

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin sở sẽ kiến nghị UBND thành phố ban hành quy chế hoạt động khu phố, ấp để làm căn cứ cho việc phối hợp triển khai nhiệm vụ tại địa phương. Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng kiến nghị các sở, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho các chức danh ở khu phố, ấp để hoạt động hiệu quả.

Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị liên quan chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn rà soát trụ sở hoạt động của khu phố, ấp để có định hướng hỗ trợ; kiến nghị quy định về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố, ấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thành dự thảo quy chế hoạt động khu phố, ấp mới để trình UBND thành phố, Sở Nội vụ còn rất nhiều việc quan trọng phải làm. Điển hình là việc chuẩn bị cho công tác bầu ban điều hành khu phố, ấp mới sau 6 tháng hoạt động, bởi hiện chỉ có ban điều hành lâm thời.

Ông Võ Văn Hoan giao Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu vấn đề kinh phí cho khu phố, ấp mới hoạt động, cũng như phụ cấp cho nhân sự tham gia ban điều hành khu phố, ấp sao cho hợp lý, hợp tình, thực hiện thống nhất ở tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức.

"Để khu phố, ấp mới hoạt động hiệu quả thật sự thì nhiệm vụ của Sở Nội vụ rất quan trọng. Với vai trò tham mưu cho UBND TP HCM chỉ đạo công tác sắp xếp khu phố, ấp, Sở Nội vụ không chỉ làm tốt những phần việc thuộc đơn vị mình mà còn phải sâu sát, kết nối, giám sát, thấy được những vấn đề của ngành khác trong công tác này để kiến nghị thực hiện cho tốt hơn" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Trước đây, TP HCM thực hiện mô hình gồm 2 cấp dưới phường, xã là khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân. Sau khi sắp xếp lại, tổ dân phố, tổ nhân dân không còn. Để cảm ơn những người tham gia hoạt động ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trước đây, TP HCM sẽ tổ chức tặng quà kèm thư tri ân đến hơn 64.000 cá nhân...

Cơ bản hoàn thành dự thảo quy chế hoạt động

Thông tin thêm về việc xây dựng quy chế hoạt động khu phố, ấp mới, ông Nguyễn Hoàng Hưng, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên - Sở Nội vụ, cho hay trong quá trình xây dựng, đơn vị phải tổ chức lấy ý kiến, thẩm định của các sở, ngành liên quan và địa phương nên thời gian kéo dài.

Thành viên một ban điều hành khu phố ở quận 1 trao đổi công việc.Ảnh: PHAN ANH

Dự thảo quy chế này đã cơ bản hoàn thành. Hôm nay (24-6), Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên sẽ tham mưu dự thảo quy chế hoạt động khu phố, ấp để Sở Nội vụ trình lên UBND TP HCM.

PHAN ANH - LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sap-xep-khu-pho-ap-o-tp-hcm-nhieu-viec-can-lam-ngay-196240623212103093.htm