Sắp xếp tổng cục, giảm đầu mối trung gian
'Đối với những ngành, lĩnh vực nào yêu cầu tập trung thống nhất sẽ duy trì tổng cục, còn những ngành, lĩnh vực nào mà chức năng, nhiệm vụ đã phân cấp về cho địa phương, sẽ tổ chức lại tổng cục, làm sao giảm cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy', đại diện Bộ Nội vụ khẳng định.
Bộ Nội vụ tổ chức họp báo định kỳ chiều 5/11
Giảm 7 sở, 1.440 phòng
Chiều 5/11, trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, khác với trước đây, lần này Thủ tướng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai việc sắp xếp các tổ chức bên trong bộ. Theo ông Nam, cơ cấu Chính phủ khóa XIV đã được đánh giá, báo cáo Quốc hội, trong đó xác định một số tổng cục “đang cần phải xem xét”.
“Việc phân công về quản lý nhà nước đang có sự chuyển đổi. Đối với những ngành, lĩnh vực nào yêu cầu tập trung thống nhất sẽ duy trì tổng cục, còn những ngành, lĩnh vực nào mà chức năng, nhiệm vụ đã phân cấp về cho địa phương, sẽ tổ chức lại tổng cục, làm sao giảm cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy”, ông Nam khẳng định. Cũng theo lãnh đạo Vụ Tổ chức biên chế, giữa các bộ hiện không có sự giao thoa, chồng chéo, nhưng có sự chồng chéo giữa các đơn vị trong bộ. “Khi rà soát, cơ cấu tổ chức bên trong của bộ cũng phải bảo đảm nguyên tắc, một việc chỉ một đầu mối thực hiện”, ông Nam nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, tính đến 30/6/2021, cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh có 1.173 sở, giảm 7 sở; phòng thuộc sở có 7.215 phòng, giảm 1.440 phòng; Chi cục thuộc sở có 907, giảm 208 chi cục; cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện có 8.490 phòng, giảm 451 phòng so với thời điểm 30/6/2017.
Vụ “Tịnh Thất Bồng Lai” có dấu hiệu trục lợi
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) khẳng định, sự việc xảy ra ở “Tịnh Thất Bồng Lai” (huyện Đức Hòa, Long An) có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Theo ông Nguyễn Tiến Trọng, “Tịnh Thất Bồng Lai” sau đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do bà Cao Thị Cúc xây dựng nhà riêng để ở, sau đó tự ý vận chuyển tượng Phật, đồ thờ cúng, biến nơi này thành cơ sở thờ tự bất hợp pháp.
“Chúng tôi đã trao đổi với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhận được khẳng định, tư thất này không phải tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Long An và cơ quan hữu quan xác minh, xử lý vi phạm”, ông Trọng thông tin.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở này có một số sai phạm như sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. UBND xã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bà Cúc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
“Tịnh Thất Bồng Lai” có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cao Thị Cúc xác định sống cùng với mẹ ruột và 2 trẻ nhận nuôi từ năm 2019 tới nay. Nhưng việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật nên UBND xã Hòa Khánh Tây chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi.
UBND huyện Đức Hòa đang tiếp tục làm việc với bà Cúc và những người phụ nữ sống ở đây để làm rõ các nội dung liên quan đến trẻ em. “Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mặc dù bà Cao Thị Cúc khẳng định thờ tượng Phật tại gia không phải sinh hoạt tôn giáo… Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Long An và cơ quan chức năng ở Long An xác minh làm rõ”, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay.
Liên quan việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng đang được trình Quốc hội cho ý kiến, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, để giải quyết tình trạng “chạy khen thưởng”, vừa khen thưởng đã bị kỷ luật, thậm chí ngồi tù, thì cần công khai minh bạch các tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng, quá trình xem xét chuẩn bị thủ tục hồ sơ khen thưởng. Nếu mọi vấn đề đều minh bạch, đối chiếu với tiêu chuẩn đủ ở mức độ nào, trình cấp có thẩm quyền khen ở mức độ đó thì sẽ không có việc “chạy khen thưởng”. Hiện cơ quan soạn thảo đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật - để tiếp thu, giải trình để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan chỉnh lý, bổ sung các điều khoản của luật để có quy định cụ thể hơn.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sap-xep-tong-cuc-giam-dau-moi-trung-gian-post1390824.tpo