Sạt lở, sụt lún diễn biến phức tạp

Những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn các tỉnh Trà Vinh và Long An, tình hình sạt lở, sụt lún diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tại huyện Cần Đước (tỉnh Long An) liên tiếp xuất hiện các vụ sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân. Gia đình ông Bùi Văn Bảy (ngụ ấp 7, xã Phước Đông, huyện Cần Đước) sống ở dọc theo kênh Nước Mặn được hơn 20 năm. Tuy nhiên, nơi đây đã nhiều lần xảy ra sạt lở. Có khi, trong một năm, sàn nhà của ông bị sạt lở 2 - 3 lần. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thuận (ở ấp 7) cho biết, hiện nay, tình hình sạt lở dọc kênh Nước Mặn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Căn nhà của ông đã bị sạt lở một phần xuống sông, diện tích còn lại xuất hiện nhiều vết nứt. Lo cho tính mạng, tài sản của gia đình, ông Thuận và người thân đã về ở chung với người con trai lớn. Hiện tại, gia đình ông có 11 thành viên nhưng phải sống trong căn nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn.

Tại kênh Nước Mặn còn xuất hiện điểm sạt lở tại rạch Ông Bán - tuyến đường giao thông liên ấp 3, 4 của xã. Sạt lở làm sụt lún khoảng 150m; trong đó có một đoạn trên 20m bị sạt lở nghiêm trọng với chiều sâu sụt lún từ 1 - 3m, lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép đường bê tông khoảng 10m. Ông Nguyễn Văn Chương (người dân ấp 3, xã Phước Đông) cho hay, rạch Ông Bán có từ lâu. Nhà dân ở đây hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, dòng chảy bị khuyết sâu, tạo ra dòng chảy giữa nước lớn và nước ròng gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, sự bồi đắp không có và sạt lở do nạo khoét sát chân bờ sông quá sâu đã tạo một dòng chảy mạnh làm đất không giữ được mặt nền.

Kênh Nước Mặn dài khoảng 2km, được đào cách đây hơn 100 năm để nối sông Vàm Cỏ với sông Rạch Cát. Mỗi ngày, nơi đây có hàng ngàn lượt tàu, thuyền qua lại. Ban đầu, kênh Nước Mặn chỉ rộng 15m, đến nay đã rộng hơn 150m. Nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở do tác động của dòng chảy trên kênh, phương tiện giao thông có trọng tải lớn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã khiến quá trình sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo lãnh đạo UBND xã Phước Đông, trước đây, kênh Nước Mặn có một bên lở, một bên bồi. Từ khi cây cầu được xây dựng bắc ngang qua kênh Nước Mặn, dòng nước chảy xiết và thuyền qua lại nhiều làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở khu vực xã Phước Đông. Hiện nay, khu vực kênh Nước Mặn có khoảng 14 hộ chịu ảnh hưởng; trong đó có một căn nhà bị sập hoàn toàn và nhiều nhà dân bị rạn nứt.

Theo ông Nguyễn Quang Tuyền - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông, hiện, địa phương có nhiều điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở; trong đó, điểm sạt lở tại kênh Nước Mặn và rạch Ông Bán cần phải khắc phục khẩn cấp. Tuy nhiên, kinh phí địa phương có hạn, không thể khắc phục ngay. UBND xã đã kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ địa phương xây dựng bờ kè phòng, chống sạt lở, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.

Tương tự, tại khu vực cù lao Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh cũng xảy ra sạt lở đe dọa tính mạng người dân. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Quang Răng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực cù lao Long Trị nói riêng những năm qua diễn ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng. Cù lao Long Trị có tổng chiều dài ven bờ phía Trà Vinh khoảng 4,7km; trong đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng kè chống sạt lở hơn 2km. Đoạn còn lại đang sạt lở khá nghiêm trọng. Nhiều nơi bị ăn sâu vào đất liền từ 20 - 30m và gây ngập gần như toàn tuyến trong các đợt triều cường dâng cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Trước diễn biến trên, ngày 11/9, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông khu vực cù lao Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh. Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

UBND TP Trà Vinh cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết chủ động phòng, tránh. Thành phố bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi sự cố sạt lở uy hiếp an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Trà Vinh theo dõi diễn biến, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố sạt lở; thường xuyên cập nhật, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời. Cùng với đó, tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý sự cố sạt lở.

T.K

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sat-lo-sut-lun-dien-bien-phuc-tap-5728098.html