Sâu đầu đen hại dừa xuất hiện trở lại ở Bến Tre

Sau thời gian tạm lắng, hiện nay, tình trạng sâu đầu đen gây hại dừa xuất hiện trở lại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre và phát tán khá nhanh, gây lo lắng cho nhà vườn trồng dừa ở địa phương.

Sâu đầu đen ăn lá già, lá non và cả vỏ trái dừa khiến cây suy kiệt. Ảnh tư liệu: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Sâu đầu đen ăn lá già, lá non và cả vỏ trái dừa khiến cây suy kiệt. Ảnh tư liệu: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, điều kiện nắng nóng vào đầu năm 2024 là điều kiện thuận lợi cho sâu đầu đen phát triển nhưng bất lợi cho sự phát triển của các loài thiên địch trong tự nhiên, đặc biệt là ong ký sinh. Vì vậy, diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh có tăng lên trong 6 tháng đầu năm, khiến nhiều nông dân lo ngại.

Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, sâu đầu đen hại dừa tại huyện đang diễn biến phức tạp. Hiện huyện có hơn 200 ha vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen; trong đó, có khoảng 10 ha nhiễm nặng. Từ đầu năm đến nay, huyện Thạnh Phú phóng thích gần 10,4 triệu ong ký sinh tại các vườn dừa.

Trong đợt khảo sát mới đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức đề nghị huyện Thạnh Phú tập trung ra quân cao điểm phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, quyết tâm đến hết tháng 7/2024 kiểm soát được tình hình nhiễm sâu đầu đen hại dừa tại huyện, phục hồi một số vườn dừa.

Qua kết quả khảo sát trong tháng 6 năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nhiễm sâu đầu đen hại dừa tại các địa phương đã áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp đã có dấu hiệu phục hồi tốt về sinh trưởng.

Từ đầu năm 2024, công tác nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh được duy trì thực hiện tại 9 điểm, gồm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Giống và Hoa kiểng, các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và Châu Thành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp phối với các địa phương vận động để người nông dân chủ động hơn nữa trong công tác quản lý sâu đầu đen, cần thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện đối tượng sâu hại này và thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp để đảm bảo quản lý hiệu quả phòng trừ. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không phun thuốc bảo vệ thực vật trên các vườn dừa trong vùng đã thả ong ký sinh nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên để công tác phòng trừ đạt hiệu quả cao và bền vững.

Tỉnh tăng cường công tác nhân nuôi ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen đảm bảo phóng thích hiệu quả trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh; điều chuyển nguồn ong ký sinh giữa các địa phương để đảm bảo công tác phòng trừ chung. Ngành chức năng tỉnh tiếp tục phối hợp với các Viện, Trường thực hiện các nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn biện pháp quản lý sâu đầu đen đặc biệt là biện pháp sinh học.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, sâu đầu đen là đối tượng sâu hại nghiêm trọng trên cây dừa. Thời gian qua, UBND tỉnh rất quan tâm và đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nhanh chóng phối hợp với các Viện, Trường thực hiện nhiều nghiên cứu, đề tài để đưa vào ứng dụng thực tế trong công tác phòng trừ sâu đầu đen tại các vườn dừa trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2022, việc áp dụng biện pháp quản lý phòng trừ tổng hợp sâu đầu đen đã được xây dựng để áp dụng và đạt hiệu quả cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thực tế cho thấy, công tác phòng trừ chỉ đạt hiệu quả cao khi áp dụng trình tự và đồng bộ các biện pháp tổng hợp: trước tiên là biện pháp thủ công (cắt tỉa tàu lá bị nhiễm sâu đem tiêu hủy để giảm mật số sâu và tạo điều kiện xử lý thuốc hiệu quả); kế đó là biện pháp hóa học (phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách theo khuyến cáo để diệt sâu) và cuối cùng là biện pháp sinh học (nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để diệt nhộng và sâu tuổi lớn). Trong đó, biện pháp sinh học giữ vai trò rất quan trọng vì giúp cân bằng hệ sinh thái trên vườn dừa, hạn chế tình trạng tái phát dịch hại, quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ dừa.

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả của biện pháp phòng trừ sâu đầu đen cần phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, cán bộ địa phương và ngành chuyên môn, nhất là nông dân phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng trị kịp thời theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh hơn 400 ha. Đến nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen của tỉnh hơn 2.769 ha; trong đó, diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học hơn 2.274 ha, tỷ lệ 82,1%, diện tích đốn do bị sâu đầu đen gây hại là 93,95 ha. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh phóng thích 109 triệu ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa.

Công Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/sau-dau-den-hai-dua-xuat-hien-tro-lai-o-ben-tre-20240717114034167.htm