Sầu riêng 'hóa đắng': Từng mang về 3,2 tỷ USD bỗng lao dốc

Sau năm 2024 xuất khẩu kỷ lục hơn 3,2 tỷ USD, đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam, sầu riêng bất ngờ 'gặp khó' ngay đầu năm nay.

 Năm 2024, sầu riêng đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả. Ảnh: Pexels.

Năm 2024, sầu riêng đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả. Ảnh: Pexels.

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng 28 lần chỉ trong 5 năm, từ mức khiêm tốn 116 triệu USD của năm 2020 đến kỷ lục 3,21 tỷ USD năm 2024.

Kim ngạch năm vừa qua cũng tăng gấp 8 lần so với năm 2022, thời điểm loại trái cây này lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhờ đó, sầu riêng trở thành mặt hàng chủ lực, đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

"Ngôi sao" trên bản đồ xuất khẩu nông sản

Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính, chiếm khoảng 91% tổng kim ngạch, tương đương 2,94 tỷ USD, tăng mạnh 49% về lượng và 38% về giá trị so với năm 2023.

Không chỉ sầu riêng tươi, từ tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã "mở cửa" cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam.

Xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường khác cũng tăng mạnh trong năm vừa qua như Thái Lan (+80%, đạt 189 triệu USD); Hong Kong (+17%, đạt 25 triệu USD); Papua New Guinea (+283%); Đài Loan (+24%); Nhật Bản (+91%); Hàn Quốc (+19%); Australia (35%)...

Hiện sầu riêng tươi chiếm 93% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam, còn lại chủ yếu là hàng đông lạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn xuất khẩu sầu riêng chế biến ở dạng sấy khô, xay nhuyễn, tuy nhiên giá trị thấp.

Song hành với sự tăng trưởng xuất khẩu, sản lượng sầu riêng trong nước cũng không ngừng mở rộng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng cả nước đạt 151.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Đặc biệt, Đắk Lắk với khoảng 34.000-35.000 ha sầu riêng, hiện là địa phương có diện tích trồng lớn nhất cả nước.

"Sóng gió" sang Trung Quốc

Tuy nhiên, sau hai năm bùng nổ, sầu riêng Việt Nam bất ngờ đối mặt với thử thách chưa từng có ngay khi bước sang năm 2025.

Thị trường lớn nhất - Trung Quốc - đột ngột siết chặt quy định kiểm định an toàn thực phẩm, yêu cầu tất cả lô hàng nhập khẩu phải có chứng nhận không chứa chất vàng O (Auramine O) và cadimi.

Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện dư lượng chất vàng O trong một số lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vào cuối năm 2024.

Chất vàng O là một phẩm nhuộm công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm do có khả năng gây ung thư. Trước lo ngại này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã lập tức áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn, yêu cầu mọi lô hàng trái cây xuất khẩu sang nước này phải có kết quả phân tích hoạt chất từ các phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận.

Hệ quả là hàng trăm container sầu riêng Việt Nam ùn tắc tại cửa khẩu, gây tổn thất nghiêm trọng cho doanh nghiệp và nông dân. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật khẩn trương đàm phán với phía Trung Quốc để công nhận các phòng kiểm nghiệm trong nước.

Đến ngày 26/1, đã có 9 phòng kiểm nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau được Trung Quốc chấp thuận. Tuy nhiên, con số này vẫn quá ít so với nhu cầu kiểm định thực tế, khiến tiến độ xuất khẩu chưa đạt kỳ vọng.

 Sầu riêng hiện vẫn được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành rau quả trong năm 2025. Ảnh: Hoàng Giám.

Sầu riêng hiện vẫn được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành rau quả trong năm 2025. Ảnh: Hoàng Giám.

Thực tế, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc từ đầu năm đến giữa tháng 2 chỉ đạt 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, từ đầu tháng 2 đến nay, chỉ có 25 xe hàng sầu riêng được thông quan, bằng 5-10% so với năm 2024. Tại cửa khẩu Tân Thanh, con số này còn khiêm tốn hơn khi chỉ có 17 xe hàng được xuất khẩu từ đầu năm đến nay.

Sự đình trệ xuất khẩu lập tức kéo theo tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước, đẩy giá sầu riêng rớt xuống mức thấp kỷ lục. Dù đang nghịch vụ, giá thu mua sầu riêng Ri6 chỉ dao động từ 45.000 đến 65.000 đồng mỗi kg, giảm tới 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, giá sầu riêng chính vụ sắp tới có thể còn giảm sâu hơn nữa, bởi thị trường nội địa không thể hấp thụ hết lượng hàng tồn đọng, trong bối cảnh vùng trồng liên tục được mở rộng những năm qua.

Dù vậy, trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đánh giá sầu riêng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành rau quả năm nay. Đơn vị dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3,6-3,8 tỷ USD, tăng 13-15% so với năm 2024.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-rieng-hoa-dang-tung-mang-ve-3-2-ty-usd-bong-lao-doc-post1533041.html