Cần làm rõ nội thành khi đề nghị tăng mức phạt hành chính ở các TP trực thuộc Trung ương

Có đại biểu đề nghị mở rộng tăng mức phạt vi phạm hành chính tối đa một số lĩnh vực ở tất cả các đô thị trên cả nước, chứ không chỉ với 6 TP lớn để tạo tính răn đe, tuy nhiên một số đại biểu khác đề nghị cân nhắc, chưa nên áp dụng trong thời điểm này.

Chiều 16-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"

Góp ý về thẩm quyền xử phạt, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cho rằng luật hiện hành quy định rất cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp bộ máy, các chức danh quy định trong luật đã có những thay đổi căn bản. Do đó, cùng với yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, linh hoạt trong quá trình thực hiện, dự thảo luật đã có những điều chỉnh theo hướng quy định khái quát các hệ chức danh có thẩm quyền xử phạt và giao Chính phủ quy định chi tiết.

 Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM). Ảnh: XĐ

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM). Ảnh: XĐ

Ông Hiển cũng cho biết thời gian tới không còn cơ quan thanh tra ở cấp bộ và thay việc thực hiện thanh tra, các Bộ sẽ thực hiện kiểm tra trong các lĩnh vực chuyên ngành do mình quản lý. Do đó, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, luật dự kiến giao thủ trưởng các cơ quan môn thuộc Bộ, ngành Trung ương, thậm chí Chánh văn phòng các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt.

Đây là nội dung mới, trong khi hành lang pháp lý cho việc thực hiện kiểm tra chưa đầy đủ, mỗi cơ quan thực hiện theo các trình tự, thủ tục khác nhau, nay lại gắn thêm thẩm quyền xử phạt hành chính nên rất cần có những quy định chung của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý để việc triển khai đi vào nề nếp, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”.

Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức quán triệt, tập huấn hướng dẫn về nghiệp vụ, quy trình, trình tự, thủ tục kiểm tra cũng như việc xử phạt hành chính cho các chức danh này bảo đảm phát huy hiệu quả.

Tránh tạo khoảng trống pháp lý

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đề nghị cân nhắc việc kéo dài thời gian, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 6). Bởi theo bà, việc điều chỉnh này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước.

“Tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện nay để đảm bảo thống nhất trong quy định pháp luật về thời hiệu và đảm bảo tính công khai, minh bạch đối với đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính” – đại biểu Hạnh nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM). Ảnh: XĐ

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM). Ảnh: XĐ

Đồng ý với đại biểu Đỗ Đức Hiển về sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bà Hạnh cho biết dự luật nêu ra 13 nhóm chức danh có thẩm quyền. “Tuy nhiên, dự luật lại không đề cập đến thẩm quyền đối với từng hành vi” – bà Hạnh nói và cho biết theo giải trình của cơ quan soạn thảo, những nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong nghị định.

“Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ là luật cơ bản, còn xử phạt, thẩm quyền cụ thể ra sao… thì đều nằm trong các nghị định” – bà Hạnh cho rằng điều này dẫn tới có một khối lượng lớn các nghị định sẽ được ban hành sau đó.

“Điều này rất dễ tạo ra những khoảng trống pháp lý về xử phạt” – nữ đại biểu đoàn TP.HCM nêu vấn đề và đề nghị quy định luôn nguyên tắc xác định thẩm quyền các chức danh đó theo tỉ lệ phần trăm của mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả để áp dụng ngay khi có thay đổi, điều chỉnh về tổ chức bộ máy.

Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện khi cho phép các cơ quan quản lý nhà nước được xử phạt vi phạm hành chính; thực hiện các quyết định xử phạt này như thế nào, cơ quan nào thực hiện; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt ra sao… để tránh những khoảng trống pháp lý.

Cân nhắc áp dụng mức phạt cao hơn ở 6 TP lớn

Một nội dung khác là dự luật đề xuất quy định mức xử phạt cao hơn với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội và khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, nội dung này đã được quy định trong Luật Thủ đô 2024. Dự luật hiện đang sửa theo hướng mở ra không chỉ cho Hà Nội mà còn áp dụng cho nội thành các TP khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…

“Tuy nhiên, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì khái niệm nội thành rất khó xác định. Chẳng hạn, khi TP.HCM sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương thì xác định khu vực nội thành như thế nào?” – ông Hiển đặt vấn đề và đề nghị cơ quan chủ trì cân nhắc nội dung này.

Từ đó, ông đề xuất nội dung này chỉ áp dụng cho Hà Nội, không mở rộng thêm các khu vực nội thành các TP còn lại và thời gian tới, sau khi tổ chức bộ máy ổn định sẽ rà soát chặt chẽ, có quy định cụ thể nội dung này. Như vậy sẽ phù hợp hơn.

 Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa). Ảnh: QH

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa). Ảnh: QH

Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đề nghị mở rộng tăng mức phạt tối đa một số lĩnh vực ở tất cả các đô thị trên cả nước. Theo ông Trí, tình trạng và mức độ vi phạm về văn hóa, quảng cáo, lấn chiếm xây dựng trái phép, PCCC, nhất an toàn thực phẩm ngày càng phổ biến, nghiêm trọng hơn.

“Mức phạt hiện hành chưa đảm bảo răn đe, ngăn chặn vi phạm” – ông Trí đánh giá và cho rằng trong tương lai, có thể tăng mức phạt mạnh hơn nữa, như thế mới nâng cao nhận thức của người dân, phải đưa vào trật tự.

Đại biểu cũng chia sẻ cuộc sống ngày càng không an lành trên nhiều lĩnh vực, từ không khí, thông tin, đến thức ăn hàng ngày, ý thức môi trường công cộng, văn hóa ứng xử.... Do vậy, cần răn đe để tạo ra nếp sống văn minh.

Nhiều nơi gặp khó trong xử lý tang vật vi phạm

Tôi đồng tình với việc bổ sung quy định về những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ như trong dự luật. Điều này sẽ giúp khắc phục những vướng mắc, bất cập mà các cơ quan chức năng gặp trong thời gian vừa qua.

Bởi thực tiễn, những tang vật vi phạm bị tạm giữ để xử lý hành chính phải lưu giữ trong thời gian khá dài, nhiều trường hợp không xác định chủ sở hữu… trong khi kho bãi, điều kiện bảo quản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương Hà Nội, TP.HCM.

Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện quy định về quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, việc xử lý với những tài sản này cần được thực hiện theo quy trình, trình tự, thủ tục chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát.

Đại biểu ĐỖ ĐỨC HIỂN

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-sap-nhap-tinh-chua-ro-tieu-chi-de-xac-dinh-noi-thanh-o-cac-tp-lon-post850161.html