Sẽ có Nghị quyết về cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Dự kiến, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân sẽ được thông qua vào ngày 17/5.
Thảo luận tại phiên họp chiều 14/5 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội sẽ cố gắng thông qua Nghị quyết vào ngày 17/5
Đại diện Bộ Tài chính báo cáo Dự thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 07 Chương và 17 Điều, trong đó Quy định chung liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm; Hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất. Nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là nội dung hết sức cấp bách, ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Ngày 14/5, sau 10 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để bàn ban hành Nghị quyết để thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự án Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trì hai cuộc họp để bàn về các cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ cố gắng để vào khoảng 11h thứ 7, ngày 17/5 thông qua Nghị quyết với 7 chương, 7 điều. Đây là một nghị quyết ngắn gọn, với những đột phá rất mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết chỉ là bước đầu. Tiến tới năm 2026 sẽ xây dựng Luật về kinh tế tư nhân một cách toàn diện hơn. Ngoài ra, khi tiến hành sửa đổi một loạt các Luật trong Kỳ họp tới, những nội dung liên quan đến kinh tế tư nhân sẽ được sửa đổi, bổ sung để đưa vào các Luật về hình sự, dân sự, hành chính, thanh tra, thuế, khoa học công nghệ…
Để dự thảo được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan rà soát các nội dung về hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách là rất quan trọng. Các chính sách về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp… đều đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện. Những nội dung này cần được quan tâm trong sửa Luật Ngân sách nhà nước tới đây.
Đồng thời, phải rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo khả thi trong thực tiễn. Rút kinh nghiệm từ một số chính sách trước đây, như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đạt kết quả rất thấp, không đi vào cuộc sống. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tiêu chí đối tượng cho vay chưa rõ ràng, tâm lý e ngại công tác thanh tra kiểm tra…, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.