Sẽ kiểm tra trên toàn quốc (Bài cuối)

Vi phạm trong thu, quản lý và sử dụng tiền công đức; những con số báo cáo về thu, chi tiền công đức còn gây ra nhiều băn khoăn, nghi hoặc… đó là những câu chuyện đã xảy ra khi cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại một số đền, chùa trên cả nước.

Dâng sao giải hạn, tiền công đức, giọt dầu, tiền thỉnh vong giải nghiệp, tiền lễ… số tiền của hàng chục triệu người dân Việt Nam gửi gắm niềm tin, cũng như mong muốn được hưởng lộc từ đền, chùa phải cần được quản lý minh bạch, công khai đúng quy định.

“Thủ nhang” nợ 3 tỷ đồng

Phủ Tây Hồ, Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút rất đông du khách từ khắp nơi về làm lễ trong những ngày đầu năm cũng như các dịp mùng 1, ngày Rằm hàng tháng. Chỉ tính riêng trong những ngày đầu năm, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách thập phương tấp nập đổ về đây.

Trong những ngày đầu năm 2024, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Tiến Hồi, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ về việc quản lý tiền công đức. Ông Trương Tiến Hồi cho biết, tiền công đức sau khi được kiểm đếm đều được Phủ Tây Hồ mang đến ngân hàng gửi theo đúng quy định. Hàng tháng, Tiểu ban đều có báo cáo về việc thu, quản lý và sử dụng tiền công đức đến UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo ông Trương Tiến Hồi, việc thu, chi tiền công đức đều được Phủ Tây Hồ thực hiện rất minh bạch, công khai. Trong năm 2023, Phủ Tây Hồ thu được khoảng 10 tỷ đồng tiền công đức, trong đó chi khoảng hết 6 tỷ đồng. Các khoản chi của tiền công đức như tiền mua bánh khảo, bật lửa làm lộc cho khách công đức tại Phủ; tiền ủng hộ từ thiện, tiền sửa chữa, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh… Vào tháng 3 hàng năm, Phủ tổ chức lễ Giỗ Mẹ với 1.000 mâm cỗ mặn, chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Tất cả các khoản chi này đều có hóa đơn, biên nhận rõ ràng. Hiện nay, số tiền công đức tại Phủ Tây Hồ đang gửi ngân hàng là khoảng 20 tỷ đồng.

Du khách thập phương lễ Phật, công đức, giọt dầu tại Phủ Tây Hồ. Ảnh : CTV

Du khách thập phương lễ Phật, công đức, giọt dầu tại Phủ Tây Hồ. Ảnh : CTV

Trong khi Phủ Tây Hồ là một trong những di tích thực hiện việc quản lý thu, chi tiền công đức khá minh bạch, công khai thì tại không ít đền chùa, khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện những vi phạm. Như tại Đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - một địa điểm cũng thu hút hàng nghìn người đến làm lễ vào mỗi dịp lễ, tết. Trước những lùm xùm, bức xúc về việc quản lý tiền công đức tại Đền Chợ Củi từ phía dư luận, trong năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thanh tra và kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý tiền công đức tại đây.

Theo kết luận thanh tra, Ban Quản lý di tích Đền Chợ Củi đã không trực tiếp tham gia giám sát, kiểm kê nguồn thu công đức, không có quy chế phân cấp rõ ràng cụ thể về nguồn thu chi mà giao hoàn toàn cho gia đình “Thủ nhang” thực hiện dẫn đến nhiều vi phạm đối với tiền công đức. Từ năm 2015 đến năm 2022, UBND huyện Nghi Xuân giao mức khoán thu đối với hộ Thủ nhang Đền chợ Củi là 2,5 tỉ đồng/năm… Gia đình “Thủ nhang” chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức, không lập sổ ghi chép rõ ràng, không công khai minh bạch các khoản thu, chi theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm thanh tra, hộ “Thủ nhang” vẫn còn nợ số tiền 3 tỉ đồng chưa thanh toán cho UBND huyện Nghi Xuân.

Cũng trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023. Kết quả, tổng số thu năm 2022 là 70,8 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), tổng số chi 54,4 tỉ đồng. Bốn tháng đầu năm 2023 tổng số thu 61 tỉ đồng, tổng số chi 29,4 tỉ đồng. Số liệu này được tổng hợp từ báo cáo của 221/450 di tích lịch sử - văn hóa thuộc diện cần kiểm tra (khoảng 47%). Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh, khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Thế nhưng theo Bộ Tài chính, số thu tiền công đức năm 2022 chỉ 3,7 tỉ đồng dường như không hợp lý, vì nó chỉ tương đương số thu tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỉ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỉ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỉ đồng).

“Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử”, báo cáo của Bộ Tài chính viết.

Báo cáo cũng cho hay tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho đoàn kiểm tra. Trong khi đó, theo đánh giá của du khách, các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.

Thu, chi tiền công đức phải báo cáo về Bộ Tài chính trong quý I

Có thể nói, sau rất nhiều lùm xùm xung quanh việc thu chi tiền công đức tại các chùa chiền, lễ hội, di tích…, đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Thông tư số 04).

Theo đó, đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm phân công cho một đơn vị chức năng chủ trì thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội. Đơn vị này có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại kho bạc hoặc ngân hàng để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật.

Khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, trường hợp tiếp nhận tiền mặt, phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận; các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại kho bạc hoặc ngân hàng để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận. Các khoản chi phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định…

Ngay sau khi những vi phạm về quản lý tiền công đức xảy ra tại Đền Chợ Củi, ông Trần Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tổng kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng tiền công đức địa bàn toàn tỉnh đồng thời yêu cầu các đền, chùa… thực hiện việc quản lý tiền công đức theo quy định của Thông tư số 04 của Bộ Tài chính.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết theo quy định, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tổng hợp hoạt động thu chi tiền công đức từ các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh trên địa bàn, báo cáo về Bộ Tài chính trong quý I/2024.

“Vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới hết thời hạn báo cáo theo quy định, hơn nữa, khi Thông tư hướng dẫn có hiệu lực, thì mùa lễ hội năm 2023 đã đi qua và hiện nay, mùa lễ hội năm 2024 đang diễn ra, nên những quy định tại Thông tư sẽ chủ yếu thực hiện vào mùa lễ hội mới này. Đây cũng là yếu tố khách quan, nên cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo từ các địa phương gửi lên”, bà Yến nói.

Mong rằng, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tiền dâng sao giải hạn, tiền công đức, giọt dầu, tiền thỉnh vong giải nghiệp, tiền lễ… của người dân sẽ được quản lý và sử dụng một cách công khai, minh bạch và đúng mục đích.

Hằng Thúy Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/se-kiem-tra-tren-toan-quoc-bai-cuoi--i723782/