Sẽ thông qua Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Đảm bảo trẻ em có môi trường học tập, vui chơi vui vẻ, lành mạnh.

Đảm bảo trẻ em có môi trường học tập, vui chơi vui vẻ, lành mạnh.

Tại buổi họp báo chiều 4/5 về dự kiến Chương trình trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Vũ Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn Quốc hội cho hay, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Ông Vũ Minh Tuấn đề nghị, các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Phó Chủ nhiệm Văn Quốc hội cũng đề nghị, tuyên truyền về các chính sách trong dự thảo Nghị quyết để đạt được các mục tiêu: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non khi thực hiện phổ cập.

 Ông Vũ Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn Quốc hội chia sẻ tại buổi họp báo.

Ông Vũ Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn Quốc hội chia sẻ tại buổi họp báo.

Bộ GD&ĐT cho biết, hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (Trong đó có: 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.

Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn hạn chế. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.

Hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030" trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết và phù hợp với quy định của pháp luật tại Khoản 2, Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết không trái, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các Luật hiện hành.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/se-thong-qua-nghi-quyet-ve-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-mau-giao-tu-3-5-tuoi-post729697.html