Sẽ thu phí cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào tháng 10-2024?
Để tổ chức thu phí tám dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng lên đến hơn 1.400 tỉ đồng.
Liên quan thông tin sẽ thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, trong đó có cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10-2024, một cán bộ Bộ GTVT cho biết, ngày 1-10-2024, việc quy định phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có hiệu lực chứ chưa chính thức thu phí.
Chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng
Được biết trong đánh giá tác động chính sách về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của Bộ GTVT xác định, hiện nay trên các đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí, lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng hoặc chưa được bố trí trong cơ cấu vốn của dự án.
Do vậy, để triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, Nhà nước phải bố trí nguồn vốn ngân sách (nguồn vốn đầu tư công, nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ…) để đầu tư xây dựng hạ tầng trạm, lắp đặt thiết bị, công nghệ thu phí điện tử không dừng.
Ngoài ra, để triển khai thu phí, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc phải lập đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Điều 80 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 44/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tính đến tháng 8-2024, có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý và đang khai thác, trong đó có tám tuyến thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm: Lào Cai – Kim Thành, Hà Nội – Thái Nguyên, TPHCM – Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – QL.45, QL.45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Mỹ Thuận – Cần Thơ và 1 tuyến đang khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III là cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.
Các dự án đường cao tốc này chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đang rà soát lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật tổng thể hệ thống ITS (hệ thống giao thông thông minh-lntelligent Transport System), thu phí ETC (thu phí điện tử không dừng-Electronic Toll Collection) tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Từ đó, thống nhất phương án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống ITS, thu phí ETC trên toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo đồng bộ. Song song đó, rà soát tổng mức đầu tư các dự án thành phần, tổng hợp báo cáo kinh phí và việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc chỉ thực hiện được sau khi đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực thực hiện.
Cần 1.400 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng trạm và thiết bị thu phí
Trên cơ sở quy mô dự án, để tổ chức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với các phương tiện lưu thông trong tám dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đang khai thác thì dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng trạm và thiết bị thu phí hơn 1.400 tỉ đồng.
Cụ thể, các đoạn cao tốc Mai Sơn – QL.45; QL.45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đã Bộ GTVT được phê duyệt đầu tư hệ thống thu phí với tổng giá trị hơn 900 tỉ đồng.
Riêng ba tuyến cao tốc cũ đang khai thác gồm: TP HCM – Trung Lương; Hà Nội – Thái Nguyên; Lào Cai – Kim Thành, sơ bộ khái toán chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống thu phí ETC cho ba tuyến cao tốc này khoảng hơn 500 tỉ đồng.
Chưa kể phần nâng cấp khác để đảm bảo chất lượng đường bộ khai thác thu phí như thảm bảo trì mặt đường và hệ thống an toàn giao thông, chi phí giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm thu phí,...
Ngoài ra, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được thực hiện sau khi đã đảm bảo các điều kiện như: Công trình được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
“Để thu phí các đoạn, tuyến cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác cần phải đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí. Đồng thời, xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ, cần nhiều thời gian nhằm bảo đảm các điều kiện mới có thể thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”, vị cán bộ Bộ GTVT phân tích.
Nguồn PLO: https://plo.vn/se-thu-phi-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-vao-thang-10-2024-post805459.html