Sếp đau đầu khi nhân viên xin nghỉ Tết sớm, về quê cách ly
Mong muốn hỗ trợ nhân viên về quê ăn Tết sớm, nhưng các quản lý vẫn phải đảm bảo hoạt động kinh doanh. Để có người làm, họ đành tìm lao động thời vụ.
Tết Nguyên đán năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát đột ngột, Lê Thu Hiền (quê Nghệ An, nhân viên tại một công ty sản xuất) bị mắc kẹt lại Bình Dương.
Đã 2 năm xa nhà, cô gái 26 tuổi quyết tâm về quê đón Tết. Cô dự định xin công ty cho nghỉ sớm một vài ngày để kịp thời gian cách ly.
Tuy nhiên, công ty nơi Hiền làm việc lại không thể cho phép tất cả nhân viên cùng về sớm như vậy.
Cấp quản lý tạo điều kiện để mọi người ở xa có thể về quê sớm, nhưng số suất đăng ký có hạn nên mỗi bộ phận chỉ có một lượng nhân viên nhất định được đáp ứng nguyện vọng.
“Chỉ được nghỉ 7 ngày nên hết thời gian cách ly vào mùng 6 Tết cũng là lúc tôi phải trở lại làm việc. Tôi muốn xin về sớm nhưng rất khó vì tính chất công việc phải liên lạc trực tiếp với khách hàng. Tôi cũng còn độc thân nên ưu tiên cho các anh chị có gia đình đăng ký”, Hiền bày tỏ cùng Zing.
Cái khó của quản lý
Trên thực tế, không phải tất cả công ty, đơn vị kinh doanh đều có thể cho phép nhân viên của mình nghỉ Tết sớm.
Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều nhân viên dồn ngày phép hoặc xin sự hỗ trợ từ cấp trên để nghỉ Tết đến 2 tuần, thậm chí hàng tháng.
Việc này khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình huống hoạt động trì trệ, thiếu nhân lực mà vẫn phải đảm bảo trả lương cuối tháng.
Đặc biệt, đối với một số ngành dịch vụ như siêu thị, làm đẹp hoặc nhà hàng, quán ăn, nhân viên xin nghỉ Tết dài ngày chính là bài toán rất khó cho cấp quản lý.
Trần Nhàn (35 tuổi, quản lý một spa tại quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết dịp cuối năm là “thời gian vàng” để kinh doanh.
Các cơ sở dịch vụ làm đẹp của cô làm việc hết công suất, tất bật từ đầu tháng 12 âm lịch đến sát ngày Giao thừa.
“Spa của tôi hiện có 15 nhân sự, trong đó 8 bạn là người TP.HCM, còn lại là những bạn ở tỉnh, có 2 bạn ở xa nhất là ở Nghệ An và Quảng Bình. Tôi cũng muốn tạo điều kiện để các bạn về quê sớm, cách ly đón Tết, nhưng quá khó vì tiệm thật sự rất cần người làm. Trong khi đó, việc tuyển nhân sự thời vụ trong thời điểm này là không hề dễ dàng”, Nhàn nói với Zing.
Còn đối với Đỗ Hoàng Anh (27 tuổi, quản lý nhà hàng tại quận 1, quận 5, TP.HCM), tình trạng thiếu nhân lực đợt cuối năm khiến anh rất áp lực, căng thẳng.
Theo anh, càng gần Tết Nguyên đán, càng nhiều nhân viên có nguyện vọng xin về quê sớm để cách ly theo quy định. Trong khi đó, nhà hàng đã “rụng” mất số lượng lớn nhân sự cứng, dày kinh nghiệm từ đợt giãn cách xã hội.
Đây là bài toán khó đối với anh bởi phải cân bằng giữa mong muốn hỗ trợ nhân viên và trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với khách hàng.
“Tôi rất muốn nhân viên của mình được đoàn viên cùng gia đình trong dịp năm mới, bởi họ đã xa nhà và vất vả cả năm rồi. Nhưng làm theo tình cảm, tôi sẽ phải đánh đổi bằng chất lượng dịch vụ. Tôi không còn cách nào khác ngoài việc cố giữ chân người lao động, mong họ cùng sát cánh cùng nhà hàng qua đợt Tết bận rộn”, Hoàng Anh nói.
Giải pháp
Để nhân viên yên tâm, có tinh thần ở lại làm việc, Hoàng Anh quyết định điều chỉnh tăng lương thời điểm cận Tết.
Nam quản lý không tiết lộ mức tăng, tuy nhiên khẳng định “xứng đáng với tình cảm và sự đánh đổi của nhân viên”.
“Câu chuyện thiếu người làm luôn xảy ra vào mỗi dịp Tết, nhưng năm nay trầm trọng hơn do các quy định cách ly phòng dịch. Tôi rất vui khi có nhiều nhân viên đã quyết định ở lại TP.HCM để trực Tết cùng tôi. Ra Tết, tôi sẽ tạo điều kiện để mỗi người về quê thăm gia đình dài ngày”, anh cho biết.
Đó cũng là giải pháp của Trần Nhàn, nữ quản lý tiệm spa. Nhàn cho hay vào mọi năm, nhân viên của tiệm đều làm việc đến 29/12 âm lịch mới nghỉ và trở lại làm việc vào ngày mùng 6 Tết.
Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch, đây là thời gian spa cố gắng giữ chân nhân viên, nâng cao hiệu suất để bù lại những ngày “nằm im”.
“Đổi lại, ra Tết, các bạn có thể thay phiên nhau nghỉ để về quê, vừa đảm bảo số lượng nhân sự, vừa có nhiều thời gian hơn. Năm qua kinh doanh khó khăn, nhưng phía spa cũng cố gắng chi khoản thưởng Tết tương đương mọi năm để nhân viên có thêm tinh thần, động lực bước sang năm mới”, Nhàn nói.
Sau thời gian dài ngưng hoạt động vì giãn cách xã hội, anh Hà Thanh Luân (sinh năm 1989), chủ quán Cozy Eatery & Bar (Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), quyết định mở cửa xuyên Tết Âm lịch để kéo lại doanh thu.
Tuy nhiên, hiện quán của anh chỉ có 6 nhân viên, trong đó 3 bạn đã xin nghỉ về quê với gia đình. Vì thế, anh cần tuyển thêm lao động thời vụ để đủ sức chạy Tết.
Theo anh Luân, nhân sự là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp vào thời điểm này. Đặc biệt là khi nhiều lao động về quê tránh dịch.
“Tôi đăng tuyển bartender và nhân viên phục vụ hơn một tuần nhưng chưa nhận được ai. Giáp Tết Âm lịch là thời gian khan hiếm nhân sự nhất vì ai cũng muốn về thăm gia đình”, ông chủ sinh năm 1989 chia sẻ.
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Tuyết Trinh - Trưởng phòng Nhân sự AEON Việt Nam, để chuẩn bị cho giai đoạn mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị đã phải lên kế hoạch tuyển dụng, tăng cường nhân sự từ rất sớm.
Bên cạnh nhân sự toàn thời gian, số lượng nhân viên bán thời gian và nhân viên thời vụ cũng được tăng thêm.
Đây là giải pháp mà chuỗi siêu thị đưa ra nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự dịp cuối năm, đồng thời hỗ trợ những nhân viên có nguyện vọng nghỉ Tết dài ngày nhằm đảm bảo các quy định cách ly tại địa phương.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian hơn do một lượng lớn người lao động đã về quê từ trước đó. Sinh viên, lực lượng làm thời vụ chính các năm trước, cũng không ở lại thành phố. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lượng lớn nhân sự mới cũng đòi hỏi thời gian đào tạo từ đầu về các kỹ năng công việc, chất lượng nhân sự cũng có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng”, bà Trinh thông tin.