Si Ma Cai trên hành trình thoát nghèo

Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo biên giới của tỉnh Lào Cai. Thời gian gần đây, công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương đã có những chuyển biến tích cực, và một trong những giải pháp chính là phát triển sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương gắn với chuỗi giá trị, trong đó vai trò của HTX là hạt nhân.

Quan Hồ Thẩn là xã xa xôi và nghèo khó nhất huyện Si Ma Cai, là nơi sinh sống của bà con người Mông. Cuộc sống của bà con trước đây phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa tra trên nương. Cách đây gần chục năm, tại thôn Mản Thần, chị Vũ Thị Nhung – một người con dâu của Mản Thần đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Chỉ sau thời gian ngắn, chị đã biến Mản Thần trở thành vựa trồng cây ăn quả ôn đới, dược liệu và thành lập HTX Mản Thần để liên kết chị em cùng nhau xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất khó này.

Biến nương ngô thành... vựa trái cây, dược liệu

Bà Sùng Thị Pằng và nhiều người dân trong thôn Mản Thẩn có được việc làm ổn định tại HTX Mản Thẩn, với công việc trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm dược liệu. Không chỉ có thêm thu nhập, công việc này còn giúp bà Pằng được tiếp cận thêm nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất.

Nhiều người dân có được việc làm ổn định tại HTX Mản Thẩn, với công việc trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm dược liệu.

Nhiều người dân có được việc làm ổn định tại HTX Mản Thẩn, với công việc trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm dược liệu.

Bà Sùng Thị Pằng chia sẻ: "Trước kia, gia đình tôi cũng có trồng một ít cây đương quy, tam thất để dùng, bây giờ thì trồng nhiều để bán. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia HTX Mản Thẩn, công việc chế biến, sản xuất cũng không khó vì đã có máy móc hỗ trợ".

Là một trong những HTX đầu tiên trên địa bàn huyện vùng cao Si Ma Cai tiếp cận chế biến nông sản, đến nay các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất, trà tam thất... của HTX Mản Thẩn đã được cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước. HTX cũng triển khai trồng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Giám đốc HTX Mản Thẩn Vũ Thị Nhung cho biết: "Khi chưa có HTX, canh tác theo hộ gia đình thì bà con chưa có kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng rất thấp. Giờ đây, tham gia HTX, bà con được hỗ trợ về canh tác và chế biến cây dược liệu".

Lần đầu gặp chị Nhung, ai cũng phải ngỡ ngàng trước sức làm việc của người con gái nơi miền sơn cước. Hết đi thăm vườn thảo dược đến hướng dẫn chị em trong thôn trồng cây rồi vào xưởng sản xuất kiểm tra..., dường như người phụ nữ này không ngơi nghỉ. Ngày nào, chị cũng phóng xe máy đi khắp các thôn của xã để động viên chị em lao động sản xuất.

Ngày đầu mang cây lê, cây mận về trồng, gia đình cũng như bà con lối xóm còn e dè về cách làm của chị Nhung. Suốt 3 năm liền, chị trồng cây xuống chỉ thấy cây với đất, chứ chưa thu được gì. Đến năm thứ tư, cây lê, cây mận cho ra quả. "Khi trồng cây xuống, tôi chỉ mong sớm được thu hoạch để xem chất lượng quả có phù hợp với đất này không. Đến lúc cây mận và cây lê cho thu hoạch, tôi hái quả xuống ăn thử. Vị ngọt ngào của lê, của mận còn đọng lại trên đầu lưỡi, tôi mới tin là cách làm của mình thành công", Giám đốc HTX Mản Thẩn nhớ lại.

Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình chị Nhung đã có được khoản tiền kha khá để "động viên" tinh thần. Từ đây, chị tiếp tục trồng và nhân rộng vườn cây ăn quả. Không dừng lại ở đó, người con dâu của bản Mản Thần còn mạnh dạn đưa cây tam thất về trồng.

Năm 2018, chị Nhung đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tam thất ở một số địa phương khác. Chị đã đầu tư 600 triệu đồng để thực hiện mô hình ươm giống cây tam thất. Cuối năm 2019, vườn tam thất 1 ha của gia đình chị đã thu hoạch được 50 kg nụ hoa, với giá bán trên thị trường là 500.000 đồng/kg.

Dường như chị Nhung vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được, khi cây tam thất có thu, chị còn mạnh dạn bàn với chồng sẽ chế biến sâu cây tam thất để gia tăng giá trị của sản phẩm. Một lần nữa, chị đi khắp nơi tìm hiểu rồi mua máy móc về miền sơn cước này làm bột tam thất và trà tam thất. "Loài thảo dược này hiện đang được thị trường ưa chuộng. Vấn đề là mình làm sao quảng bá đưa được sản phẩm đến với người tiêu dùng. Sau mấy năm làm thử nghiệm, đến nay, tôi có thể tự tin khẳng định sản phẩm chế biến từ tam thất đạt chất lượng tối ưu", chị Nhung nói.

Đến nay, HTX Mản Thẩn thu hút cả trăm thành viên tham gia. Mục đích thành lập HTX là để khẳng định thương hiệu cho những sản phẩm do chị em người Mông nơi đây.

Phát huy lợi thế nông nghiệp của địa phương

Thống kê cho thấy, huyện Si Ma Cai hiện có 23 HTX và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, góp phần tích cực trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo việc làm.

Người dân chế biến sản phẩm dược liệu để gia tăng giá trị.

Người dân chế biến sản phẩm dược liệu để gia tăng giá trị.

Hơn 90% hộ dân của huyện vùng cao Si Ma Cai có thu nhập chính từ nông nghiệp. Thời gian qua, địa phương đã quan tâm nâng cao hiệu quả của các HTX, thu hút đầu tư, liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, giá trị gia tăng cao.

Thời gian qua, huyện Si Ma Cai đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, HTX vào liên kết sản xuất với nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như sản xuất cây dược liệu, trên địa bàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đây sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp Si Ma Cai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai, cho biết Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo biên giới của tỉnh Lào Cai. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nên một trong những mục tiêu hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ huyện Si Ma Cai đặt ra là đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.

Là huyện có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với đặc thù là một huyện thuần nông, Si Ma Cai đã tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nông nghiệp, xác định cây - con chủ lực là cây lê, mận, dược liệu và trâu, bò, lợn đen.

Ngoài ra, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, trong đó phát triển mô hình HTX phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đưa vào trồng thử nghiệm một số mô hình sản xuất có giá trị như: Mô hình cây kiệu, cây gừng, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu,... Hỗ trợ máy móc, thiết bị, giống gia súc, giống cây ăn quả, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất tiên tiến, có hiệu quả kinh tế cao.

Tập trung vào "trụ đỡ" HTX

Hiện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên địa bàn huyện chiếm 66,7% (kết quả điều tra hộ nghèo năm 2022 chiếm 48,1%, hộ cận nghèo chiếm 18,6%).

Vì vậy, trong thời gian tới, ông Minh nhấn mạnh, huyện Si Ma Cai quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững. Theo đó, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế HTX, tổ hợp tác… tạo việc làm tại chỗ cho người lao động; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như: trang bị phương tiện lao động, hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, huyện Si Ma Cai rất mong muốn các Sở ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, nghiên cứu tham mưu cho tỉnh Lào Cai có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo như Si Ma Cai.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX đến năm 2024, huyện Si Ma Cai phấn đấu thành lập mới ít nhất 5 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 28. Địa phương cũng đặt mục tiêu doanh thu bình quân khoảng 4 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập thường xuyên của thành viên HTX đạt bình quân 6,5 triệu đồng/tháng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp trọng tâm: Tạo điều kiện cho các mô hình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh giao đất cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức được ít nhất 3 lớp tập huấn kỹ năng quản lý, phát triển thị trường cho cán bộ quản lý, lãnh đạo HTX.

Có thể nói, thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai, phát triển nông nghiệp hàng hóa đang được huyện Si Ma Cai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo. Việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất trên địa bàn đã góp phần hình thành các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc trưng mang thương hiệu Si Ma Cai, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Tâm An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/si-ma-cai-tren-hanh-trinh-thoat-ngheo-1095096.html