Lời hứa của một nữ đảng viên cống hiến cả đời cho khoa học
'Đã nói là làm, đã làm là làm tốt, đã hứa là không bao giờ quên' điều này đã hằn sâu trong tâm trí của PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội từ lúc bà được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi gần 20 tuổi cho đến nay đã 83 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng.
![PGS.TS Bùi Thị An trong những giây phút thường ngày. (Ảnh: NVCC)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_207_51429951/1c9604bd3ef3d7ad8ee2.jpg)
PGS.TS Bùi Thị An trong những giây phút thường ngày. (Ảnh: NVCC)
“Đó là cách sống của tôi, của người đảng viên cộng sản”
Mới đây, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025), PGS.TS Bùi Thị An là 1 trong 95 nữ đảng viên tiêu biểu Thủ đô được Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, biểu dương tại Phủ Chủ tịch.
Kể với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu nữ đảng viên Thủ đô về cuộc đời mình, PGS.TS Bùi Thị An cho biết, ngày 10/5/1963, khi gần 20 tuổi bà được kết nạp vào Đảng (thời gian học tại Trường Phổ thông cấp III B Hà Nội nay là Trường Việt Đức, bà Bùi Thị An được chọn là học sinh đạt danh hiệu hai tốt của Hà Nội, tham gia Đại hội “Dạy tốt, học tốt” của miền Bắc và cũng là học sinh duy nhất của Hà Nội tham dự Đại hội Thanh niên xung phong vượt mức kế hoạch năm năm lần 1, ngày 10/5/1963 bà An là một trong hai học sinh của Hà Nội được Thành ủy Hà Nội phê duyệt kết nạp vào Đảng khi đó 19 tuổi và 5 tháng - PV).
Khi đó, thầy Nguyễn Văn Cừ và cô Nguyễn Thị Lý là Hiệu trưởng, Hiệu phó, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ của trường đồng thời là hai người giới thiệu bà vào Đảng đã nhắc nữ Đảng viên trẻ tuổi rằng: “Đồng chí hãy ghi nhớ những gì hôm nay tuyên thệ, phải học thật giỏi, sau đó ra công tác phải thật tốt, gương mẫu...”. Với bà, lời nhắc đó mãi bên tai trong suốt gần 62 năm qua, vì vậy, trong quá trình học tập cũng như công tác sau, dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào bà cũng luôn luôn phấn đấu hết mình để đạt kết quả cao nhất với các công việc và nhiệm vụ được giao.
“Khi còn đi học, tôi đã học giỏi, khi đi làm chuyên môn thì phải cố gắng chuyên sâu để có kết quả và kết quả phải được ứng dụng vào phục vụ thực tiễn, khi giao làm công tác quản lý hay lãnh đạo thì phải quy tụ được lòng người, năng động, sáng tạo để tìm ra những kế sách, giải pháp hữu hiệu nhất đem kết quả cho đơn vị. Đó là cách sống của tôi, của người đảng viên cộng sản đã nói là phải làm, đã làm là phải hiệu quả, đã hứa là phải thực hiện”, bà chia sẻ.
Đầu năm 1969, sau khi tốt nghiệp Đại học, bà Bùi Thị An về công tác tại Phòng Nhiệt đới, Viện Khoa học tự nhiên, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay Bộ KH&CN). Suốt 33 năm công tác, bà Bùi Thị An phấn đấu từ một cán bộ nghiên cứu trở thành Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới. Trong quá trình công tác tại Viện, bà đã cùng các đồng nghiệp chuyên nghiên cứu các loại vật liệu bảo vệ (các loại sơn) chống ăn mòn cho các cấu kiện kim loại, sơn phản quang, sơn cho bê tông, trong điều kiện nhiệt đới ẩm Việt Nam, nhiều kết quả của đề tài đã được ứng dụng rộng rãi vào thực tế.
“Ngày đó, với tư cách Viện trưởng sau khi được Chi bộ và Hội đồng khoa học ủng hộ, tôi đưa ra một quy định đó là nếu bất kỳ ai trong Viện, nếu đã được ngân sách nhà nước cấp một đồng tiền kinh phí, thì cũng phải thu được một đồng từ thực tế thị trường để một mặt bù thêm tiền cho nghiên cứu và đời sống của cán bộ, mặt khác chứng tỏ kết quả đề tài có ý nghĩa thực tiễn. Kể từ đó các hợp đồng chuyển giao công nghệ của Viện chúng tôi tăng lên đáng kể, không những không lãng phí ngân sách mà còn làm lợi thêm rất nhiều cho Nhà nước”, bà kể.
Ngoài công tác chuyên môn, bà Bùi Thị An vẫn thu xếp thời gian để tham gia các tổ chức đoàn thể như công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, trong đó từ năm 1997 - 2011, bà tham gia Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Bùi Thị An còn là đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội (2004 - 2011), Đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội (2011 - 2016); tham gia công việc với Hà Nội như Hội Hóa học Hà Nội, Liên hiệp các Hội KH-KT HN, Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban MTTQ thành phố, Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng trực thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam…
“Hội Nữ trí thức TP Hà Nội đã được thành lập vào năm 2012, sau hơn 12 năm hoạt động. Hội đã là mái nhà chung của hơn 300 nữ trí thức ở mọi lứa tuổi, với chuyên môn, ngành nghề khác nhau, từ nhiều cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội, trong đó có các chị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... tham gia ở tất cả các vị trí khác nhau như lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, đạo diễn, kiến trúc sư, nhà báo, CEO... Từ nhu cầu của thực tiễn Hà Nội, Hội đã thực hiện nhiều đề tài trên nhiều lĩnh vực như: bình đẳng giới, an toàn thực phẩm, môi trường, nông thôn, y học, du lịch, nông nghiệp... phục vụ thiết thực cho sự phát triển của Thủ đô. Đặc biệt, Hội đã tham gia tư vấn phản biện nhiều nội dung liên quan đến luật, cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phụ nữ, trẻ em, đến môi trường trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội cho biết.
Trong hơn 20 năm qua, cá nhân bà Bùi Thị An đã chủ trì 29 đề tài, dự án lớn nhỏ cho Hà Nội trong lĩnh vực môi trường, bình đẳng giới.
Nhà khoa học ngân nga câu thơ giữa bộn bề công việc
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, PGS.TS Bùi Thị An tự hào khẳng định, với tư cách là đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, với vai trò là Đại biểu Quốc hội bà đã luôn thực hiện lời thề cách đây gần 62 năm về trước về sự gương mẫu của một đảng viên Cộng sản: “Đã nói là làm, đã làm là làm tốt, đã hứa là không bao giờ quên”.
![Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà lưu niệm cho các nữ đảng viên tiêu biểu Thủ đô (bà Bùi Thị An đứng thứ năm từ phải qua). (Ảnh: Hội LHPN Hà Nội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_207_51429951/d604fd2fc7612e3f7770.jpg)
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà lưu niệm cho các nữ đảng viên tiêu biểu Thủ đô (bà Bùi Thị An đứng thứ năm từ phải qua). (Ảnh: Hội LHPN Hà Nội)
Người viết bài này cũng có một kỷ niệm nho nhỏ với PGS.TS Bùi Thị An khi những ngày cận kề Tết Ất Tỵ được giao phỏng vấn bà về vấn đề hồi sinh sông Tô Lịch cho Hà Nội. Ngần ngại vì nhiệm vụ được giao quá gấp gáp, nhưng rất bất ngờ khi bà đồng ý ngay và sẵn sàng hỗ trợ hết sức để phóng viên thực hiện tốt bài phỏng vấn.
Gắn bó với Hà Nội gần như cả cuộc đời, mặc dù quê hương ở Vụ Bản, Nam Định nhưng bà Bùi Thị An đã dành rất nhiều sự tâm huyết của một nhà khoa học cho Hà Nội. Năm 2022 nhân dịp 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2022, PGS.TS Bùi Thị An vinh dự được tôn vinh là 1 trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô. Chia sẻ tại Lễ tôn vinh, PGS.TS Bùi Thị An cho biết: “Tôi luôn có tình yêu tha thiết với Hà Nội. Đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Thủ đô, Hà Nội không chỉ là nơi tôi lớn lên mà còn là động lực để cống hiến. Tôi cố gắng bao nhiêu cũng không thể đáp lại những gì mà Hà Nội đã cho mình”.
Trao đổi với phóng viên, bà đánh giá cao lãnh đạo thành phố thời gian qua đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội. Tại nhiều tọa đàm, hội thảo, lãnh đạo thành phố luôn dành thời gian để lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia góp ý cho công tác đảm bảo vệ môi trường tại Thủ đô.
“Theo tôi, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội cần chọn các vấn đề “nóng”, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Và câu chuyện với sông Tô Lịch mà TP Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình, là lựa chọn rất đúng. Hà Nội vốn đã là điểm đến hấp dẫn của du khách, nếu hồi sinh được sông Tô Lịch và một số dòng sông khác thì đó chính là một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Phân tích các nguyên nhân ô nhiễm của hệ thống sông Hà Nội trong đó có sông Tô Lịch, bà Bùi Thị An tin tưởng dự án hồi sinh sông Tô Lịch của TP Hà Nội là khả thi, bởi hầu hết các điều kiện để tiến hành đã và đang chuẩn bị đầy đủ.
Và theo bà, “sau khi vấn đề môi trường được xử lí thì vấn đề cảnh quan hai bên bờ sông cũng cần được quan tâm, bờ sông phải đẹp và sạch. Để Hà Nội có lại dòng sông Tô Lịch gắn với bề dày lịch sử và văn hóa của Thủ đô như lời thơ người xưa để lại: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/Dừng chèo muốn tỏ ân tình/Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu…”.
Lắng nghe nhà nữ khoa học ngân nga câu thơ giữa bộn bề công việc và công trình nghiên cứu, tôi như càng hiểu thêm về lời thề của người Đảng viên mà bà vẫn lấy làm “kim chỉ nam” cho cả cuộc đời mình: “Đảng viên đã nói là làm, đã làm là phải làm cho tốt”…