Siết chặt quản lý vùng trồng hoa hồng ở Lai Châu

Thực tế canh tác cho thấy hoa hồng là loại cây có sức ảnh hưởng lớn tới môi trường, lượng phân bón sử dụng trong trồng hoa hồng đặc biệt là phân hữu cơ chưa được ủ hoai, thuốc bảo vệ thực vật phun định kỳ cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác, dẫn đến có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Huyện Tam Đường có hơn 60 ha trồng hoa hồng. Ảnh: Quý Trung/TTXN

Huyện Tam Đường có hơn 60 ha trồng hoa hồng. Ảnh: Quý Trung/TTXN

Những năm gần đây, tại một số huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu đã có nhiều cá nhân ở các tỉnh, thành khác lên thuê đất của người dân địa phương để trồng hoa hồng. Tuy nhiên, loại cây này có sức ảnh hưởng lớn tới môi trường. Do đó, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo siết chặt quản lý vùng trồng, không mở rộng diện tích và kiên quyết xử lý đối với những hộ vi phạm.

Tại huyện Tam Đường, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển 63,4 ha diện tích trồng hoa, chủ yếu là hoa hồng theo hình thức chuyển đổi đất lúa một vụ tại một địa phương như: Giang Ma, Hồ Thầu, thị trấn Tam Đường.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế là chủ trương đúng, luôn được chính quyền các cấp huyện Tam Đường quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, thực tế canh tác cho thấy hoa hồng là loại cây có sức ảnh hưởng lớn tới môi trường, lượng phân bón sử dụng trong trồng hoa hồng đặc biệt là phân hữu cơ chưa được ủ hoai, thuốc bảo vệ thực vật phun định kỳ cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác, dẫn đến có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Nhiều khu vực đất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng hoa hồng. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Nhiều khu vực đất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng hoa hồng. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Trước thực trạng đó, Ủy ban nhân dân huyện Tam Đường đã có văn bản chỉ đạo quy hoạch vùng trồng, tạm dừng phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa, đặc biệt là hoa hồng trên địa bàn huyện; đồng thời kiên quyết xử lý đối với những hộ vi phạm. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn huyện vẫn có một số hộ trồng hoa cố tình vi phạm.

Ông Nguyễn Đình Thượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết, mặc dù huyện đã có chỉ đạo, đơn vị cũng tích cực tuyên truyền đến các hộ trong hoa, nhưng qua kiểm tra, trên địa bàn huyện vẫn có một số hộ tự ý mở rộng diện tích trồng. Đơn vị đã hướng dẫn các xã thường xuyên kiểm tra phát hiện và vận đồng các hộ này tạm dừng trồng hoa và hoàn trả mặt bằng, hiện trạng đất. Nếu những hộ này không chấp hành sẽ hướng dẫn các xã hoàn thiện hồ sơ xử lý hành chính theo quy định.

Nhờ chuyển đổi sang trồng hoa hồng nên nhiều lao động đã có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Nhờ chuyển đổi sang trồng hoa hồng nên nhiều lao động đã có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Đơn cử như ngày 6/5/2024, Tổ công tác UBND xã Giang Ma đã phát hiện tại vườn hoa hồng của ông Đặng Duy Nghị (trú tại bản Phìn Chải, xã Giang Ma) đang canh tác, ngoài diện tích trồng hoa cũ, ông Đặng Duy Nghị đang thực hiện mở rộng diện tích trồng mới hoa hồng khoảng 0,4 ha. Tổ công tác đã lập biên bản đề nghị ông Đặng Duy Nghị tạm dừng việc mở rộng diện tích trồng mới hoa hồng và cung cấp các hồ sơ giấy tờ liên quan như: Hợp đồng thuê đất, đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho UBND xã để có phương án xử lý.

Chủ tịch UBND xã Giang Ma Hoàng Văn Phưởng cho biết, đây là hộ thứ hai trên địa bàn mà địa phương lập biên bản để có cơ sở xử lý các bước tiếp theo. Từ khi có chỉ đạo của huyện về việc tạm dừng mở rộng diện tích trồng hoa, xã thường xuyên kiểm tra và có biện pháp nhắc nhở, ngăn chặn các hộ cố tình vi phạm. Tuy nhiên, địa phương cũng đang gặp một số vướng mắc trong quá trình xử lý theo quy định, vì diện tích trồng hoa không phải đất trồng lúa nước mà là diện tích trồng cây hàng năm khác.

Hoa hồng là loài cây khó tính nên thường xuyên phải phun thuốc trừ các loại nấm mốc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Hoa hồng là loài cây khó tính nên thường xuyên phải phun thuốc trừ các loại nấm mốc. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Sau một thời gian cho người nơi khác đến thuê đất và trồng hoa hồng, nhiều hộ dân ở các địa phương của huyện Tam Đường đã nhận thức được mối nguy hại về môi trường và chất lượng đất trồng. Do đó, mặc dù có thêm thu nhập từ cho thuê đất nhưng nhiều hộ dân đã từ chối và không gia hạn hợp đồng cho thuê.

Anh Giàng Páo Giang (bản Giang Ma, xã Giang Ma) chia sẻ: “Trồng hoa hồng thường dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên sau này ảnh hưởng đến đất và môi trường. Chính vì vậy, dù gia đình diện tích đất cũng nhiều nhưng tôi không muốn mở rộng thêm vùng trồng hoa hồng”.

Nhiều diện tích hoa hồng được trồng ngay sát nhà ở của người dân, nên khi phun thuốc trừ sâu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Nhiều diện tích hoa hồng được trồng ngay sát nhà ở của người dân, nên khi phun thuốc trừ sâu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Còn tại thành phố Lai Châu, thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiện nay đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch, không đăng ký biến động đất.

Cụ thể, trên địa bàn thành phố, việc chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng hoa hồng, tình trạng sử dụng phân hữu cơ (phân gà) chưa ủ hoai mục tại các vùng trồng hoa cùng với lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất hoa cao gấp 25-30 lần so với trồng lúa, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh trên gia cầm.

Để ngăn ngừa cỏ mọc lan vào vườn hồng, nhiều chủ vườn đã phun thuốc diệt cỏ nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống sau này. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Để ngăn ngừa cỏ mọc lan vào vườn hồng, nhiều chủ vườn đã phun thuốc diệt cỏ nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống sau này. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân thành phố Lai Châu đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý môi trường trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Bùi Hữu Cam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết, để tăng cường quản lý, đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, hạn chế thấp nhất những hệ lụy xảy ra, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các ngành liên quan tăng cường phối hợp với các xã, phường trong hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tổ chức cho các hộ trồng hoa ký cam kết trong quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đảm bảo quy định; không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (phân tươi) bón cho cây trồng; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sản xuất kinh doanh, thuốc không rõ nguồn gốc.

Người lao động khi làm việc trong vườn hồng thường phải trang bị kín mít để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Người lao động khi làm việc trong vườn hồng thường phải trang bị kín mít để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Theo ông Hà Quốc Chỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, hiện sản xuất hoa hồng đang vào thời vụ chính, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hoa tăng cao. Do đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đơn vị phối hợp với các địa phương triển khai ký cam kết với người dân về việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng danh mục, liều lượng cho phép để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.

Việc chuyển đổi cây trồng từ không hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng những giống cây này cần phù hợp với quy hoạch vùng trồng, lựa chọn các loại cây phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến chất lượng đất và môi trường. Các ngành chức năng của tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân để hướng đến việc sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả cao.

Việt Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-vung-trong-hoa-hong-o-lai-chau-20240604150508435.htm