Siêu biến thể Omicron đang lây lan ra toàn cầu

Việc ngày càng có nhiều quốc gia ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới Omicron (B.1.1.529) gây bệnh Covid-19 sau khi xuất hiện tại châu Phi đang gây lo ngại trên toàn cầu.

Các chuyên gia y tế Nam Phi cho biết biến thể Omicron có thể đã xuất hiện trên khắp nước này, gây ra khoảng 90% ca nhiễm mới và đang lây lan nhanh trên người trẻ.

Omicron đang “vươn vòi bạch tuộc”

Reuters cho hay, ngày 28-11, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết đang xét nghiệm đối với hai trường hợp nghi nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt lên là Omicron. Hai ca nhiễm nói trên mới vừa trở về nước từ Nam Phi - quốc gia phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vào tuần trước. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho rằng nhiều khả năng đây là các ca nhiễm biến thể mới, tuy nhiên vẫn cần kết quả xét nghiệm xác nhận trong vài ngày tới.

Cùng ngày, một bệnh viện tại thành phố Liberec, phía Bắc của Cộng hòa Séc thông báo về một bệnh nhân nữ đã nhiễm biến thể Omicron. Người phát ngôn của bệnh viện này khẳng định kết quả phân tích gene và chẩn đoán cho thấy 90% khả năng bệnh nhân này nhiễm biến thể Omicron.

Nhiều quốc gia ở châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng mới Omicron. Ảnh: Euronews

Nhiều quốc gia ở châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng mới Omicron. Ảnh: Euronews

Đức và Italia cũng thông báo ghi nhận những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, còn Hà Lan phát hiện các trường hợp nghi nhiễm khi nhập cảnh. Trước đó, Bỉ đã trở thành nước châu Âu đầu tiên phát hiện ca mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đó là một người chưa tiêm phòng và vừa trở về từ Ai Cập ngày 11-11.

Ngoài một số quốc gia châu Phi, Omicron đến nay đã xuất hiện vài ngày qua tại nhiều nước, vùng lãnh thổ ở châu Á và châu Âu khác như Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Italia, Israel. Đặc biệt, 4 người nhiễm ở Botswana và 3 người nhiễm ở Israel đều đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Trong khi đó, Giám đốc Viện các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng có khả năng biến thể Omicron đã lây lan đến nước này, dù chưa ghi nhận ca nào. “Những đột biến được xác định trên Omicron cho thấy nó có thể dễ lây lan hơn cũng như né tránh kháng thể đơn dòng, huyết tương giai đoạn hồi phục và có thể cả vắc xin”, ông Fauci nhận định.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đối phó dịch bệnh Nam Phi Tulio de Oliveira cho biết nước này sẽ chia sẻ các mẫu biến thể Omicron với giới chức y tế nước ngoài, như nước này đã làm với biến thể Beta, nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với các biến thể này nhanh nhất có thể. Quan chức này nói thêm rằng một số nước như Mỹ và Anh đã đưa ra đề nghị được cung cấp mẫu.

Tái áp dụng giới hạn đi lại, đóng cửa biên giới

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể này, nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức đưa ra quy định cấm bay hoặc thắt chặt các hạn chế đi lại đối với những nước có nguy cơ cao, đặc biệt các nước châu Phi đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Theo tờ The Hill, Israel bắt đầu cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28-11, kéo dài 14 ngày và áp dụng lại công nghệ theo dõi qua điện thoại trong chống khủng bố để kiểm soát sự lây lan của biến thể mới. Như vậy, Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập.

Người dân Israel tiêm chủng. Ảnh: timesofisrael.com

Người dân Israel tiêm chủng. Ảnh: timesofisrael.com

Hiện Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Israel đều đã đình chỉ du lịch đến và đi từ Nam Phi và các quốc gia xung quanh: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe, từ ngày 29-11. Chính phủ Anh cũng thêm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách đỏ du lịch vào ngày 28-11.

Vương quốc Anh cũng đưa ra các biện pháp như quy định xét nghiệm nghiêm ngặt hơn đối với người nhập cảnh, dù chưa hạn chế các hoạt động xã hội ngoài việc buộc đeo khẩu trang trong nhiều trường hợp. Theo đó, tất cả những người đến nước này phải xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi đến và tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính. Những người tiếp xúc với ca dương tính nghi do biến thể Omicron sẽ phải tự cách ly 10 ngày và chính phủ sẽ siết các quy định về đeo khẩu trang.

Mặt khác, chính quyền London còn cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

WHO kêu gọi các nước không nên vội vàng

Phản ứng trước động thái siết nhập cảnh, Bộ Y tế Nam Phi cho rằng việc các nước áp lệnh cấm đi lại tới Nam Phi là không hợp lý và vi phạm các quy tắc, tiêu chuẩn của WHO. Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp biến thể mới.

Biến thể Omicron đang gây nên quan ngại trên toàn thế giới. Ảnh: CGTN

Biến thể Omicron đang gây nên quan ngại trên toàn thế giới. Ảnh: CGTN

Về phần mình, WHO kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại. Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Hiện giới nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến, những ảnh hưởng của nó đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này, cũng như tác động đối với việc chẩn đoán, điều trị và hiệu quả của vắc xin. WHO khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện biện pháp siết nhập cảnh.

Sau khi có thông tin về biến thể Omicron, các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna cùng tuyên bố cập nhật vắc xin Covid-19 trong trường hợp cần thiết. Moderna cho biết có thể thử nghiệm lâm sàng để xem vắc xin hiệu quả tới đâu với Omicron trong vòng 60 - 90 ngày. Pfizer thông báo có thể điều chỉnh vắc xin do hãng sản xuất trong vòng 6 tuần nếu cần thiết và cho ra sản phẩm trong vòng 100 ngày nếu cần.

Các công cụ hiện có vẫn sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể Omicron, trong đó có vai trò của việc xét nghiệm PCR để phát hiện biến thể. Theo WHO, chưa có dữ liệu nào cho thấy các loại vắc xin hiện tại không có tác dụng với Omicron. Ngoài ra, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đều là những chiến lược đã được chứng minh để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, cũng như tiêm đủ mũi vắc xin và tiêm nhắc lại.

Trước đó, WHO đã công bố Omicron là biến thể đáng lo ngại vì có thể nguy hiểm và dễ lây lan hơn, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường tiêm vắc xin và bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao. Omicron là biến thể đáng lo ngại thứ năm, sau 4 biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Minh Anh / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/sieu-bien-the-omicron-dang-lay-lan-ra-toan-cau-53442.html