Sinh viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng ngay yêu cầu thực tiễn là điều bình thường
Thực tế cho thấy, mỗi doanh nghiệp có chuyên môn đặc thù khác nhau, thậm chí chuyên sâu trong một lĩnh vực rất hẹp.
Khoản 6, Điều 12 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có quy định: “Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có sự chưa đồng bộ giữa nhu cầu của doanh nghiệp và chương trình đào tạo đại học, dẫn đến tình trạng thừa – thiếu sinh viên ở các nhóm ngành nghề và người học sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Vẫn còn tình trạng mất liên kết giữa chương trình đào tạo và thị trường lao động
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen bày tỏ: “Ở Việt Nam, mô hình hợp tác đào tạo gắn kết thực tiễn giữa trường đại học với doanh nghiệp đã được khẳng định trong chính sách của Nhà nước.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học - công nghệ".
![Trường Đại học Hoa Sen ký kết hợp tác với doanh nghiệp đối tác. Ảnh: NVCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_231_51453466/84b713c82586ccd89597.jpg)
Trường Đại học Hoa Sen ký kết hợp tác với doanh nghiệp đối tác. Ảnh: NVCC.
Theo thầy Nguyên, với mục tiêu đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen là đơn vị dẫn đầu và luôn xem trọng đào tạo gắn kết thực tiễn nhà trường với doanh nghiệp, trường đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nhằm gắn kết đào tạo với thực tiễn.
Cụ thể, Trường Đại học Hoa Sen đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm các công ty từ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm đẩy mạnh trải nghiệm quốc tế cho sinh viên. Các hoạt động hợp tác này bao gồm thực tập, việc làm nước ngoài, tổ chức học kỳ doanh nghiệp và đổi mới chương trình Hoa Sen mentoring.
Với hệ sinh thái hơn 1.000 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu trong và ngoài nước, thuộc nhiều lĩnh vực hiện nay như: Kinh tế Quản trị, Du lịch Nhà hàng Khách sạn, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Thiết kế Nghệ thuật… tại hàng loạt doanh nghiệp lớn có nhiều sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đang làm việc, thực tập. Ngoài ra, Trường Đại học Hoa Sen còn tổ chức diễn đàn hợp tác với doanh nghiệp để thảo luận về các chương trình hợp tác giữa hai bên.
Thực tế hiện nay, có nhiều lĩnh vực nhu cầu rất cần nhân lực nhưng các trường luôn tuyển sinh khó khăn, không đủ chỉ tiêu để đào tạo đáp ứng cho doanh nghiệp như: y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch khách sạn, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học,...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “lệch pha” giữa nhu cầu nhân lực trong thị trường lao động và sự lựa chọn ngành nghề của học sinh, trong đó có sự nhận thức chưa đầy đủ về ngành học, thiếu kết nối chặt chẽ giữa trường và doanh nghiệp, cũng như thiếu cơ hội trải nghiệm thực tế cho học sinh trước khi lựa chọn ngành nghề.
![Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (bên trái) tham gia tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Đồng Nai). Ảnh: NVCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_231_51453466/ae103d6f0b21e27fbb30.jpg)
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (bên trái) tham gia tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Đồng Nai). Ảnh: NVCC.
Cùng bàn luận về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Việt Toàn - Trưởng Phòng Công tác Chính trị Sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trường Đại học Bách Khoa với triết lý giáo dục Khai phóng – Tiên phong – Sáng tạo, nhà trường luôn nhất quán trong mô hình đào tạo, tập trung xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc cho người học, đồng thời khuyến khích tư duy sáng tạo, khả năng học tập suốt đời. Trên cơ sở đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể dễ dàng thích ứng và nắm bắt sự thay đổi nhanh chóng của khoa học – công nghệ cũng như xu hướng phát triển liên ngành hiện nay”.
Thầy Toàn cho rằng, việc sinh viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng ngay yêu cầu thực tiễn là điều hoàn toàn bình thường. Thực tế cho thấy, mỗi doanh nghiệp có chuyên môn đặc thù khác nhau, thậm chí chuyên sâu trong một lĩnh vực rất hẹp.
Thay vì sử dụng khái niệm “đào tạo lại”, chúng ta nên hiểu đây là quá trình đào tạo tiếp tục để giúp sinh viên phù hợp hơn với chuyên môn và nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Năng lực quan trọng nhất của sinh viên tốt nghiệp không phải là sẵn sàng đáp ứng ngay mọi yêu cầu, mà là khả năng tiếp thu nhanh chóng kiến thức và kỹ năng mới từ quá trình đào tạo tại doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, do đó, khái niệm "làm đúng chuyên môn" hay "không đúng chuyên môn" cần được nhìn nhận một cách linh hoạt và cởi mở hơn. Điều quan trọng là khả năng thích ứng, tư duy liên ngành và tinh thần học hỏi không ngừng của người lao động trong kỷ nguyên công nghệ số.
Dù vậy, tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và thực tế đào tạo tại các trường đại học đang trở thành vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự mất liên kết giữa chương trình đào tạo và thị trường lao động. Nhiều trường đại học chưa cập nhật đầy đủ thông tin về nhu cầu nhân lực, vẫn giảng dạy theo chương trình cũ, thiếu tính linh hoạt để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo chưa đồng đều khi nhiều giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, thực hành của sinh viên. Không chỉ vậy, bản thân sinh viên cũng chưa chủ động trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng. Nhiều sinh viên thiếu kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, đồng thời ít tham gia vào các hoạt động thực tế, thực tập hay nghiên cứu, dẫn đến khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
![Thạc sĩ Trần Việt Toàn - Trưởng phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_231_51453466/bbd92ba61de8f4b6adf9.jpg)
Thạc sĩ Trần Việt Toàn - Trưởng phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Nhà trường cần sự hỗ trợ từ Luật Giáo dục đại học
Theo Thạc sĩ Trần Việt Toàn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và sinh viên. Trước hết, chương trình đào tạo cần được cải cách theo hướng linh hoạt, cập nhật thường xuyên và có sự liên kết với doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực sát với thực tế.
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần được trang bị kỹ năng mềm để dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc. Chất lượng giảng viên cũng cần được nâng cao thông qua các khóa bồi dưỡng chuyên môn và mời các chuyên gia doanh nghiệp tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
Song song đó, các trường đại học nên tăng cường tổ chức các hoạt động thực tập, nghiên cứu, khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án khởi nghiệp để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, việc hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm cũng rất quan trọng, thông qua các hội thảo nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu việc làm, giúp sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lao động.
Giải quyết tình trạng chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực không chỉ là trách nhiệm của riêng các trường đại học, mà còn cần sự chung tay của doanh nghiệp, nhà nước và bản thân sinh viên. Việc cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh thực hành và hỗ trợ tìm kiếm việc làm sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Theo quan điểm của tôi, các chính sách và quy định trong Luật Giáo dục đại học cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn, đồng thời tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Điều này không chỉ giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, mà còn tạo điều kiện để họ nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và khoa học – công nghệ.
Đánh giá của xã hội, doanh nghiệp và người học là thước đo quan trọng nhất đối với một cơ sở giáo dục. Sự ghi nhận của doanh nghiệp về năng lực của sinh viên tốt nghiệp, mức độ hài lòng của người học trong quá trình đào tạo và khả năng thích ứng với thị trường lao động chính là những thước đo khách quan, phản ánh đúng nhất hiệu quả của một cơ sở giáo dục.
Khi mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được thắt chặt, các trường đại học không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đóng vai trò tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập và đổi mới không ngừng” – thầy Toàn bày tỏ.
Còn Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay, để giải quyết tình trạng nêu trên, cần có sự đồng bộ từ các cơ quan đơn vị, trường học, thầy cô cần tăng cường truyền thông về ngành học, hỗ trợ tài chính và điều kiện học tập, xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn và phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc định hướng đào tạo.
Học sinh cần định vị tốt bản thân, xác định được năng lực sở trường, phẩm chất, tính cách, niềm đam mê yêu thích của bản thân; Định vị được ngành nghề, xác định những yêu cầu đòi hỏi, tố chất cần thiết của ngành nghề; Định vị thị trường lao động, xác định cơ hội việc làm, xu hướng và triển vọng nghề nghiệp trong tương lai.
“Riêng Trường Đại học Hoa Sen luôn chủ động phối hợp các đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố, trường trung học phổ thông, báo chí, đài truyền hình, các đơn vị truyền thông thực hiện các chương trình tư vấn định hướng ngành nghề thông qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng, tư vấn chuyên sâu qua nhiều kênh trực tiếp và trực tuyến, giúp học sinh trải nghiệm nghề nghiệp trước khi lựa chọn ngành học, trường học phù hợp.
Để việc đào tạo gắn kết với thực tiễn được triển khai thuận lợi, cần có sự hỗ trợ từ các quy định, chính sách, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học. Cụ thể, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ tài chính, phát triển cơ chế liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học, quy định về thực hành và thực tập, cũng như khuyến khích mô hình giáo dục mở.
Các chính sách và quy định này cần được thực thi hiệu quả, kết hợp với sự hợp tác chủ động giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội” – thầy Nguyên bày tỏ.