Sinh viên Nhân văn có nhiều lợi thế trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Những lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, truyền thông, môi trường và dịch vụ cộng đồng có tiềm năng lớn để phát triển các dự án khởi nghiệp...

Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Thách thức sáng tạo xã hội trong bối cảnh hiện nay và các cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên Khoa học xã hội và Nhân văn” do Viện Chính sách và Quản lý (IPAM), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) chủ trì tổ chức vào ngày 8/01/2025.

Tại sự kiện này, cũng diễn ra lễ kí kết thỏa thuận hợp tác giữa IPAM với một số đối tác về công nghệ nhằm tạo ra mạng lưới hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo.

Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lí đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam: Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội, Vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp tác động Việt Nam, Hội đồng Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, Viện Nghiên cứu khởi nghiệp thuộc Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam,…; cùng các giảng viên, sinh viên đến từ các đơn vị đào tạo trong Trường.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: “Với triết lí Hàn lâm là nền tảng, Hiện đại là xu hướng, trong nhiều năm qua Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chú trọng trong việc trang bị kiến thức, kĩ năng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và lập nghiệp bền vững cho sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế Nhà trường. Thực tiễn cho thấy, với kiến thức nền tảng được trang bị, các em có thể tham gia vào thị trường lao động với ngành nghề hết sức đa dạng, nhanh chóng thích ứng và bắt kịp yêu cầu của bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều cựu sinh viên Nhân văn trở thành các CEO, trưởng nhóm kinh doanh, nhà quản lí giỏi, doanh nhân thành đạt. Để có được sự thích ứng đó thì, ngoài sự nỗ lực của thầy và trò thì sự hỗ trợ của các đối tác, các đơn vị hiện diện trong Tọa đàm ngày hôm nay là vô cùng quan trọng”.

Gửi lời tri ân sâu sắc đến các Quý đối tác, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn bày tỏ kì vọng sự hợp tác giữa Nhà trường và các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp sẽ được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả trong thời gian tới nhằm đem lại cho sinh viên cơ hội để khẳng định giá trị cho bản thân và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng thông qua những dự án khởi nghiệp bền vững.

 Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Lợi thế và cơ hội khởi nghiệp của sinh viên khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ bởi các yếu tố như chuyển đổi số, Cách mạng Công nghiệp 4.0, và những vấn đề toàn cầu (biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, xung đột văn hóa), sáng tạo xã hội trở thành một hướng đi quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội.

Các thách thức về sự bất bình đẳng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ đến đời sống và phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các mô hình sáng tạo xã hội.

Những khó khăn về nguồn lực, kỹ năng và khả năng kết nối liên ngành cũng là rào cản cho việc phát triển các dự án có tính ứng dụng thực tiễn.

Điều này không chỉ đòi hỏi sự tham gia của các ngành kỹ thuật hay kinh tế mà còn cần sự đóng góp của các nhà khoa học xã hội và nhân văn, những người có khả năng thấu hiểu con người, văn hóa, và cộng đồng.

Vậy trong xu thế đó, cơ hội nào cho sinh viên tốt nghiệp từ các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn từ việc giải quyết những thách thức và khó khăn mà phát triển bền vững đang đặt ra?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan (Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lí, VNU-USSH) sinh viên khoa học xã hội và nhân văn có nhiều lợi thế trong khởi nghiệp sáng tạo xã hội.

Đó là tư duy và cách tiếp cận liên ngành; sự hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội; kỹ năng phân tích và nghiên cứu; kỹ năng giao tiếp và kết nối cộng đồng; hiểu biết sâu sắc về văn hóa và bản sắc địa phương; khả năng đồng cảm và tạo tác động xã hội;…

Tuy nhiên, thách thức lớn của sinh viên khối ngành này là hạn chế kỹ năng công nghệ cũng như thiếu nền tảng, định hướng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Nhưng điểm đáng mừng là sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở tất cả các chuyên ngành đều được tiếp cận với môn học khởi nghiệp, các em được trang bị tư duy, kiến thức, công cụ, phương pháp căn bản nhất về khởi nghiệp, đồng thời được truyền cảm hứng từ rất nhiều cựu sinh viên, doanh nhân đã khởi nghiệp thành công.

Do đó, chỉ cần có sự hỗ trợ từ Nhà trường, các doanh nghiệp, các chuyên gia, chắc chắn sinh viên khoa học xã hội và nhân văn sẽ tạo dấu ấn tốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xã hội, họ hoàn toàn có thể trở thành những nhà đổi mới sáng tạo xã hội xuất sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Những lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, lịch sử, truyền thông, môi trường và dịch vụ cộng đồng có tiềm năng lớn để phát triển các dự án khởi nghiệp mang lại giá trị xã hội và kinh tế.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lí, VNU-USSH

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lí, VNU-USSH

Tại Tọa đàm, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được lắng nghe các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin bổ ích và hấp dẫn về xu hướng nghề nghiệp hiện nay cũng như phân tích cơ hội việc làm và gợi ý dự án khởi nghiệp phát huy thế mạnh của sinh viên khoa học xã hội và nhân văn.

Trong báo cáo của mình, ông Nguyễn Đức Vinh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn và Đào tạo về Phát triển Địa phương (STG)) đã phân tích khái niệm bộ tiêu chuẩn ESG và chỉ ra cơ hội rất lớn cho sinh viên Nhân văn.

 Ông Nguyễn Đức Vinh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn và Đào tạo về Phát triển Địa phương (STG).

Ông Nguyễn Đức Vinh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn và Đào tạo về Phát triển Địa phương (STG).

ESG là viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng, có vai trò quan trọng sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đặc biệt nếu muốn tham gia vào thị trường toàn cầu.

Chính vì vậy, giảng viên, sinh viên được đào tạo bài bản về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hoàn toàn có thể triển khai các dự án nghiên cứu tổng quan về hiện trạng ESG tại Việt Nam, nghiên cứu các trường hợp ESG cho các ngành, trở thành những nhà tư vấn và xây dựng các báo cáo ESG cho doanh nghiệp (nội dung liên quan đến Social và Governance).

Chuyên môn này chính là thế mạnh của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và thực sự mở ra cơ hội nghề nghiệp rất hấp dẫn trong tương lai nếu các bạn biết khai thác.

Đại diện của Trung tâm STG cam kết sẽ đồng hành với Nhà trường trong việc phối hợp tổ chức các khóa đào tạo về các kiến thức cơ bản liên quan đến ESG, hội thảo chuyên đề về ESG, phối hợp tổ chức các nghiên cứu liên quan đến ESG, triển khai các gói tư vấn về đánh giá hiện trạng ESG của các doanh nghiệp và xây dựng báo cáo ESG cho các doanh nghiệp để sinh viên có thể được làm quen với lĩnh vực này ngay từ khi chưa ra trường.

Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp tổ chức thành công mô hình khởi nghiệp xã hội mang lại giá trị xã hội và kinh tế, ông Lê Quang Bình đến từ Công Ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE Việt Nam đã có những chia sẻ rất thú vị: Tại sao khởi nghiệp xã hội lại quan trọng ở Việt Nam? Làm thế nào để tạo một mô hình kinh doanh vừa tạo ra tác động xã hội/thay đổi cuộc sống người dân vừa tạo nguồn thu và lợi nhuận?

Theo ông Bình, trên thực tế có rất nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cấp thiết nhưng môi trường và biến đổi khí hậu/thời tiết cực đoan, bình đẳng giới, đa dạng và dung hợp xã hội (GEDSI), di cư, rác thải, ô nhiễm, tiếp cận cho người khuyết tật, di sản, không gian công cộng, kết nối con người với thiên nhiên ở khu đô thị; đói nghèo, việc làm, bất bình đẳng xã hội; già hóa dân số; chăm sóc sức khỏe tâm thần,…

Để giải quyết thấu đáo cần phải có sự tham gia của nhiều ngành, trong đó đặc biệt là những nghiên cứu, phân tích, kiến giải sâu sắc của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

 Ông Lê Quang Bình (Công Ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE Việt Nam) chia sẻ tại Tọa đàm.

Ông Lê Quang Bình (Công Ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE Việt Nam) chia sẻ tại Tọa đàm.

Thấu hiểu những khó khăn cũng như lợi thế của sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ông Lê Quang Bình gợi ý: để bắt đầu ý tưởng về một dự án khởi nghiệp xã hội, sinh viên cần chọn một vấn đề xã hội mình quan tâm và nghiên cứu, tích cực tham gia làm tình nguyện viên cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tham gia các sự kiện, diễn đàn, kết nối và xây dựng quan hệ, tích lũy kinh nghiệm thực tế, sau đó bắt tay và xây dựng dự án, lập nhóm làm việc, huy động nguồn lực để giải quyết vấn đề mình quan tâm.

Ông Bình cũng chia sẻ một số hoạt động nổi bật của ECUE mà các em sinh viên VNU-USSH hoàn toàn có thể tham gia vừa trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và cơ hội việc làm trong tương lai: Tập huấn về giới (https://www.facebook.com/VGEMvietnam), Tập huấn về khởi nghiệp xã hội, Cộng đồng hành động, Quỹ nhỏ; đăng kí tham gia các nhóm tình nguyện viên (https://www.facebook.com/vimothanoidangson).

Với cách nhìn táo bạo và mới mẻ của một CEO Gen Z, ông Nguyễn Ngọc Nhân (Giám đốc Công ty Phát triển và Chuyển giao công thức xây dựng đội ngũ No-code tiên phong tại Việt Nam) đem đến thông điệp: Các bạn sinh viên, các bạn trẻ hãy bắt đầu khởi nghiệp bất kì lúc nào mình có ý tưởng, bởi chi phí để khởi nghiệp là rất nhỏ (thậm chí là 0 đồng), nếu có thất bại thì nó cũng sẽ đem lại những bài học, kinh nghiệm vô cùng quý giá, hãy có tư duy toàn cầu ngay từ ngày đầu tiên khởi nghiệp.

Trên thực tế các Start - Up vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay được thế giới biết đến chính từ việc tạo ra sự khác biệt chính từ tri thức và văn hóa địa phương, tài nguyên con người.

Vậy trong lĩnh vực này, các bạn sinh viên học ngành khoa học xã hội và nhân văn là những người chiếm ưu thế nếu thực sự biết tận dụng và phát huy những gì mình đã được đào tạo và tự tích lũy.

 Ông Nguyễn Ngọc Nhân (Giám đốc Công ty Phát triển và Chuyển giao công thức xây dựng đội ngũ No-code tiên phong tại Việt Nam) chia sẻ những ý tưởng, cách tư duy rất mới mẻ về khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân (Giám đốc Công ty Phát triển và Chuyển giao công thức xây dựng đội ngũ No-code tiên phong tại Việt Nam) chia sẻ những ý tưởng, cách tư duy rất mới mẻ về khởi nghiệp.

Chủ đề và thông tin được các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên với nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề: dự án khởi nghiệp và những hỗ trợ cụ thể từ các doanh nghiệp dành cho sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn để có thể khởi nghiệp và lập nghiệp thành công.

Những chia sẻ của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm không chỉ nâng cao nhận thức, trang bị cho sinh viên tư duy về đổi mới sáng tạo xã hội mà còn mang lại các cơ hội khởi nghiệp cụ thể dành cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ việc giải quyết các thách thức sáng tạo xã hội.

Thu Giang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sinh-vien-nhan-van-co-nhieu-loi-the-trong-doi-moi-sang-tao-va-khoi-nghiep-post248475.gd