Sinh viên Trung Quốc đang dần từ bỏ 'giấc mơ Mỹ'

Thời gian gần đây, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt thị thực và cắt giảm tài trợ cho các trường Đại học đã trở thành mối lo ngại lớn đối với sinh viên quốc tế. Với sinh viên Trung Quốc, nhiều người chia sẻ khó khăn còn gia tăng do cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh và làn sóng phân biệt ngày càng rõ rệt, khiến 'giấc mơ Mỹ' không còn trở thành một sự lựa chọn hàng đầu.

Nước Mỹ không còn mở rộng cửa với sinh viên

Khi chương trình học tiến sĩ của Yao, một sinh viên Trung Quốc 25 tuổi, bị hoãn lại do trường Đại học ở Mỹ cắt giảm tài trợ, cô đã quyết định từ bỏ “giấc mơ Mỹ”. Từng nghĩ các vấn đề chính trị không ảnh hưởng đến bản thân mình, nhưng Yao cho biết giờ cô đã thực sự cảm nhận được tác động của chính trị đối với các sinh viên quốc tế như cô.

 Sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ (Ảnh: AFP)

Sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ (Ảnh: AFP)

Danh sách những sinh viên Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm những điểm đến học tập khác ngoài nước Mỹ như Yao ngày càng dài.

Kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống cho đến nay, hơn 4.700 sinh viên đã bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu nhập cư của Mỹ, khiến họ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Trong khi đó, sinh viên Trung Quốc chiếm 14% trong số 327 báo cáo thu hồi visa được Hiệp hội Luật sư Di trú nước này ghi nhận đến nay.

Trước tình hình hiện tại, chia sẻ với phóng viên Reuters, nhiều sinh viên Trung Quốc cho biết đang suy nghĩ lại về “giấc mơ Mỹ”. Họ lo ngại những vấn đề phức tạp hiện nay có thể đe dọa đến sự an toàn và ảnh hưởng cả tới tài chính của mình trong tương lai.

Trung Quốc là quốc gia có lượng sinh viên lớn nhất theo học tại Mỹ trong suốt 15 năm qua, và chỉ bị Ấn Độ vượt qua vào năm ngoái. Theo dữ liệu của Open Doors, tác động kinh tế của sinh viên Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ là 14,3 tỷ USD vào năm 2023. Nhưng cộng đồng này lại bị Chính quyền Mỹ hiện tại coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ, thậm chí phải đối mặt với một dự luật có thể cấm họ theo học ở các trường Đại học.

Một Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ chuyên trách về vấn đề Trung Quốc tháng trước đã gửi thư yêu cầu 6 trường Đại học cung cấp thông tin về chính sách tuyển sinh sinh viên Trung Quốc trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và đặt nghi vấn về sự tham gia của họ trong các nghiên cứu do chính phủ liên bang tài trợ. Chủ tịch Ủy ban John Moolenaar chỉ trích hệ thống cấp visa du học của Mỹ đã mang lại quyền tiếp cận không hạn chế các viện nghiên cứu hàng đầu và đe dọa an ninh quốc gia.

Trước đó, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cũng đã đề xuất một dự luật nhằm đình chỉ cấp thị thực du học cho công dân Trung Quốc. Tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban 100 - đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Hoa - đã lên án đề xuất này, cho rằng đề xuất đi ngược lại giá trị của nước Mỹ và làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới.

Những “giấc mơ khác”

Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên Trung Quốc và sinh viên nhiều nước khác đang ngày càng chuyển sự quan tâm đến các trường đại học bên ngoài nước Mỹ. Dù Mỹ vẫn là điểm đến được Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất trên các trang web của tập đoàn giáo dục hàng đầu Keystone Education Group, nhưng mức độ quan tâm đã giảm 5% kể từ thông báo áp thuế bổ sung của Tổng thống Donald Trump, trong khi lượng tìm kiếm về chương trình tiến sĩ giảm tới 12%.

Đại học Bocconi, Italy gần đây nhận được nhiều sự quan tâm từ sinh viên Trung Quốc hơn. Bà Summer Wu, Giám đốc khu vực Trung Quốc của trường thông tin: “Nhiều sinh viên cho biết, vì tình hình chính trị, các em đang tìm kiếm cơ hội ở các nơi khác, vì không biết điều gì sẽ xảy ra nếu đến Mỹ”.

Đại học Trung Quốc tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết số lượng sinh viên quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục, đang tăng mạnh. Các chính sách thị thực thuận lợi cho sinh viên sau tốt nghiệp đã biến nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn.

Nhiều sinh viên cũng lựa chọn theo học trong nước, khi nhiều trường đại học ở Trung Quốc tăng vượt bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu những năm gần đây.

Li là một trong những sinh viên quyết định như vậy. Sau 3 năm ở New York, cô đã từ bỏ ý định xin “thẻ xanh” ở lại Mỹ, để chuyển về Hong Kong (Trung Quốc) học cao học và làm việc. “Khi nhận ra cuộc sống sẽ có những cơ hội khác, tôi không còn quá thất vọng với những gì mình đang trải qua”, Li chia sẻ.

Hồng Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sinh-vien-trung-quoc-dang-dan-tu-bo-giac-mo-my-post411447.html