Sinh viên Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ bán 'Bộ não Einstein'
Một sinh viên Trung Quốc khiến cộng đồng mạng vừa ngạc nhiên vừa tranh cãi khi kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ bằng cách bán 'Bộ não Einstein'.
Đầu năm 2023, Zhang Jiangxi (22 tuổi, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đã tung ra sản phẩm ảo mang tên "Bộ não Einstein" với dòng mô tả đầy thú vị: Đây là bộ não của Einstein. Nó sẽ phát triển trên não bạn ngay khi bạn mua nó.
Sản phẩm này thu hút tới 70.000 lượt bán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao trong năm vừa rồi.
Zhang Jiangxi cho biết anh bắt đầu bán hàng trên Taobao từ năm 17 tuổi. Ý tưởng "Bộ não Einstein" nảy sinh khi một người bạn của anh, trong lúc đùa vui, đã nói rằng anh thiếu trí tuệ.
Với giá chỉ 0,5 nhân dân tệ (khoảng 2.000 đồng), "Bộ não Einstein" sẽ cung cấp cho người dùng dịch vụ trả lời thắc mắc, đưa ra lời khuyên, "an ủi tinh thần và nuôi dưỡng tâm hồn".
Thực tế, sau khi thanh toán online, khách hàng sẽ được trò chuyện với Zhang Jiangxi.
Trong một video, Zhang đang ngồi trước máy tính và trả lời tin nhắn của khách hàng. Hộp chat của anh chật kín danh sách liên lạc và lịch sử trò chuyện.
"Khách hàng chủ yếu là sinh viên đại học và học sinh THPT. Thậm chí một số khách còn đến từ những trường hàng đầu như Đại học Bắc Kinh. Chủ đề trò chuyện thường xoay quanh học tập, thi cử và kế hoạch tương lai. Họ cũng có thể tìm kiếm sự an ủi tinh thần", Zhang nói.
Anh chàng cho biết nhiều khách hàng rất thông minh với những ý tưởng thú vị. Do đó, họ cũng chính là người truyền cảm hứng, thậm chí dạy ngược lại Zhang - điều mà anh rất thích.
"Chúng tôi nói về rất nhiều điều thú vị. Tôi muốn mang lại niềm vui cho càng nhiều người càng tốt, trò chuyện với họ cũng khiến tôi hạnh phúc", anh nói thêm.
Với 70.000 lượt bán, Zhang đã kiếm được 35.000 nhân dân tệ (khoảng 120 triệu đồng). Ngoài "Bộ não Einstein", anh chàng còn cung cấp các dịch vụ trò chuyện ảo khác bao gồm "Nói không với tình yêu" và "Hạnh phúc".
Mặt hàng của Zhang Jiangxi đang gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên trước trí tuệ và kỹ năng kinh doanh của cậu sinh viên, đồng thời khâm phục khả năng nắm bắt nhu cầu tâm lý của giới trẻ. Trong khi đó, một số người lại cho rằng đây là một trò lừa đảo.
“Đó là một ý tưởng rất thú vị. Anh ấy là một thiên tài”, một người khen ngợi.
“Tôi muốn trải nghiệm một lần”, người khác nói.
“Đây không phải là lừa đảo sao?”, một người hoài nghi.