Smartphone màn hình gập có tốt không, lưu ý điều gì khi mua?
Smartphone màn hình gập có tốt không khi thiết kế của loại điện thoại này được cho là độc đáo, công nghệ tiên tiến hấp dẫn với nhiều người yêu công nghệ.
Thiết kế độc đáo, khả năng gập mở linh hoạt và công nghệ tiên tiến khiến smartphone màn hình gập trở thành lựa chọn hấp dẫn với nhiều người yêu công nghệ. Tuy nhiên, mức giá cao, độ bền còn gây tranh cãi và một số bất tiện trong trải nghiệm thực tế khiến không ít người dùng phân vân.
Từng được kỳ vọng là bước ngoặt của ngành công nghiệp smartphone khi Samsung ra mắt Galaxy Fold vào năm 2019, điện thoại màn hình gập đã tạo nên cú hích lớn với thiết kế phá cách, mở ra một hướng đi mới đầy sáng tạo. Thời điểm đó, nhiều người tin rằng đây sẽ là tương lai của điện thoại di động.
Thế nhưng sau 6 năm, sức hút của smartphone màn hình gập dường như đã hạ nhiệt. Dù các “ông lớn” như Samsung, Google, Motorola, Huawei hay OPPO vẫn đều đặn giới thiệu thế hệ mới, doanh số lại không đạt như kỳ vọng. Vậy đâu là ưu điểm và khuyết điểm của dòng sản phẩm này mà người dùng cần cân nhắc trước khi xuống tiền?

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Điểm nổi bật của smartphone màn hình gập
Thiết kế
Hiện tại, smartphone màn hình gập có hai kiểu chính là gập theo chiều ngang dạng sách và gập theo chiều dọc dạng vỏ sò.
Điện thoại gập theo chiều ngang, mang lại trải nghiệm giống như máy tính bảng khi mở ra, khiến chúng trở nên lý tưởng cho việc đa nhiệm và giải trí đa phương tiện. Ngược lại, điện thoại gập theo chiều dọc, có ngoại hình nhỏ gọn hơn và dễ bỏ túi, ưu tiên tính di động. Do đó, tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng mà bạn hãy chọn điện thoại gập phù hợp.
Tối ưu hóa đa nhiệm
Không chỉ phục vụ giải trí, màn hình gập còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng làm việc linh hoạt hơn. Nhiều mẫu điện thoại hiện nay hỗ trợ chế độ chia đôi màn hình, cho phép mở song song hai ứng dụng: vừa họp online, vừa ghi chú; vừa lướt web, vừa nhắn tin… Thiết kế gập giúp tối ưu việc sử dụng không gian hiển thị, đặc biệt tiện ích với những ai thường xuyên xử lý công việc trên điện thoại mà không muốn mang theo laptop. Với các tính năng như Flex Mode của Samsung hay AI tích hợp trong dòng Fold mới, smartphone gập ngày càng tiệm cận vai trò của một thiết bị làm việc thực thụ.
Hỗ trợ chụp ảnh sáng tạo và quay vlog tiện lợi
Thiết kế gập mang lại lợi thế rõ rệt cho những ai yêu thích nhiếp ảnh và quay video. Chẳng hạn, smartphone gập dạng vỏ sò có thể tự đứng vững ở nhiều góc độ mà không cần tripod, rất thuận tiện để chụp ảnh nhóm, selfie hoặc quay vlog. Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng camera sau chất lượng cao để chụp ảnh selfie nhờ màn hình phụ, mang đến những bức ảnh sắc nét và chuyên nghiệp hơn. Với xu hướng làm nội dung ngày càng phổ biến, đây là điểm cộng lớn đối với các nhà sáng tạo hoặc người dùng yêu thích quay chụp.
Không ngừng cải tiến về hiệu năng và độ bền
Nếu như thế hệ đầu của điện thoại gập từng bị nghi ngờ về độ bền, thì các phiên bản hiện nay đã có nhiều cải tiến vượt trội. Tấm nền màn hình được nâng cấp để chống trầy xước, bản lề được gia cố chắc chắn, khả năng chống nước đạt chuẩn IPX8 ở một số dòng cao cấp.
Ngoài ra, các mẫu smartphone gập mới còn tích hợp chip xử lý mạnh mẽ, pin lớn, sạc nhanh, hỗ trợ 5G và các tính năng AI, mang đến hiệu suất không thua kém bất kỳ flagship nào trên thị trường. Từ công cụ hỗ trợ công việc đến thiết bị giải trí đa năng, smartphone màn hình gập ngày càng hoàn thiện và đáng tin cậy.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Điểm trừ của smartphone màn hình gập
Vết hằn trên màn hình
Theo Android Authority, một trong những vấn đề chưa được giải quyết trên smartphone gập là vết hằn trên màn hình. Tình trạng này xuất hiện nhiều trên các model của Samsung và ngày càng hiện rõ sau một thời gian sử dụng, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Các thiết bị như Huawei Mate X2 hay Oppo Find N có vết hằn mờ hơn, tuy nhiên người dùng phải đánh đổi với khả năng kháng nước kém hơn những model khác.
Không có kháng bụi
Samsung là hãng đầu tiên mang khả năng kháng nước lên smartphone màn hình gập với chuẩn IPX8. Tuy nhiên, chữ X đồng nghĩa các model này không có khả năng kháng bụi. Với thiết kế đặc trưng, bụi rất dễ lọt vào bản lề của smartphone gập, gây hư hỏng hoặc trầy màn hình. Do đó, việc bổ sung khả năng kháng bụi có thể giúp giảm tình trạng trên.
Không tối ưu ứng dụng
Một trong những điểm bất tiện lớn nhất của điện thoại gập là tỉ lệ màn hình khác thường. Ví dụ, Galaxy Z Flip 6 có tỉ lệ 22:9, trong khi hầu hết smartphone truyền thống sử dụng tỉ lệ 19,5:9. Điều này khiến việc xem video trên YouTube hay lướt Instagram trở nên khó chịu vì hình ảnh bị kéo dài hoặc xuất hiện viền đen.
Dòng điện thoại gập kiểu sách có màn hình lớn hơn giúp trải nghiệm xem video tốt hơn nhưng lại vướng phải vấn đề khác, viền đen dày xung quanh nội dung. Trong khi đó với các mẫu smartphone thông thường, người dùng chỉ cần phóng to video là có thể trải nghiệm trọn vẹn nội dung toàn màn hình.
Bản lề giảm độ bền sau thời gian sử dụng
Ban đầu, bản lề trên điện thoại màn hình gập cho cảm giác chắc chắn, có thể giữ vững ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng theo thời gian, phần bản lề sẽ lỏng hơn, thậm chí không thể giữ cố định ở một số góc như trước đây.
Giá thành
Một trong những trở ngại lớn khiến người dùng chưa thể tiếp cận smartphone gập là giá bán. Để sở hữu Galaxy Z Fold6 – phiên bản gập ngang có màn hình lớn – người dùng phải bỏ ra từ khoảng 30 đến 70 triệu đồng tùy dung lượng bộ nhớ. Các mẫu trước như Galaxy Z Fold5 cũng từng được niêm yết gần 46 triệu đồng.
Trên thế giới, giá các mẫu gập ngang thường khởi điểm từ 1.700 USD (khoảng 42 triệu đồng), thậm chí một số thiết bị như Motorola Razr hay Huawei Mate XT có thể lên đến 2.800 USD (khoảng 70 triệu đồng).