Số 1-2025: 2025 – Việt Nam trong cục diện kinh tế thế giới mới

Năm 2025 đang mở ra trước mắt. Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước? Kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và tiêu cực. Việt Nam cần có chính sách thích hợp, khôn khéo để tranh thủ cơ hội và giảm thiểu nguy cơ cho nền kinh tế trong bốn năm tới.

Gọi thầu - thiết kế chính sách (mục Ý kiến): Nếu trước đây, nhận 1 việc để chia nhau 100 người làm thì nay phải nhận 10 việc và chỉ còn 50 người làm, nhất là khi không còn hưởng những đặc quyền của một đơn vị công lập như cơ sở vật chất, nhà đất và phải cạnh tranh với đơn vị khác để giành quyền trúng thầu một cách xứng đáng.

Những điểm đáng chú ý của kinh tế toàn cầu năm 2025 (Ngân Diệp): Năm 2025 nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến số. Lạm phát được kiềm chế, các ngân hàng trung ương dần nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại và biến động địa chính trị sẽ tiếp tục là những thách thức lớn.

Xu thế nào trong năm 2025? Cạnh tranh Mỹ-Trung và bong bóng AI (Hồ Quốc Tuấn): Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ, với khả năng gây ra tình trạng “đình lạm” - vừa lạm phát vừa suy thoái kinh tế. Những đề xuất của ông Trump không chỉ làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp mà còn có nguy cơ gây rạn nứt quan hệ thương mại toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam dưới thời Trump 2.0 (Trần Quốc Hùng): Nếu không giải quyết thỏa đáng việc xuất siêu quá lớn, Việt Nam sẽ gặp nguy cơ bị Mỹ tăng thuế quan, làm giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, ảnh hưởng bất lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Kinh tế Trung Quốc giai đoạn mới và hàm ý cho Việt Nam (Trần Văn Thọ): Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng từ chiến lược của Mỹ. Nhiều công nghệ cao, nhiều mặt hàng chiến lược không thể nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn.

Ứng phó với sự chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc (Đinh Trường Hinh): Một kịch bản khác có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách thương mại của Việt Nam, xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: khả năng Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các nước đang phát triển để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ kinh tế ngày càng tăng từ phương Tây.

VN-Index hồi phục, dần hướng lên vùng đỉnh cũ! (Thanh Thủy): Ngân hàng là nhóm ngành đóng góp nổi bật vào đà tăng của VN-Index với hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh như CTG, LPB, STB, TCB, MBB… Trong khi đó, nhóm ngành khiến thị trường giảm điểm là thực phẩm và đồ uống, với một số đại diện như VNM, SAB…

Những ngành nào sẽ là tâm điểm trong năm 2025? (Triêu Dương): Điểm số của VN-Index chỉ là một trong những cơ sở tham khảo để quyết định đầu tư. Lựa chọn đúng nhóm ngành có thể hưởng lợi trước những biến động kinh tế vĩ mô để đầu tư luôn là yếu tố tiên quyết và quan trọng hơn nhiều so với việc dự đoán chỉ số.

Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2025 - liệu có kịp về đích? (Thụy Lê): Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được phê duyệt theo Quyết định 242/QĐ-TTg được ban hành hồi tháng 2-2019. Một số mục tiêu đã hoàn thành theo kế hoạch đặt ra, nhưng vẫn còn không ít vấn đề ngổn ngang và có thể không kịp về đích trong năm sau.

Chờ đón các thương vụ bán vốn ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài (Triệu Minh): Các ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ tìm kiếm cơ hội để bán vốn cho các cổ đông chiến lược nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, với nhiều thương vụ đang được trông chờ sẽ diễn ra trong năm 2025.

Bàn về tinh gọn bộ máy nhà nước (Huỳnh Thế Du): Tinh gọn và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước là một vấn đề mang tính chiến lược cần phải tiến hành để hiện thực hóa tầm nhìn vươn mình sớm trở thành nước phát triển của Việt Nam. Để có thể thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả, xem xét chức năng và quy mô của nhà nước so với các nước trên thế giới là việc cần thiết.

Để làm nên cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước… (Đinh Tuấn Minh): Để gọi đây là một cuộc cách mạng thì điểm mấu chốt không chỉ là triển khai quyết liệt mà quan trọng là thay đổi triết lý tư tưởng bên trong: triết lý về bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị.

Chuyển đổi số khu vực công: vượt hành trình gian nan (Nguyễn Đức Lam): Như một trợ lực cho quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động, hành trình chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước đang đi tới đâu, đang vướng gì, làm thế nào để đến đích hứa hẹn “hoa tươi trái ngọt”? Trên hành trình chuyển đổi số, một điều quan trọng là làm thế nào để có nhân lực số đủ năng lực số…

Có thể tháo gỡ điểm nghẽn thể chế bằng con đường tòa án? (Nguyễn Tiến Lập): Trong hệ thống pháp luật hiện hành, đang có hai cơ chế, một còn để ngỏ và một có thể áp dụng. Cơ chế thứ nhất nhằm bảo vệ Hiến pháp, tức yêu cầu mọi luật của Quốc hội ban hành đều phải tuân thủ Hiến pháp.

Gian nan tìm thương hiệu cho hạt gạo Việt (Nguyễn Ngô Thành Danh - Nguyễn Thái Hải Lâm): Hạt gạo Việt từ lâu đã cho thấy vị trí của mình giữa vô số nông sản khi luôn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu và mang về hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng đến nay chúng ta chưa có một sản phẩm tiêu biểu về chất lượng hay xa hơn là một thương hiệu gạo Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê: 2024 tưng bừng, sao phải dè chừng 2025? (Nguyễn Quang Bình): Ngay thời khắc đầu năm mới 2025, không ai nghi ngờ gì nữa với những thành quả mà ngành cà phê đạt được trong năm 2024. Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất toàn cầu trong một thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt.

Đồng bằng cần hướng đến việc hình thành các cụm liên kết nông - công nghiệp (Lê Minh Hoan): Để vượt qua những thách thức, liên kết vùng được xem là yếu tố cốt lõi. Từ Nghị quyết về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long đến Đề án Quy hoạch vùng, tất cả đã mở ra cánh cửa vận hội mới. Nhưng mọi thứ sẽ chỉ dừng lại trên giấy nếu tư duy liên kết không vượt qua rào cản địa giới hành chính.

Vận hội mới từ việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ (Đỗ Ân): “Việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam xây dựng các hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho các doanh nghiệp của cả hai nước. Dự án Metro số 1 là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác này và mở ra triển vọng cho các công trình khác trong tương lai”, ông ONO MASUO, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: trách nhiệm của ai? (Nguyễn Văn Phúc): Chuỗi cung ứng thực phẩm được hình thành dựa trên ba chủ thể quan trọng là nhà cung cấp, nhà phân phối và đơn vị cấp các giấy chứng nhận cho nhà cung cấp. Vậy đâu là vai trò và trách nhiệm của các chủ thể này khi xảy ra những sự cố ATVSTP. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất và trách nhiệm đến đâu?

Chuyển mạng giữ số: nhà mạng sắp tới sẽ khó nói lời “từ chối” (Mục Đồng): Bước qua năm 2025, hai văn bản pháp lý về việc chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại di động được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng nhà cung ứng dịch vụ mạng di động cố níu chân khách thuê bao muốn chuyển mạng nhưng bằng những cách thức không rõ ràng như trong thời gian qua, khiến nhiều người cảm thấy như đang bị làm khó.

Metro - bước tập dượt mới của văn minh đô thị hiện đại (Ricky Hồ): Metro có thể vắng hơn ngày đầu khai trương rất nhiều khi bắt đầu thu phí, do giá vé và cả sự tiện lợi đi lại. Các sự cố chập điện, mất điện tuần rồi giống như phép thử để các chuyến metro của TPHCM an toàn hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

100 năm đọc lại The Great Gatsby: vĩ đại hay chỉ là đại gia? (Lâm Nghi): 2025 đánh dấu tròn một thế kỷ tác phẩm Gatsby vĩ đại (“The Great Gatsby”) của nhà văn F. Scott Fitzgerald ra đời. Đây là loại tác phẩm mà vừa đọc xong người ta lại muốn đọc lại ngay tức khắc, dù cho đó là một bi kịch buồn. Buồn đến uể oải. Nhưng tác phẩm này gửi gắm đến người đọc một thông điệp về sự tự thức tỉnh.

Người Việt dễ bị lừa nhất? (Nguyễn Vũ Mộc Thiêng): Lừa có kiểu chọc ghẹo nhau cho vui, còn gọi là “đùa” để cuộc sống thêm vui, nhưng lừa để trục lợi thì gọi là “lừa đảo”, đâu đó cũng là xuất phát từ thuộc tính tham lam nổi bật của con người - mà cụ thể ở đây là của kẻ đi lừa đảo và người bị lừa đảo.

Đường về Cù Lao (Trần Thanh Bình): Buổi sáng. Những ngọn gió nhẹ vừa đủ luồn qua hè nhà trong xóm của một ngôi làng đặc trưng xứ biển miền Trung. Quanh co đường ra bến sông, tôi thấy bỗng dưng quen thuộc...

Món quê mùa gió nổi (Huỳnh Văn Mỹ): Cứ đến mùa đông, khi gió bắc thổi về, tôi lại nhớ đến câu khấn dễ thương và cũng rất cảm động này của một cậu bé - nhân vật trong truyện ngắn Nhặt lá bàng của nhà văn Nhất Linh…

Đảm bảo an ninh năng lượng và phục hồi điện hạt nhân - những xu thế của năm 2025 (Lạc Diệp): Trong năm 2025 ngành năng lượng thế giới có thể chứng kiến những thay đổi lớn khi các nước chú trọng hơn tới việc đảm bảo an ninh năng lượng. Điện hạt nhân dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong khi năng lượng tái tạo đối mặt nhiều thách thức.

Walmart đến, thu nhập của cư dân giảm (Nguyễn Vũ): Hai nghiên cứu gần đây cho thấy chuỗi siêu thị giá rẻ Walmart đến hoạt động ở đâu thì cộng đồng nơi đó sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại, kể cả giảm thu nhập, thất nghiệp tăng, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, công nhân chuyển việc, nhiều cửa hàng nhỏ phải đóng cửa…

Mời bạn đọc đón xem!

KTSG

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-1-2025-2025-viet-nam-trong-cuc-dien-kinh-te-the-gioi-moi/