Sợ giun ẩn trong mắt, đâu là cách phát hiện?
Em trai tôi bị cộm, vướng mắt gần 2 năm, lo lắng nhiễm giun chỉ dù đã khám nhiều nơi không phát hiện dị vật. Xin bác sĩ cho biết nếu thật sự có giun thì chẩn đoán thế nào?
Em trai tôi bị cộm, vướng mắt gần 2 năm, lo lắng nhiễm giun chỉ ở mắt dù đã khám nhiều nơi không phát hiện dị vật. Xin bác sĩ cho biết nếu thật sự có giun thì chẩn đoán thế nào?
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Loài giun bạn đang nhắc đến có thể là giun chỉ Dirofilaria repens. Đây loài ký sinh trùng truyền qua muỗi, các loài muỗi này phổ biến ở Việt Nam và đã gây ra hàng triệu ca bệnh lây truyền qua vector.
Ký sinh trùng này chủ yếu nhiễm trên chó, thường gây các nốt sưng hoặc tổn thương dưới da. Nguy cơ lây truyền từ động vật sang người là vấn đề y tế công cộng cần lưu ý.
Việc chẩn đoán loài giun chỉ Dirofilaria repens không nhất thiết phải thực hiện sinh thiết hay xét nghiệm sinh học phân tử. Các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa mắt hoàn toàn có thể chẩn đoán thông qua các phương pháp như soi đáy mắt, nội soi, chụp ảnh hay chụp cắt lớp.
Những công cụ này giúp phát hiện giun sán tương đối rõ ràng. Chỉ khi cần xác định chính xác loài và phục vụ mục đích nghiên cứu, người ta mới tiến hành định loài bằng sinh học phân tử.
Về điều trị, nếu phát hiện giun sán khi soi mắt, các bác sĩ sẽ phẫu thuật để gắp và loại bỏ giun ra khỏi mắt bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân sẽ được dùng thêm thuốc điều trị giun sán nhằm tiêu diệt các ấu trùng hoặc giun non còn sót lại. Trong một số trường hợp, việc điều trị có thể kết hợp vệ sinh mắt và dùng thuốc diệt giun toàn thân.
Cách phòng bệnhDirofilaria repens chủ yếu tập trung vào việc hạn chế muỗi đốt và kiểm soát nguồn lây từ động vật sang người. Dưới đây là các biện pháp phòng bệnh cụ thể, dễ thực hiện:
Bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt:
Ngủ màn kể cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là ở vùng nhiều muỗi.
Mặc quần áo dài tay, quần dài khi ra ngoài trời vào chiều tối.
Dùng kem xua muỗi, tinh dầu, hoặc bình xịt côn trùng.
Kiểm soát muỗi quanh nhà:
Loại bỏ nơi muỗi sinh sản: dọn dẹp các vật chứa nước đọng như lu, chậu, lốp xe cũ.
Nuôi cá ăn bọ gậy trong bể nước nếu phù hợp.
Phun thuốc diệt muỗi định kỳ tại khu vực nhiều muỗi.
Quản lý động vật nuôi (chó, mèo):
Tẩy giun định kỳ cho chó mèo, đặc biệt là các loài giun chỉ.
Không cho thú nuôi lang thang ở nơi có nhiều muỗi.
Đưa thú cưng đi khám thú y nếu nghi ngờ nhiễm giun chỉ.
Theo dõi sức khỏe: Nếu có triệu chứng bất thường như sưng, nổi cục dưới da, cộm mắt kéo dài, cần đi khám chuyên khoa ký sinh trùng hoặc mắt để chẩn đoán sớm.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/so-giun-an-trong-mat-dau-la-cach-phat-hien-post1566422.html