'Số hóa' quản lý thu - thành công nổi bật của Bộ Tài chính

Một thành công nổi bật của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua đó là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế, 'số hóa' công tác quản lý thu, góp phần quan trọng cho tăng thu ngân sách. Kết quả này đã tăng cường thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ hoa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ hoa: Phương Anh

Thu về ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử.

100% doanh nghiệp kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử

Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh vàng, 100% các doanh nghiệp (9.419 doanh nghiệp) đã áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; vận hành và thu thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo thống kê cho thấy, 6 tháng qua, thu ước thu 4 nghìn tỷ đồng, lũy kế từ lúc vận hành Cổng đến nay thu được 12,8 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn); Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu,... Việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm cho thấy quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.

Về hóa đơn điện tử (HDĐT), tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 8,3 tỷ hóa đơn. Đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài là các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, Microsoft, TikTok… kê khai và nộp thuế đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài với số thuế đã nộp là 15,6 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, từ cuối năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Đến nay, toàn quốc đã có 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt 100% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Với việc triển khai thành công HĐĐT hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, ngày 5/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp.

Nhiều sáng kiến, sáng tạo, đi đầu về công nghệ

Cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản sát với giá thị trường,... đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng.

Phát biểu tại Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 là năm cơ quan thuế tiếp tục tập trung thu thuế qua sàn thương mại điện tử trong nước, mua bán online. Hiện nay, đã triển khai thành công kết nối Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế với Cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát thị phần thanh toán; đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó thu được thuế trong lĩnh vực này.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, vừa qua đã thu được 50 nghìn tỷ đồng từ các khoản này. “Đây là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, phải có sáng kiến, sáng tạo, đi đầu về công nghệ mới làm được” - Bộ trưởng nói.

Điều này lý giải vì sao thu ngân sách tăng nhưng không ảnh hưởng tới “sức khỏe” của doanh nghiệp. Về phía Bộ Tài chính đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, biện pháp, nỗ lực để tăng thu ngân sách, tìm cách thu từ những khoản thu tiềm năng, thu từ những khoản trước đây chúng ta chưa thu được.

Còn nhớ vào năm 2022 là năm Bộ Tài chính triển khai việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, nhờ đó đã góp phần tăng thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung đổi mới, sáng tạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thu đúng pháp luật vào ngân sách, từ đó có nguồn lực để khoan sức dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp./.

ÔNG HOÀNG QUANG PHÒNG - PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM: Chuyển đổi số lĩnh vực thuế, hải quan đạt nhiều kết quả quan trọng

Việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN) và toàn dân không ngừng được nâng cao. Với Bộ Tài chính, công cuộc chuyển đối số trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Để có được sự thành công trong chuyển đổi số của ngành Thuế và ngành Hải quan, yếu tố đóng vai trò quyết định là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống Thuế, Hải quan với những giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan.

Cùng với đó là sự đồng hành của người dân, DN trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan./.

ÔNG HONG SUN - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC TẠI VIỆT NAM: Cắt giảm nhiều thủ tục, đẩy nhanh thông quan hàng hóa xuất khẩu

Trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ quan thuế và hải quan là những cơ quan của Chính phủ liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN. Với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, hai ngành Thuế, Hải quan đóng vai trò quan trọng và đã thực hiện cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện để có thể thông quan hàng hóa xuất khẩu một cách nhanh chóng.

Trước đây, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chiếm khá nhiều thời gian, chi phí của DN. Nhưng hiện nay, hàng hóa của DN được phân luồng xanh, vàng, đỏ; phân định hàng hóa nào thuộc diện tiền kiểm, hậu kiểm, qua đó rút ngắn thời gian DN làm thủ tục xuất nhập khẩu, tạo rất nhiều thuận lợi cho DN.

Đối với cơ quan thuế, đã áp dụng toàn diện nền tảng công nghệ thông tin để giải đáp các vướng mắc, xử lý TTHC liên quan đến chính sách thuế. Trong hai năm qua, 100% các thủ tục liên quan đến hóa đơn điện tử được cơ quan thuế áp dụng, mang lại nhiều lợi ích cho DN, người dân./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/so-hoa-quan-ly-thu-thanh-cong-noi-bat-cua-bo-tai-chinh-154864-154864.html