Sơ kết 2 năm thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non
Sáng 20-10, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN). Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể: GD và ĐT, Tài chính... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sáng 20-10, Bộ GD và ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN). Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể: GD và ĐT, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ GD và ĐT, tháng 9-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển GDMN. Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo sát sao, các địa phương tích cực tham mưu và triển khai thực hiện Nghị định này. Tính đến hết tháng 9-2022 có 55 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ban hành nghị quyết của HĐND quy định chi tiết chính sách đối với GDMN của tỉnh, thành phố. Trong đó có 40 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết HĐND về chính sách đối với trẻ em con công nhân và giáo viên mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; 34 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết HĐND quy định danh mục các khoản thu, mức thu dịch vụ GDMN ngoài học phí phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ văn bản với các nhóm chính sách theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và có mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách.
Qua công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện chính sách GDMN; qua kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về GDMN ở khu công nghiệp, khu chế xuất đối với các tỉnh, thành phố, đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách như: Việc tham mưu ban hành văn bản quy định mức hỗ trợ cụ thể theo thẩm quyền (chính sách GDMN khu công nghiệp và việc thu phí dịch vụ hỗ trợ không sử dụng ngân sách Nhà nước...) ở một số địa phương vẫn còn chậm; việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; còn thiếu trường/lớp, ở khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp do phát triển nóng về công nghiệp và dịch vụ; thu nhập của giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động và tính chất công việc… Các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, tư vấn để các địa phương thực hiện đúng quy định.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương kiến nghị, đề xuất các vấn đề về công tác đầu tư, quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong GDMN và hình thức đối tác công tư trong đầu tư phát triển GDMN; những kinh nghiệm trong tham mưu ban hành chính sách địa phương; chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp đông lao động; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ GDMN không sử dụng ngân sách Nhà nước; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với GDMN vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; việc phối hợp liên ngành trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Đồng thời, thống nhất các phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ GD và ĐT tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDMN để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN. Hoàn chỉnh dự thảo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023-2030; Đề án “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”; trong đó, đặc biệt đi sâu các vấn đề: phát triển các dịch vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ; phát triển các trường tư thục; kết nối các nguồn lực của xã hội để quan tâm hỗ trợ các trường mầm non còn gặp khó khăn; quan tâm nhóm trẻ em yếu thế ở các vùng khó khăn; chú trọng công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ... Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về GDMN, trong đó có Nghị định 105./.
Tin, ảnh: Minh Thuận