Số phận nghiệt ngã Nữ nghệ nhân tật nguyền người Bahnar ở làng Tờ Mật

Sinh ra đã bị tật nguyền, chị Đinh Thị Hme (46 tuổi, làng Tờ Mật, xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phải gánh chịu bao thiệt thòi của số phận. Song với nghị lực phi thường cùng đôi bàn tay tài hoa, chị trở thành một trong những nghệ nhân của làng khi dệt nên những thước thổ cẩm tinh xảo.

Số phận nghiệt ngã

Chúng tôi tìm đến nhà của chị Hme vào một ngày cuối tháng 8 khi cái nắng oi ả vẫn phủ lên ngôi làng Tờ Mật. Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi không khó để tìm được ngôi nhà của chị nằm ở một góc làng. Trong ngôi nhà nhỏ xập xệ với những bức tường rêu mốc loang lổ, chị Hme vẫn cặm cụi ngồi dệt vải bên khung cửi.

Thấy khách đến, chị nhìn chúng tôi với ánh mắt biết cười rồi đon đả ra dấu mời khách ngồi bởi chị vốn không nói được rõ tiếng do bị ngọng bẩm sinh. Ngay từ khi sinh ra, chị đã bị liệt đôi chân. Khác với những đứa trẻ bình thường khác, 2 chân chị teo lại và chưa bao giờ chị có thể tự đứng vững với đôi chân của mình mà chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn, nạng hoặc dùng cánh tay bò. Bàn tay của chị cũng bị co lại, yếu ớt không thể cử động linh hoạt. Và khi tập nói, chị cũng không nói tròn vành rõ chữ mà chỉ có thể phát ra những âm thanh ngọng nghịu.

Lớn lên giữa buôn làng, lúc những đứa bạn đồng trang lứa chạy nhảy nô đùa và cắp sách đến trường học con chữ thì chị đành lủi thủi trong căn nhà với mẹ. Nhưng cũng từ ấy, tình yêu với dệt thổ cẩm nảy sinh trong tâm hồn cô gái Bahnar. Hàng ngày, nhìn mẹ thoăn thoắt dệt vải, cô bé Hme miệt mài quan sát rồi xin mẹ làm thử.

Chị Hme tỉ mỉ với từng sợi chỉ. Ảnh: Bích Ngọc

Chị Hme tỉ mỉ với từng sợi chỉ. Ảnh: Bích Ngọc

Lúc bắt đầu thực sự rất khó khăn bởi những khiếm khuyết của cơ thể khiến chị không thao tác được như ý muốn. Song không nản chí, chị xem đấy như một thử thách vừa là thú vui trong những tháng ngày quanh quẩn ở nhà. Trăm hay không bằng tay quen, đến năm 10 tuổi, cô bé làng Tờ Mật đã bắt đầu dệt ra những tấm vải có họa tiết đơn giản nhất.

Với chị Hme, mỗi sợi chỉ, mỗi mảnh vải đều mang theo những câu chuyện, những ký ức đẹp đẽ về người mẹ đã truyền cho mình tình yêu với nghề dệt. “Mẹ mình dệt đẹp lắm, mọi người trong làng rất thích mang đồ của mẹ dệt. Nên mình cũng cố gắng học từ mẹ, mình biết cơ thể mình không được lành lặn như người khác nên càng phải cố gắng hơn. Mỗi khi mẹ nghỉ ngơi không làm nữa thì mình xin ngồi vào dệt thử”-chị Hme tâm sự.

Nụ cười rạng ngời của chị Hme khi khoe thành quả với chúng tôi. Ảnh: Bích Ngọc

Nụ cười rạng ngời của chị Hme khi khoe thành quả với chúng tôi. Ảnh: Bích Ngọc

Lúc đầu, chị chỉ có thể dệt những sản phẩm nhỏ như chiếc mũ hay khăn tay. Nhưng thời gian đã chứng minh, bàn tay chị không chỉ là bàn tay của một người khuyết tật, mà còn chất chứa sự tài hoa của một nghệ nhân thực thụ. Suốt hơn 30 năm gắn bó với khung dệt, từ những bước khởi đầu đơn giản, chị Hme đã dần hoàn thiện các thao tác khó, tạo nên vô số sản phẩm thổ cẩm tinh xảo, độc đáo. Dưới bàn tay của chị, những sợi chỉ nhiều màu sắc dần dần biến thành những tấm vải đẹp đẽ, mang đậm dấu ấn của văn hóa Bahnar.

Nghệ nhân của làng

Không thể cầm cuốc, đeo gùi lên rẫy như những người phụ nữ Bahnar khác, nhưng với nghề dệt thổ cẩm, chị Hme vẫn miệt mài mưu sinh bằng chính đôi tay tật nguyền của mình. Mỗi tháng, chị có thể dệt từ 4-5 sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, khăn, túi, khố… để bán. Hơn 30 năm gắn bó bên khung cửi, chị đã làm ra hàng ngàn sản phẩm lớn nhỏ để bán ra thị trường. Không chỉ người dân làng Tờ Mật tin dùng, những tấm vải của chị được rất nhiều người dân từ các làng khác, xã khác ưa thích. Nhờ đó, chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Chị Hme trải lòng: “Tay mình bị tật, nên mình không thể làm nhanh như người ta. Vì thế, mình càng phải chăm chút cho sản phẩm thật đẹp, thật ưng ý thì mới mang bán được. Mình cứ dệt rồi cất vào tủ, khi nào có người hỏi mua thì sẽ bán. Dù không kiếm được nhiều nhưng cũng có thêm ít tiền mua gạo vì nhà mình không có nhiều rẫy, chồng mình cũng đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Mình cũng mong có nhiều người biết đến và mua sản phẩm của mình để mình kiếm thêm thu nhập”.

Tuy rằng đôi bàn tay không linh hoạt nhưng chị Hme luôn thực hiện thao tác dệt như một "nghệ nhân" thực thụ. Thực hiện: Bích Ngọc

Không chỉ dệt vải bán, chị Hme còn sẵn sàng chỉ dạy miễn phí cho những người muốn học hỏi và truyền lửa đam mê nghề dệt cho nhiều người. Chị Đinh Thị Choen (làng Tờ Mật) bày tỏ: “Trong làng không còn nhiều người biết dệt thổ cẩm của người Bahnar nữa. Chị Hme khéo léo, siêng năng mà nhiệt tình, tốt bụng, có nhiều người đến học nghề nhưng không phải ai cũng làm được sản phẩm đẹp như chị. Tôi rất khâm phục chị vì có những người như chị thì lũ trẻ trong làng sau này mới biết được nét đẹp của trang phục người Bahnar”.

Chị Hme có một “học trò” rất đặc biệt đó chính là cô con gái Đinh Thị Hà My (9 tuổi)-trái ngọt cho mối tình của 2 vợ chồng. Hàng ngày, sau giờ đến trường, cô học trò lớp 4 lại say sưa bên khung cửi nhìn mẹ dệt vải như chính phiên bản của chị Hme năm xưa. Ánh mắt em lanh lợi, thông minh chăm chú theo từng sợi chỉ nhỏ. Biết mẹ tàn tật đi lại khó khăn, em không mải mê ham chơi với chúng bạn mà thường ở bên mẹ để phụ giúp những việc nhỏ trong nhà. Và bé Hà My cũng đã đem lòng yêu dệt thổ cẩm và đã có thể ngồi vào khung cửi dệt vải.

Hà My thổ lộ: “Em thương mẹ lắm, từ nhỏ mẹ đã không đi lại được như người khác rồi. Nhưng mẹ em dệt rất đẹp nên em muốn học để làm được như mẹ. Em cũng muốn làm ra các sản phẩm đơn giản để bán, vừa có tiền phụ giúp cha mẹ và mua thêm sách vở đến trường”.

Cô bé Hà My nép mình bên khung cửi, chăm chú nhìn mẹ dệt. Ảnh: Bích Ngọc

Cô bé Hà My nép mình bên khung cửi, chăm chú nhìn mẹ dệt. Ảnh: Bích Ngọc

Khi nắng chiều vàng vọt hắt qua khe cửa sổ, chúng tôi chào mẹ con chị ra về. Đã rời xa ngôi làng, nhưng chúng tôi vẫn ấn tượng mãi với ánh mắt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ mang đầy năng lượng của chị Hme và cô con gái Hà My. Có lẽ một mai cô bé sẽ tiếp nối cái nghề dệt thổ cẩm gia truyền để làng Tờ Mật không mất đi tiếng lách cách của khung cửi.

Ông Đinh Hluốc-Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông-chia sẻ: “Chị Hme là hộ cận nghèo của xã. Tuy bị khuyết tật nên việc di chuyển sinh hoạt trong nhà cũng rất khó khăn, nhưng chị luôn cố gắng và siêng năng dệt thổ cẩm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp bữa cơm cho gia đình. Chị dệt rất đẹp nên bà con ai cũng mến và gọi chị là nghệ nhân của làng. Xã cũng đã chỉ đạo cho Hội Liên hiệp phụ nữ thường xuyên quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để giúp Hme và gia đình nổ lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, xã cũng đề xuất thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Tờ Mật nhằm tập hợp lại những người dệt thổ cẩm trong làng, để lưu giữ nét văn hóa lâu đời của người Bahnar cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm dệt của dân làng”.

BÍCH NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nu-nghe-nhan-tat-nguyen-nguoi-bahnar-o-lang-to-mat-post290018.html