'Sợi chỉ yêu thương' dệt từ những bàn tay phụ nữ
Giữa làng quê yên ả của xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, hơn 5 năm qua, có một hành trình lặng lẽ nhưng không kém phần kỳ diệu mang tên 'Ngày tình thương vì phụ nữ neo đơn'. Đây không chỉ là một mô hình thiện nguyện của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã, mà còn như là sợi chỉ dệt nên tình yêu thương cho những cuộc đời côi cút.

Các chị em Hội LHPN xã Hải Hưng đến thăm hỏi, tặng quà, động viên bà Lê Thị Oanh - Ảnh: Trần Tuyền
Trên địa bàn xã Hải Hưng có nhiều phụ nữ già cả, neo đơn đang lặng lẽ sống trong những ngôi nhà cũ kỹ, nhiều trường hợp thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất. Họ là những người mẹ, người bà từng tảo tần cả đời vì chồng con, nay mái tóc đã bạc, tay chân đã yếu lại phải một mình gánh gồng qua ngày. Trong những căn nhà không có tiếng cười con cháu, sự tĩnh lặng trở thành thứ âm thanh đè nặng lên tâm trí.
Trước thực tế đó, vào năm 2019, khi triển khai chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng) đã chọn nội dung “An toàn cho phụ nữ trong gia đình” để tổ chức thực hiện. Qua khảo sát thực trạng địa phương, mô hình “Ngày tình thương vì phụ nữ neo đơn” được ra đời. Theo đó, 11 chị em trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã tình nguyện nhận đỡ đầu 11 mẹ là những phụ nữ đơn thân không nơi nương tựa, trong đó, có mẹ bị lẫn do tuổi già, có mẹ bị bệnh thần kinh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Hưng Nguyễn Thị Hiền cho hay, với hình thức tổ chức đến thăm và tặng quà định kỳ vào ngày mùng 2 hằng tháng, mô hình mang tính bền bỉ, lâu dài và thiết thực. Những buổi đến thăm không chỉ là dịp để trao tặng nhu yếu phẩm mà còn là dịp để các chị dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh cá nhân cho các mẹ, lắng nghe và sẻ chia tâm sự. Tất cả đều được thực hiện bằng đôi tay ân cần và trái tim nhân hậu của các cán bộ hội. “Từ tháng 4/2020, sau khi xã Hải Xuân và xã Hải Vĩnh sáp nhập thành xã Hải Hưng, Hội LHPN xã tiếp tục mở rộng mô hình ra toàn xã mới, nâng tổng số phụ nữ neo đơn được đỡ đầu lên 19 người. Đặc biệt, trong thời điểm COVID-19, mô hình vẫn duy trì đều đặn, linh hoạt bằng hình thức cá nhân hóa, mỗi cán bộ hội phụ trách một mẹ, đảm bảo vừa thực hiện phòng dịch, vừa không để các cụ bị thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần”, chị Hiền kể.
Một ngày đầu tháng 4, tôi có dịp cùng các chị trong Hội LHPN xã Hải Hưng đến thăm bà Lê Thị Bé (89 tuổi). Bà Bé mất chồng đã gần 20 năm, sống đơn thân, không có con cái. Căn nhà đại đoàn kết bà đang ở được xây từ năm 1999, qua thời gian đã xuống cấp. Nhưng nhờ vào sự góp sức của Hội LHPN xã cùng các nhà hảo tâm, căn nhà từng bước được tu sửa, trở nên an toàn, sạch sẽ hơn. Các chị em trong Hội LHPN xã đến thăm đều đặn mỗi tháng để trò chuyện, giúp bà dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ áo quần và tặng những món quà ý nghĩa, kịp thời. Đây là những việc làm tưởng chừng giản đơn nhưng mang lại niềm vui và hy vọng sống cho bà Bé.
Cách đó không xa là nhà bà Lê Thị Oanh (90 tuổi). Vợ chồng bà Oanh từng có 7 người con nhưng tất cả đều bị tàn tật và lần lượt qua đời. Chồng bà cũng đã mất hơn 40 năm trước. Một mình sống trong căn nhà được hỗ trợ xây dựng bởi dự án nước ngoài từ năm 2005, bà Oanh thuộc diện hộ nghèo, sức khỏe yếu. Hằng tháng, Hội LHPN xã không chỉ tặng bà các nhu yếu phẩm, mà còn hỗ trợ công sửa nhà, cắt tóc, tắm rửa cho bà. Hôm chúng tôi đến, bà chỉ xin các chị một chiếc chăn và vài bộ áo quần cũ. Nhưng điều bà nhận được lớn hơn rất nhiều, đó là sự an ủi, sẻ chia trong lúc tuổi già bóng xế.
Không chỉ bà Bé, bà Oanh mà còn nhiều phụ nữ già cả, đơn thân khác sống rải rác ở các thôn xóm, trong những căn nhà nhỏ giữa vườn cây um tùm được các chị em Hội LHPN xã ghé thăm. Có những mẹ, khi đau ốm không còn khả năng tự chăm sóc, các chị thay nhau kề cận, làm vệ sinh cá nhân, nấu cháo, bón cơm, đưa đi khám bệnh. Có chị còn bế mẹ ra ngồi dưới hiên nhà, để mẹ được hong nắng...
Tình thương ấy không chỉ chạm đến người nhận, mà còn lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều người dân, sau khi chứng kiến hoạt động đầy nghĩa tình của hội, đã tình nguyện góp gạo, góp đồ cũ, hỗ trợ xe đưa đón... Có những thanh niên trẻ trong thôn cũng bắt đầu cùng đi theo hội trong các buổi thăm hỏi. Mô hình dần trở thành một nét đẹp văn hóa, nơi mà lòng nhân ái được nuôi dưỡng từ những điều giản dị nhất.
Cứ đến ngày mùng 2 hằng tháng, tại nhiều góc nhà, có thể bắt gặp ánh mắt những cụ già trông ra ngõ, ngóng một bóng hình thân quen. Đó là lúc tình thương hóa thành sự hiện diện, là lúc sự tử tế hiện hình rõ nét nhất bằng tiếng hỏi han, bằng bữa cơm nóng, bằng bàn tay dịu dàng vuốt ve mái tóc bạc. Mô hình “Ngày tình thương vì phụ nữ neo đơn” đã vượt ra khỏi một hoạt động phụ nữ đơn thuần. Đó là tuyên ngôn của lòng trắc ẩn, là biểu hiện của đạo lý nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”, là sợi dây kết nối những trái tim nhân hậu với những phận đời cần được chở che. Không cần phô trương, mô hình này nhẹ nhàng đi vào cuộc sống bằng sức mạnh của sự bền bỉ và chân thành.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Hưng Lê Thị Liền cho biết: “Nguồn kinh phí để duy trì mô hình phần lớn đến từ sự đóng góp của các tổ trưởng tổ vay vốn của hội, mỗi người 30.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, hội còn vận động các tiểu thương, nhà hảo tâm trong và ngoài xã đóng góp thêm, trích thêm quỹ hội để đảm bảo các phần quà mỗi tháng luôn đủ đầy, đa dạng. Riêng trong năm 2024, hội đã tổ chức 94 lượt thăm hỏi, tặng quà với tổng giá trị hơn 18 triệu đồng”.
Giữa guồng quay của đời sống hiện đại, khi nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ phai nhạt, thì những mô hình ý nghĩa, nhân văn như thế cần được tiếp sức và lan tỏa. Hội LHPN xã Hải Hưng, bằng sự chăm chút và trái tim yêu thương không mỏi mệt đã thắp sáng lên ngọn lửa tình người, sưởi ấm tuổi già nơi góc nhỏ làng quê yên ả.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/soi-chi-yeu-thuong-det-tu-nhung-ban-tay-phu-nu-193607.htm