Sôi động thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
Dự báo, thời gian tới, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động khi có sự tham gia của các doanh nghiệp nội và ngoại.
Nhộn nhịp thị trường mua bán doanh nghiệp
Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) càng trở nên sôi động hơn. Chỉ cần lên google gõ từ khóa “mua bán doanh nghiệp”, “cần bán doanh nghiệp”, “cần mua doanh nghiệp”, “mua bán tài sản doanh nghiệp”, “dịch vụ tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp”… sẽ cho ra hàng loạt kết quả tìm kiếm.
Ví như chỉ cần gõ từ khóa “dịch vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp” trên Google.com, trong 0,26 giây đã cho ra gần 49 triệu kết quả, “cần bán doanh nghiệp” cho 148 triệu kết quả trong 0,35 giây.
Theo tìm hiểu, trên các trang mua bán doanh nghiệp như muabancongty.net.vn có rất nhiều doanh nghiệp đang được rao bán. Giá bán mỗi doanh nghiệp từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Trong đó có công ty về giáo dục được giao bán chỉ với giá 20 triệu đồng. Thậm chí, có công ty doanh thu 8-10 tỷ/năm ở Hà Nội đã quyết toán hết 2022 cũng được rao bán với giá chỉ 75 triệu đồng.
Tiếp tục khảo sát một số trang website mua bán doanh nghiệp khác, phóng viên cũng phát hiện nhu cầu mua bán doanh nghiệp cũng đang “nóng” hơn bao giờ hết. Trong số những doanh nghiệp được rao bán, có rất nhiều công ty đã trong tình trạng “bán thành công” hoặc “đang thỏa thuận”, "đang bán"...
Đi cùng thị trường mua bán doanh nghiệp nở rộ thì lĩnh vực dịch vụ liên quan cũng sôi động không kém. Đó là các dịch vụ tư vấn quá trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, đơn vị trung gian làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần, đơn vị cơ cấu dòng tiền, cơ cấu doanh nghiệp hậu mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Công Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Stars Capital cho biết, vì công ty ông hoạt động trong lĩnh vực tư vấn mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nên ông có thể thấy, chưa bao giờ thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp lại sôi động như thế.
Theo ông Thành, hiện nay các công ty đang có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp, bán tài sản công ty để cơ cấu các khoản nợ đến hạn. Một số doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, khi gặp kinh tế khó khăn cũng được rao bán.
Ông Thành cho rằng, việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, tài sản... sẽ giúp cho doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có thể cắt giảm những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả, trả các khoản nợ ngắn hạn, trả lương nhân viên, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh...
Đối với doanh nghiệp yếu kém có thể chuyển nhượng sang các tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm hơn vận hành để kinh doanh hiệu quả hơn, qua đó tạo điều kiện tích cực hơn cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Những thông tin mua bán doanh nghiệp nhỏ lẻ trên chỉ là "lát cắt" rất nhỏ trên thị trường M&A.
Thị trường M&A sẽ ngày càng “nóng” hơn
Theo dự đoán của các chuyên gia, hoạt động mua bán doanh nghiệp sẽ tiếp tục "nóng" trong năm 2024, khi nhiều doanh nghiệp sẽ phải bán mình hoặc sáp nhập.
Theo KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 4,4 tỷ USD từ hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD, thương vụ lớn nhất là 1,45 tỷ USD.
Theo tìm hiểu, hoạt động M&A năm 2023 sôi động ở mảng công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng... Bên cạnh hoạt động mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp nội, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận những thương vụ lớn giữa các doanh nghiệp nội và ngoại.
Thương vụ M&A lớn nhất của năm 2023 là việc Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản chi hơn 1,4 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể (15%) tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trước đó, SMBC đã mua FE Credit VPBank vào năm 2021.
Ngoài ra, một số thương vụ M&A khác như ESR Group Limited chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial); Singapore Thomson Medical Group (Singapore) chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện Việt Pháp; Gamuda Land (Malaysia) mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD tại Tập đoàn bất động sản Tâm Lực; Bain Capital (Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới của Mỹ) đầu tư 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan...
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam còn mua các doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như trong năm 2023, FPT mua 80% cổ phần của AOSIS (công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Pháp); trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI (công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ); mua Cardinal Peak (công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ)... Trước đó, FPT cũng mua công ty RWE IT Slovakia (công ty thành viên của Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu - RWE); mua 90% cổ phần của Intellinet (công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ); đầu tư chiến lược vào LTS (công ty Top 20 doanh nghiệp tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật).
Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024. Ông Warrick Cleine cho rằng, thị trường M&A sẽ được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI, với giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng hạ tầng và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số.
Theo một số chuyên gia dự báo, trong năm 2024, thị trường M&A ngành bất động sản, năng lượng xanh, tiện ích được dự báo sẽ sớm sôi động hơn... Dòng tiền lớn trên thị trường đang hướng về hoạt động cơ cấu tài sản và tham gia thị trường tái cấu trúc.