Sôi động thị trường Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp đến, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết như hoa, cây cảnh, bánh mứt kẹo, thực phẩm… trên địa bàn Hà Nội bắt đầu sôi động. Qua ghi nhận, các loại hoa, cây cảnh tăng giá so với năm trước; các mặt hàng khác có nguồn cung dồi dào, giá ổn định, trong đó hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ cao.

Người dân mua sắm giỏ quà Tết tại siêu thị.

Người dân mua sắm giỏ quà Tết tại siêu thị.

Những ngày này, các cửa hàng hoa, cây cảnh trên tuyến đường Cổ Linh (quận Long Biên) đã ngập tràn trong sắc hoa Tết. Các chậu cây quất cảnh, hoa cúc, hoa lan… muôn màu, muôn vẻ được bày ngay mặt tiền, thu hút người mua. Vừa thoăn thoắt bê những chậu cây mới được chuyển tới vào cửa hàng, anh Nguyễn Văn Đồng (chủ nhà vườn Văn Đồng, đường Cổ Linh) cho biết, năm nay Tết sớm nên thời điểm này, người dân đã rục rịch sắm sửa các loại hoa, cây cảnh để chơi Tết. Do ảnh hưởng của đợt bão vừa qua, cho nên nguồn hàng cũng ít hơn mọi năm, nhất là các loại quất cảnh, giá cũng tăng hơn so với các năm.

Qua khảo sát, các loại quất nhỏ trồng chậu nhựa các năm trước chỉ khoảng từ 50-100 nghìn đồng/chậu, thì năm nay đều bán giá từ 90 nghìn đồng/chậu trở lên. Các loại quất dáng bonsai trồng trong chậu gốm giá dao động khoảng từ 250-400 nghìn đồng/chậu, tăng hơn so với năm trước khoảng 100 nghìn đồng/chậu. Các loại cây to hơn, thế đẹp hơn có giá vài triệu đồng/cây. Các loại hoa đào hiện chưa bày bán nhiều. Bề thế nhất là các cửa hàng chuyên kinh doanh hoa lan Đà Lạt với nhiều mầu sắc, kiểu dáng khác nhau, giá dao động từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng/chậu.

Từ ngày 8 đến 28/1, trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 70 điểm chợ hoa xuân. Sản phẩm trưng bày gồm các loại cây, hoa, quả cảnh; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và các sản phẩm phục vụ Tết. Đến nay, các điểm chợ hoa xuân đều đã được trang trí, sắp xếp hoa, cây cảnh, các ngành hàng hợp lý, thuận tiện, sẵn sàng đón khách đến mua sắm, vui chơi.

Tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội như Winmart, Tops Market, Co.opmart, BRGmart… đã trưng bày đủ loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Theo ghi nhận, người dân đã rục rịch mua sắm Tết, nhất là các loại bánh kẹo, đồ khô, đồ gia dụng, các loại giỏ quà Tết để biếu tặng. Sức mua các sản phẩm hàng Tết đã bắt đầu tăng.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, ngay từ tháng 6/2024, Hapro đã làm việc với các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm uy tín để xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng hàng hóa cho dịp Tết. Ngoài 10 mặt hàng thiết yếu, Hapro sẽ cung cấp cho thị trường một số mặt hàng thế mạnh, các sản phẩm đã nhiều năm được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn, yêu thích như gạo ST25, các loại hạt đóng lọ, thực phẩm chế biến… Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hapro sẽ tổ chức nhiều chương trình bán hàng ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn dành cho khách hàng.

Tương tự, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, khối lượng hàng hóa dự trữ của đơn vị đạt hơn 12.000 tấn với 3.500 mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, năm nay Co.op Mart đưa lên kệ giỏ quà Tết là hàng Việt Nam chất lượng cao để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Dự kiến, doanh số Tết Ất Tỵ 2025 tại hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc sẽ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2024.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân thông tin, trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Tops Market còn giới thiệu tới người tiêu dùng nhiều món ăn đặc trưng trong những ngày Tết của người dân Việt Nam như bánh chưng, lạp xưởng, giò lụa…

Sở Công thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đã dự trữ và triển khai phân phối, kinh doanh lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau, củ, 16.560 tấn thủy sản, thực phẩm chế biến, 238.500 tấn trái cây và 1.575 tấn bánh mứt kẹo… Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phân phối bán lẻ có biện pháp bố trí các điểm bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, vùng xa, khu-cụm công nghiệp…, tăng cường bán hàng cả kênh trực tiếp và trực tuyến, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của nhân dân.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/soi-dong-thi-truong-tet-post855260.html