'Soi' lại hoạt động phát triển thị trường vốn 6 tháng đầu năm
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 79% GDP; Huy động được 102.673 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP); Khối lượng giao dịch bình quân thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tăng 35% so với bình quân năm 2018... là những điểm sáng nổi bật của thị trường vốn trong 6 tháng đầu năm.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 79% GDP
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 04/7, chỉ số VN-Index đạt 973,04 điểm, tăng 9% so với cuối năm trước; Chỉ số HNX-Index đạt 104,34 điểm, tăng 0,1% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ngày 26/6 đạt 4,37 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2018, tương đương 79% GDP. Trong tháng 6/2019, giá trị giao dịch bình quân đạt 3.909 tỷ đồng/phiên, giảm 15% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.472 tỷ đồng/phiên, giảm 31,7% so với bình quân năm 2018.
Về hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch, tính đến tháng 6/2019, trên thị trường có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và 833 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng kí giao dịch đạt 1.275 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối năm 2018.
Về hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn, từ đầu năm đến nay, 2 SGDCK đã tổ chức 25 phiên đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn, tổng giá trị bán được là 3.915 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 86%; trong đó có 7 đợt đấu giá cổ phần hóa, trị giá 566 tỷ đồng và 18 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước, thu về 3.349 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 5 phiên đấu giá khác (phát hành thêm, đấu giá quyền mua,…), mang về 360 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) và Nhà nước. Cùng với đó, hoạt động huy động vốn của DN thông qua phát hành cổ phiếu đạt 41.295 tỷ đồng.
Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ có sự cải thiện căn bản
tính đến tháng 6/2019, trên thị trường có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 833 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng kí giao dịch đạt 1.275 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối năm 2018.
Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 21/6/2019, Bộ Tài chính đã huy động được 102.673 tỷ đồng TPCP, không tính 7.000 tỷ đồng phát hành TPCP để nhận nợ với BHXH, bằng 33,4% kế hoạch năm.
Khối lượng trả nợ gốc 6 tháng đầu năm là 98.995 tỷ đồng, theo đó khối lượng huy động ròng (trừ trả nợ gốc) là 3.678 tỷ đồng. 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 92% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao đạt 13,26 năm.
Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất phát hành TPCP đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ. Theo đó, lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,97% năm, tiếp tục duy trì ở mức thấp. Lãi suất phát hành thời điểm cuối tháng 6/2019 thấp hơn 0,2% - 0,5% so với thời điểm cuối năm 2018 ở tất cả các kỳ hạn.
Đáng chú ý là cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP có sự cải thiện căn bản với vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức phi ngân hàng và giảm dần tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53% (tăng 0,8% so với mức 52,2% tại thời điểm cuối năm 2018), tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 47%.
Trên thị trường trái phiếu DN, theo thống kê của SGDCK Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng TPDN phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm 24/6/2019 dư nợ thị trường trái phiếu DN đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP). Quy mô thị trường trái phiếu DN đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020...
Khối lượng giao dịch bình quân của TTCK phái sinh tăng 35%
Trên TTCK phái sinh, riêng trong tháng 6/2019, khối lượng giao dịch bình quân đạt 102.879 hợp đồng/phiên, tăng 22% so với bình quân tháng trước. Từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 106.288 hợp đồng/phiên, tăng 35% so với bình quân năm 2018.
Tính đến ngày 28/6, khối lượng mở (OI) toàn TTCK phái sinh đạt 21.718 hợp đồng, giảm 33,8% so với cuối tháng trước và tăng 0,3% so với cuối năm 2018. Tính đến cuối tháng 5/2019, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 72.956 tài khoản, tăng 4% so với tháng trước, tăng 26% so với cuối năm 2018.
Khung pháp lý và chính sách phát triển tiếp tục được hoàn thiện
Tính đến ngày 28/6, khối lượng mở (OI) toàn TTCK phái sinh đạt 21.718 hợp đồng, giảm 33,8% so với cuối tháng trước và tăng 0,3% so với cuối năm 2018. Tính đến cuối tháng 5/2019, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 72.956 tài khoản, tăng 4% so với tháng trước, tăng 26% so với cuối năm 2018.
Nhằm phát triển thị trường vốn, trong nửa đầu năm 2019, Bộ Tài chính cũng đã làm tốt công hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường. Trong đó, đã trình Chính phủ dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập SGDCK Việt Nam; Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện phát triển thị trường trái phiếu năm 2018 và kế hoạch triển khai trong năm 2019; phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện báo cáo phát triển thị trường trái phiếu DN; xây dựng báo cáo thường niên thị trường trái phiếu. Đồng thời, đã ban hành một số Thông tư như: Thông tư số 21/2019/TT-BTC ngày 11/4/2019 hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ; Thông tư số 13/2019/TT-BTC ngày 15/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết; Thông tư số 30/2019/TT-BTC ngày 28/5/2019 hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương. Hiện nay, Bộ đang xây dựng văn bản hướng dẫn về phát hành trái phiếu chuẩn và nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn và một số văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thành viên và phát triển thị trường...
Đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc, thanh tra, giám sát thị trường
Trong công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, với mục tiêu hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, tăng thanh khoản cho TTCK và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã chỉ đạo 02 SGDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tiếp tục thử nghiệm hệ thống, rà soát các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro để chính thức khai trương 02 sản phẩm mới (Sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và ản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP mà không ảnh hưởng đến hoạt động ổn định TTCK và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn đang tiếp tục được thực hiện theo lộ trình, và có bước đi thận trọng, không làm xáo trộn thị trường, trên cơ sở các nguyên tắc thị trường. Trong kỳ, UBCKNN đã thu hồi giấy phép hoạt động của 2 CTCK, đưa số lượng CTCK hoạt động bình thường đến nay giảm xuống còn 80 công ty. Trong 06 tháng đầu năm 2019, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra chuyên đề về giao dịch ký quỹ 03 CTCK và kiểm tra hoạt động định kỳ 01 CTCK. Giám sát chặt chẽ hoạt động của CTCK và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Công tác tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ đã thực hiện theo đúng chủ trương tái cấu trúc hệ thống các công ty quản lý quỹ, thận trọng và đáp ứng các mục tiêu đặt ra. UBCKNN tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ. Theo đó, đã giải thể 01 công ty và đặt 01 công ty vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường, 01 công ty kiểm soát đặc biệt và 03 công ty đang trong quá trình giải thể, chấm dứt hoạt động. Thông qua công tác tái cấu trúc, các công ty quản lý quỹ đã nâng cao năng lực tài chính, trình độ quản lý, chất lượng quản lý tài sản, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro từ đó tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động.
Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường và được triển khai toàn diện trên TTCK. UBCKNN đã tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật nhằm hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng thị trường. Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời và được công bố công khai theo quy định. Trong 06 tháng đầu năm 2019, UBCKNN đã triển khai 06 đoàn thanh tra định kỳ và 04 đoàn kiểm tra đột xuất. Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, thanh kiểm tra, giải quyết tố cáo, tính đến ngày 03/6/2019, UBCKNN đã tiến hành ban hành tổng cộng 182 quyết định xử phạt hành chính đối với 129 cá nhân, 53 tổ chức với tổng số tiền phạt là 13,6 tỷ đồng...
Để tiếp tục phát triển thị trường vốn cả về chiều chiều rộng và chiều sâu, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào các giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về TTCK; Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN và thúc đẩy việc niêm yết/đăng ký giao dịch của các DNNN sau cổ phần hóa; Sớm có cơ chế đưa các DN FDI lên niêm yết và giao dịch trên SGDCK; Tiếp tục gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường theo đúng lộ trình; Nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; Tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền...
Trong 06 tháng đầu năm 2019, UBCKNN đã triển khai 06 đoàn thanh tra định kỳ và 04 đoàn kiểm tra đột xuất. Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, thanh kiểm tra, giải quyết tố cáo, tính đến ngày 03/6/2019, UBCKNN đã tiến hành ban hành tổng cộng 182 quyết định xử phạt hành chính đối với 129 cá nhân, 53 tổ chức với tổng số tiền phạt là 13,6 tỷ đồng...