Sôi nổi giải bóng chuyền nữ tranh cúp Trần Kim Xuyến lần thứ IV
Ngày 8/6, tại thị trấn Phố Châu, UBND huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức khai mạc Giải bóng chuyền nữ tranh cúp Trần Kim Xuyến lần thứ IV.
Đây là một hoạt động chào mừng kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024); 300 năm ngày sinh Đại danh y Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa thế giới (1724 - 2024).
Sau 3 mùa giải thành công, giải năm nay thu hút 8 đội bóng tham gia gồm: Agribank Hương Sơn, Bia Nghệ An, Quy Nhơn FC, Câu lạc bộ Thể thao K9, Trung tâm y tế Hương Sơn, Hội doanh nghiệp Hương Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Sơn, Câu lạc bộ bóng chuyền Sơn Giang. Đây là sân chơi bổ ích, giúp các vận động viên thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ, chiến thuật, thể lực, tâm lý, kinh nghiệm thi đấu, chuẩn bị cho giải đấu cấp tỉnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Hồ Thái Sơn cho biết, giải mang tên nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến nhằm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, sự tôn vinh, lòng biết ơn của thế hệ sau đối với những đóng góp quan trọng của ông cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các cổ động viên gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu của bóng chuyền Hà Tĩnh và chứng kiến những trận đấu hay, hấp dẫn của mùa giải năm nay.
Sau lễ khai mạc đã diễn ra các trận thi đấu sôi nổi giữa các đội tuyển. Với tinh thần cao thượng, khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cầu thủ đã thi đấu nhiệt tình, cống hiến cho khán giả những trận đấu hay, nhiều pha bóng đẹp mắt.
Nhân dịp hướng đến kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tại Hà Tĩnh diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Trao Giải Báo chí Trần Phú năm 2023; Giải “Báo chí viết về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh”.
Nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, nay là xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh, Nghệ An (1939), ông làm việc tại Tòa sứ tỉnh Bắc Giang và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với vai trò nhà báo cách mạng. Ông từng bị thực dân Pháp bắt, giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò và sau đó vượt ngục thành công.
Ông là người có công trực tiếp trong việc xây dựng Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I, Ðổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam. Ông hy sinh vào năm 1947 trong lúc làm nhiệm vụ khi mới 26 tuổi. Ông là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng hy sinh vì Tổ quốc.